LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Hồn gỗ lũa xứ Lường.
(Ngày đăng: 11/01/2016   Lượt xem: 537)
Nét độc đáo và hấp dẫn của sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ gỗ lũa là trước một tác phẩm, ở mỗi người thưởng ngoạn sẽ có những cảm nhận khác nhau. Vẻ đẹp của lũa ấy chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên và trí tưởng tượng của con người, nên người ta gọi nghệ thuật chơi gỗ lũa là nghệ thuật của cái nhìn và tưởng tượng. Những “Thu lượm” hiểu biết ấy là tôi có được khi đến với nghề chế tác gỗ lũa ở Đô Lương - xứ Lường xưa...
Tại cuộc Triển lãm Sinh vật cảnh mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã dừng chân chiêm ngưỡng gian trưng bày những tác phẩm từ gỗ lũa của nghệ nhân Hoàng Văn Hòa (ở xóm 6, xã Đông Sơn - Đô Lương). Khách tham quan rất thích thú và đánh giá khá cao nghệ thuật “thổi hồn” vào gỗ lũa của ông với các tác phẩm nói lên bao giá trị nhân văn, lịch sử, truyền thuyết dân gian, con người, vũ trụ… Như tác phẩm “Về trời” thể hiện chi tiết và sinh động cảnh núi Sóc có hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt trong tư thế bay về trời; tác phẩm “Gia đình sum vầy” là mô phỏng 1 bụi trúc 5 nhánh cao thấp quây quần, nhánh cao nhất gần 3m tượng trưng cho người cha, là trụ cột trong gia đình. Hay bộ bàn ghế có mặt bàn với những chi tiết bao hàm nhiều hình tượng tuỳ theo trí tưởng tượng của người thưởng lãm: là hình một con cá đang bơi, hay có thể là hình con hà mã, phần chân bàn cũng có nhiều dáng vẻ, là một con rồng, hoặc là con báo vồ mồi; cho đến 4 ghế ngồi cũng “muôn hình vạn trạng”, chiếc này là cái đầu ngựa, chiếc khác là đầu con hươu...
Tác phẩm gỗ lũa “Gia đình sum vầy” của ông Hoàng Văn Hòa ở xóm 6 -  xã Đông Sơn (Đô Lương).
Tác phẩm gỗ lũa “Gia đình sum vầy” của ông Hoàng Văn Hòa ở xóm 6 - xã Đông Sơn (Đô Lương).
Từ những gốc cây vô hồn, qua bàn tay tài hoa của ông Hòa đã thành những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn riêng khiến khách hàng không thể không khen ngợi. Với bàn tay và khối óc tài hoa ấy, khi tham gia Festival Hoa Đà Lạt 2007, gian hàng gỗ lũa của ông đã được trao Bằng khen Gian hàng xuất sắc; năm 2008, ông được nhận bằng khen của Trung ương Hội Sinh vật cảnh; đạt giải Nhất tác phẩm “gỗ lũa ân tình” tại Triển lãm Sinh vật cảnh Bắc Ninh năm 2012; nhận Cúp Bạc tại Hội chợ Sinh vật cảnh Thành phố Hồ Chí Minh… Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, ông đã đem 20 tác phẩm đi dự Hội chợ Sinh vật cảnh tại tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình và đều bán hết số hàng. 
 
Gần 15 năm theo nghề gỗ lũa cùng với kinh nghiệm tham gia hơn 20 kỳ Festival và hội chợ sinh vật cảnh trên cả nước, ông Hoàng Văn Hòa chia sẻ: “Người làm nghề bao giờ cũng thích để nguyên phôi, chỉ can thiệp khi cần thiết vì cái đẹp ngẫu nhiên có tính độc bản mới mang tính giá trị nghệ thuật cao… Điêu khắc gỗ lũa là một công việc đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự say mê. Trước hết, nghệ nhân cần có óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú để có thể nhận ra những hình ảnh sống động từ những rễ cây khô đôi khi xấu xí. Ngoài ra cũng cần một số kiến thức về lâm nghiệp để biết gốc cây là gỗ lũa. Ví như các loại gỗ sao, gỗ hương phải trên 100 tuổi, gỗ mít phải được 70- 80 tuổi, xà cừ cũng phải trên 60 năm. Đối với những gốc còn tươi, cần 1- 2 tháng để cho khô và bớt nhựa, sau đó mới khéo léo gọt bỏ phần vỏ ngoài và phần mềm sát vỏ, chỉ lấy phần lõi cây, mới được khối gỗ lũa. Từ gỗ lũa bắt đầu quá trình tạo dáng sản phẩm. Lúc này, nghệ nhân phải cân nhắc, suy ngẫm thật kỹ để chọn hình, tạo dáng sao cho gần với nguyên bản nhất. Gỗ lũa rất cứng, khi chế tác đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mẩn với từng nhát dao, đường khắc. Nghệ nhân tỉ mẩn gọt dũa, có khi phải mất mấy ngày chỉ để chuốt một cái đuôi con rắn đang quấn vào một thân cây, hay để đẽo một cái miệng con sư tử đang há ra dữ tợn... Chính vì vậy, giá thành của sản phẩm không phụ thuộc vào kích cỡ mà nó nằm ở giá trị nghệ thuật và độ “say” hàng của người chơi. Do đó có tác phẩm giá vài trăm ngàn đồng, có tác phẩm lên cả trăm triệu đồng, có khi vô giá. “Thời điểm rỗi mình tôi làm túc tắc, đến dịp chuẩn bị tham dự hội chợ phải cần thêm từ 3- 4 thợ tập trung chế tác. Bây giờ tỉnh nào có tổ chức hội chợ thì Ban tổ chức có thư mời trực tiếp tham gia luôn nên lúc nào cũng phải có sẵn sản phẩm để mang đi. Hiện một bộ bàn ghế gỗ lũa có giá từ 40 - 50 triệu đồng/bộ, tranh tượng, câu đối lũa bình quân từ 500.000 - 3.000.000 đồng/bộ. Thị trường đầu ra cho sản phẩm gỗ lũa “chạy” nhất là các công trình nhà mới và các hội viên sinh vật cảnh các tỉnh bạn; tính toán sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, một năm gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng từ nghề...” - Ông Hòa cho biết thêm.
 
Lũa có 3 loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được tạo thành từ mưa, gió. Mỗi loại lại có đặc điểm riêng: lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những sóng vân đẹp. Ông Nguyễn Thanh - một nghệ nhân chơi và sáng tác gỗ lũa có tiếng ở Thị trấn Đô Lương cho hay: “Một tác phẩm gốc lũa đẹp là còn nguyên gốc, không bị lắp ghép hay cưa cắt mà phải giữ nguyên lõi bên trong. Gốc cây càng lâu năm, càng “kỳ hình dị tướng” thì càng có giá trị. Dựa trên hình dạng, đường nét sẵn có, người trong nghề chỉ phải khai thác các tiểu tiết sao cho tác phẩm sinh động, có ý nghĩa. Đó là cách riêng của mỗi nghệ nhân khi “thổi hồn” cho lũa. Cũng có thân lũa không cần thêm một sự can thiệp nào vì bản thân “tác phẩm” do thiên nhiên tạo ra đã quá hoàn mỹ...”.
 
Từ thú chơi đam mê gỗ lũa, tại xã Đông Sơn những người làm nghề đã tập hợp thành Câu lạc bộ cây cảnh - gỗ lũa, cũng là vừa kinh doanh vừa thỏa sức đi tìm cái đẹp. Theo ông Nguyễn Danh Kế - Chủ nhiệm CLB gỗ lũa Đông Sơn: “Trước đây, đa phần các hội viên CLB làm nhỏ lẻ, sản phẩm đơn giản, quy mô và phạm vi sản xuất bó hẹp. Khi nhận thấy đây là tiềm năng kinh tế có thể phát huy, cộng với sự quan tâm của Hội Sinh vật cảnh huyện, chúng tôi đã tập trung vận động, kêu gọi những người cùng sở thích lập thành hội để tiện cho việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đưa nghề gỗ lũa ngày một phát triển. Nguyên liệu làm nghề đa số được người dân bản địa các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương… tự khai thác trong rừng đem đến bán”.
 
Nghề chế tác gỗ lũa ở huyện Đô Lương đã có hơn 15 năm phát triển. Xuất phát ban đầu của nghề này là từ một số người có sở thích chơi cây cảnh khi tình cờ tham quan và gặp gỡ một số nghệ nhân chế tác lũa ở các tỉnh phía Bắc. Từ ham mê, sở thích của một số người, dần dần nhu cầu tìm mua và sử dụng gỗ lũa ngày càng tăng. Nhiều khách hàng ở một số tỉnh xa tìm đến các cơ sở chế tác ở Đô Lương để đặt hàng sản phẩm lũa. Đặc biệt, kể từ sau năm 1998, khi Hội Sinh vật cảnh huyện Đô Lương tham gia các kỳ Festival, các hội chợ Sinh vật cảnh ở các tỉnh, thành trên cả nước, sản phẩm lũa mỹ nghệ của Đô Lương giành giải thưởng cao lại càng được nhiều nơi biết đến. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 15 cơ sở chuyên sản xuất, chạm trổ gỗ lũa. Những người chơi và sản xuất gỗ lũa tuy chưa có thâm niên, tác phẩm cũng chưa phải sắc sảo nhưng lại gợi trí tưởng tượng cao bởi chỉ có sự can thiệp ở mức tối thiểu, sự ước lệ của chính bản thân tác phẩm đã đem lại cho phong cách gỗ lũa Đô Lương. Một "trường phái" gỗ lũa đang được hình thành và có thể trở thành một làng nghề mang sắc thái riêng...
 
Bàn về những trăn trở của nghề làm gỗ lũa, ông Hoàng Văn Hòa cho biết thêm: “Qua kinh nghiệm các năm đi tham dự Festival và Hội chợ Sinh vật cảnh do các tỉnh, thành tổ chức, nhưng có một thực tế đặt ra là mỗi lần tham dự, khối lượng sản phẩm thường rất lớn nhưng giá trị mới chỉ đạt từ 50-70% so với các tỉnh bạn. Qua đó, chúng tôi rút ra kinh nghiệm, để sản phẩm phù hợp với túi tiền và đón đầu thị hiếu người dân phải biết chọn mua nguyên liệu đầu vào có chất lượng hơn, mẫu mã sản phẩm sáng tạo, độc đáo để hấp dẫn thị trường. Mặt khác, nghề gỗ lũa được sự bảo trợ của Hội Sinh vật cảnh huyện nhưng chưa thực sự nhận được sự quan tâm đầu tư của Hội Sinh vật cảnh tỉnh. Trên thực tế, chúng tôi phải nộp từ 5-7% tổng giá trị sản phẩm đi tham dự hội chợ. Điều này đang đặt ra một khó khăn cho các hộ làm nghề khi sản xuất còn manh mún như hiện nay”.
 
Hiện nay, trên thị trường gỗ lũa được bày bán không nhiều, để mua một sản gỗ lũa nghệ thuật, người ta phải tìm đến những người sành chơi sinh vật cảnh. Khác với các loại nghệ thuật khác, nghệ thuật gốc cây gỗ lũa phải biết khai thác nhưng luôn tôn trọng dáng vẻ tự nhiên. Cùng với bàn tay khéo léo, người nghệ nhân thổi vào những vật vô tri thành hữu hình vô giá. Sản phẩm gỗ lũa Đô Lương cũng vậy, đã góp phần làm phong phú cho những loại hình nghệ thuật độc đáo của tỉnh nhà.
                                                                          Theo baonghean.vn.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.489.611
Tổng truy cập: