LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Những người làng Vác “nhất nghệ tinh”… (18/08/2012)
(Ngày đăng: 20/08/2012   Lượt xem: 1323)

Gắn bó với những chiếc đục, chiếc chuốt, say sưa chạm khắc, đục đẽo làm lên những chiếc vanh, những nan lồng tinh xảo, con trai của nghệ nhân Ba Mi - ông Nguyễn Văn Nghệ sống hơn nửa đời người vẫn không quên lời cha dặn: "Nghề làm lồng chim không bao giờ lo thất nghiệp. Người chơi chim cảnh nhiều, lồng sản xuất sẽ nhiều hơn. Nhưng lồng chim phải có hồn, con chim mới trường thọ…”.



Sản phẩm lồng chim làng Vác

Làm lồng chim cũng lắm công phu

Làng Vác (làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội) bây giờ khoác lên mình một tấm áo mới. Xưa kia mọi ngõ ngách trong làng đều tím ngắt một màu "quạt giấy”, nhưng giờ đây không gian đó đã nhường cho những chiếc lồng chim tinh xảo phục vụ thú chơi mới của thượng khách. Thật đúng như lời ông Ba Mi đã từng căn dặn. Nhưng có mấy ai trong làng giữ được "cốt cách” của một chiếc lồng chuẩn: Đẹp, bền, sang trọng.

Với vẻ ngoài chân chất như một lão nông, nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ gây ấn tượng với chúng tôi ngay lần đầu tiếp xúc. Với giọng nói nhỏ nhẹ, ông say sưa nói về cái nghiệp mà mình đang theo đuổi.

Ngay từ bé, ông đã được trực tiếp tham gia sản xuất những chiếc lồng chim độc nhất vô nhị với ông và cha của mình. Những chiếc vanh được mài gọt tỉ mỉ, rồi chạm khắc công phu, những chiếc nan sờ "mướt tay” chiếc nào chiếc ấy đều tăm tắp đã hút hồn ông ngay từ ngày cắp sách tới trường. Ông Nghệ cười bảo: "Lớn lên đã thấy nhà treo đầy những loại lồng chim to nhỏ, chỉ biết ngửa cổ lên mà ngắm, rồi sau đó nó ngấm vào mình lúc nào không hay. Mới đầu chỉ được đi bán lồng theo mẹ. Sáng đi học, chiều đạp xe lên tận Hà Nội bán dạo qua cả đêm”. Lý giải những ẩn ý của ông cha mình, ông Nghệ lại cười: "Đó cũng là cách học làm lồng độc đáo. Một người làm lồng bình thường sẽ không thể biết được tiêu chuẩn của một chiếc lồng đẹp. Tôi đi bán lồng chim thường là cho những khách quyền quý người Việt hay người Pháp, mọi sự khen chê hay cách ngắm lồng chơi chim của họ tôi đều nắm hết cả”.

Làm lồng chim bằng tay không có gì là khó, học mót được rất nhanh. Giờ đây những đứa trẻ lên 6, lên 7 tuổi cũng đã biết cách uốn nan, chuốt nan cho bố mẹ. Nhưng để làm ra những chiếc lồng "chuẩn” thì thật lắm công sức. Hiếm ai có thể nhìn thấy "chiếc lồng thứ 3” từ nghệ nhân Ba Mi. Ông Nghệ bồi hồi nhớ lại: "Khoảng năm 1988, bố tôi có làm một đôi lồng Mi, một chiếc được một ca sĩ có tiếng ở Hà Nội về mua. Khoảng một năm sau, ông ấy lại về tìm mua cái tiếp theo những không thể có được”. Để làm ra được một sản phẩm độc đáo như vậy, mất hàng tuần có khi cả tháng trời mới ưng ý.

Lớp trẻ bây giờ chơi theo phong trào nên hiếm ai có được cách ngắm lồng chuẩn và cách chọn lồng phù hợp cho từng con chim. Ông tâm sự: " Lồng họa mi dáng cao thẳng, lồng chim cu đan hình trái đào, lồng khướu thì tầm cao trung bình…”. Với dân chơi chọi chim, cách nhìn lồng của họ khác lắm. Người nào sành sỏi là biết ngay. Kinh nghiệm nhiều năm bán lồng chim dạo của ông cho thấy: "Lồng phải nhẵn, bóng, trông lồng phải đứng đắn, có nghĩa là các vanh lồng phải đều tăm tắp trên dưới, các nan lồng nếu đứng ngắm từ xa thì chiếc nan này phải che chiếc nan kia như đứng xếp hàng. Cấm cái nào được chệch. Người chơi chim thường đặt lồng chim trên bàn và đứng từ xa ngắm, ngắm một lúc lại xoay lồng. Người nào tinh tế hơn thì ngồi xuống cho đúng tầm mắt, khi đạt chuẩn là chỉ nhìn thấy những chiếc nan lồng hàng đầu tiên”.

"Đối với lồng chim chiến như họa mi, phải là hai chiếc lồng giống hệt nhau, cửa lồng cao hơn một li cũng là vứt. Trước khi được đưa ra chiến đấu vài ngày đôi họa mi phải được đưa ra chiếc lồng phóng cao khoảng 2 m, cho chim được bay thỏa thích, sau đó lại cho vào lồng nhỏ cho nó cuồng chân. Khi vào trận chiến, hai cửa lồng phải được để bằng nhau, ở giữa có một cửa công, thông lồng chúng sẽ lao vào nhau ngay. Đó cũng là một lí giải vì sao cụ thân sinh ra tôi thường làm lồng mi thành một đôi và không có chiếc thứ 3” - ông Nghệ chia sẻ.



Ông Nguyễn Văn Nghệ đang cẩn thận vuốt từng chiếc vanh

Những bí kíp nhà nghề

Giờ đây đến với làng Vác, những âm thanh xèo xèo của máy cưa, máy mài kêu suốt ngày đêm. Ấy vậy mà vẫn không có đủ hàng để bán. Ông Nghệ trầm ngâm: "Nhà tôi có một xưởng chuyên sản xuất các loại lồng chim xuất khẩu sang Pháp, Nhật, Đức… Giờ tôi chỉ chuyên sản xuất những chiếc lồng "đặt” làm bằng tay, đặc biệt chỉ sử dụng công cụ xưa của các cụ để lại. Đó là những bí kíp nhà nghề mà ít người giữ được cho đến giờ”.

Giá của những chiếc lồng như vậy thường tính bằng tiền triệu, gấp 5, 6 lần những chiếc lồng chợ thông thường. Để cho chúng tôi thấy rõ được từng sự tỉ mẩn, công phu của mỗi công đoạn, ông Nghệ dẫn chúng tôi vào "gian chế tác” của riêng ông.

"Nói đến từng công đoạn làm lồng chim, ngày xưa các cụ tỉ mẩn lắm. Mỗi một chiếc nan ghép lồng đều có tiêu chuẩn riêng, phải đều tăm tắp, không cái nào khác cái nào. Giờ sở hữu một chiếc lồng như vậy là hơi khó”- vừa nói ông vừa kéo chiếc chuốt bằng sắt và làm luôn một chiếc nan cho chúng tôi xem. Ông nhét vào một đầu chuốt một chiếc nan mới chẻ, một tay giữ, một chân đạp, chiếc nan chui qua cái lỗ trên chuốt xong là bóng mịn, đều tăm tắp.

Tiêu chuẩn của một chiếc lồng đẹp là các nan không cong lệch, vanh đứng đắn. Để làm được như vậy, những lỗ khoan nhét nan, vanh phải thật chuẩn xác. Ông Nghệ đưa cho chúng tôi xem một chiếc khoan màu gụ tối, bóng nhoáng, ông cười bảo: "Đây là chiếc khoan cuối cùng của nhà tôi”.

Xưa các cụ chơi lồng "đặc chủng” có nghĩa là tất cả các bộ phận đều bằng tre, kể cả ván sàn cũng phải bằng nguyên liệu đó. Để chọn tre cũng là cả một nghệ thuật. Phải là những cây tre già, giữa bụi mới bền, tốt được. Đặc biệt, các ống tre phải dài, những đoạn nào có "cộc” tre phải bỏ ngay, vì những chỗ đó rất dễ bị mối, mọt tấn công. Ngày xưa các cụ mỗi một nơi có cách chống mối, mọt khác nhau, nhiều nơi dùng kĩ thuật hun khói tre, có nơi lại ngâm dưới nước đến hàng tháng trời, treo lên gác bếp. Nhưng riêng làng Vác làm kĩ thuật "luộc” tre. Sau khi được luộc kĩ, tre sẽ hết nhựa, mềm dẻo dễ uốn, khi uốn rồi sẽ không duỗi ra nữa.

Giờ đây những chiếc lồng chim bằng trúc dường như bán được nhiều hơn so với lồng tre. Để tìm được một chiếc lồng tre chuẩn có thể sử dụng 50 năm đến 60 năm giờ hiếm lắm. Hiện giờ gia sản quý giá nhất của ông Nguyễn Văn Nghệ là "gian chế tác”, không chỉ cho ra những sản phầm lồng chim đơn thuần, mà ông còn nghiên cứu ra nhiều mẫu mã lồng khác. Ông Nghệ chia sẻ: "Chỉ mong các thế hệ sau này vẫn coi trọng tiêu chuẩn cái đẹp của lồng mà cho ra những chiếc lồng có hồn, không vì lợi trước mắt làm mai một nét đẹp truyền thống”.
Đức Hiệp- Hòa Anh
Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.516.377
Tổng truy cập: