LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
4,8 tỉ đồng hỗ trợ có cứu được làng nghề?
(Ngày đăng: 11/09/2015   Lượt xem: 1039)

Bánh bánh chưng làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) được đăng ký và công bố thương hiệu đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: T.L

Hà Nội hiện có khoảng 1.270 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống với 47 nhóm nghề. Trong nhiều năm qua, có những làng nghề không chỉ giúp người nông dân vươn lên làm giàu, mà còn tạo được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động thôn quê. Tuy nhiên, số lượng làng nghề “có máu mặt” đang có dấu hiệu phát triển đến một mức độ nào đó rồi “giẫm chân tại chỗ”, thậm chí còn giật lùi đi xuống. Nhiều làng nghề rầm rộ một thời, nhưng nay đang èo uột, cầm chừng, thiếu bền vững bởi bị ăn cắp mẫu mã, thậm chí bị hàng Trung Quốc “bóp nghẹt”.

Không chú trọng xây dựng thương hiệu

Nói đến làng nghề truyền thống tại Hà Nội không thể không nhắc tới chính là làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng làm chuồn chuồn tre (Thạch Xá, huyện Thạch Thất), làng làm quạt (Chàng Sơn, H.Thạch Thất), nón Chuông (H.Thanh Oai), sản phẩm đồ gỗ (Chàng Sơn)... Được coi là một trong những làng nghề nhanh chân trong việc xây dựng thương hiệu - đã có một thời, những sản phẩm lụa của các làng nghề Vạn Phúc đã làm mê mẩn du khách, mỗi ngày thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan và mua sắm. Thế nhưng, do ỷ lại vào danh tiếng đã có, ít đầu tư máy móc, chậm cập nhật - nắm bắt thị trường, đặc biệt thói “lảm giả ăn thật” của một số hộ nơi đây trộn sản phẩm của Trung Quốc đánh lừa người tiêu dùng đã khiến Vạn Phúc mất dần uy tín, du khách e ngại, cảnh giác. Chua xót hơn, nhiều khách du dịch khi đến tham quan Vạn Phúc đã “bỏ nhỏ” nhau bí kíp “chỉ ngắm, không mua” vì sản phẩm ở đây chưa chắc là hàng Vạn Phúc “xịn”, giá lại cao hơn nhiều nơi khác!

Đồ gỗ Chàng Sơn (Thạch Thất) trước đây nức tiếng với những pho tượng Di Lặc, nhưng do không đăng ký thương hiệu, cũng bị nhiều sản phẩm khác “cố tình mặc nhầm áo” dù chất lượng kém hơn. Vả lại, nhiều năm liền, sản phẩm hầu như không có thay đổi, nhàm chán và kém hấp dẫn. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn thích tìm cái mới. Rồi những “làng thêu” “cả làng thêu chung một mẫu”, sản phẩm đơn điệu, trong khi đó hàng Trung Quốc xâm nhập thị trường nội địa ngày càng nhiều, mẫu mã luôn thay đổi đã dần chiếm mất thị phần bán lẻ, khiến nhiều làng thêu phải thu gọn sản xuất. Rồi nón làng Chuông - sản phẩm sừng làng Thụy Ứng... cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra trong thị trường nội địa.

Không thể “ăn dè” quá khứ

Muốn vực dậy những làng nghề truyền thống, điều trước tiên phải chiếm lại được thị trường. Muốn lấy lại thị trường, phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, liên tục thay đổi mẫu mã, cập nhật thị hiếu người tiêu dùng. Điều này chỉ có thể làm được khi các làng nghề chú trọng việc xây dựng thương hiệu làng nghề và phát triển thương hiệu sản phẩm, không thể coi quá khứ như của để dành để bán “ăn dè”. Khách hàng làm sao biết sản phẩm của một làng nghề nào đó, khi đến trang web giới thiệu sản phẩm cũng không có. Thậm chí, có những làng nghề giới thiệu sản phẩm của mình “ké” vào một trang web cá nhân khác. Chưa kể, có những trang web thông tin quá nghèo nàn, hình ảnh đơn điệu...

Không thể để các làng nghệ “tự bơi”, nhằm phát triển thương hiệu cho các làng nghề, UBND TP.Hà Nội quyết định đầu tư 4,8 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Xúc tiến thương mại của TP hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề năm 2015 trên địa bàn thủ đô, đồng thời chỉ đạo:

Việc xây dựng thương hiệu làng nghề năm 2015 chủ yếu tập trung vào các vấn đề cốt lõi như: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (lôgô) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu cho các làng nghề; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề. Các làng nghề đã được UBND TP quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” theo Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 2.7.2009 của UBND TP và được UBND quận, huyện, thị xã có văn bản đăng ký tham gia Chương trình thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ.

Nguồn kinh phí hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Các làng nghề đã được UBND các quận, huyện, thị xã gửi văn bản đăng ký hỗ trợ xây dựng thương hiệu từ năm 2014. Làng nghề đăng ký thực hiện đủ 3 nội dung của Chương trình để đảm bảo sử dụng hiệu quả kinh phí chương trình…

Việc hỗ trợ các làng nghề TP.Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện để các làng nghề Hà Nội bảo tồn và phát triển thương hiệu làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…

Tuy nhiên, một câu hỏi mà ai cũng đã có câu trả lời, là liệu 4,8 tỉ đồng có đủ sức vực dậy những làng nghề đang dần “chết yểu”? Những làng nghề này đang cần một “liều thuốc” mạnh hơn từ phía chính quyền!

                                                                                                   Theo: laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.516.693
Tổng truy cập: