LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Kim Lan - làng gốm cổ
(Ngày đăng: 08/05/2015   Lượt xem: 888)
Nói tới gốm sứ Kinh Bắc, nhiều người sẽ nhớ ngay tới thương hiệu gốm sứ Bát Tràng hay làng gốm Phù Lãng.
Thực hiện công đoạn ''vào khuôn'' cho sản phẩm.
Thực hiện công đoạn ''vào khuôn'' cho sản phẩm.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cái nôi của nghề gốm được khởi thủy từ một ngôi làng nhỏ nằm yên bình bên dòng sông Hồng: Làng Kim Lan, huyện Gia Lâm.
Vang bóng một thời
So với Bát Tràng, làng gốm Kim Lan ít nhộn nhịp, sầm uất hơn, thay vào đó là nét trầm mặc, bình dị. Không ai biết chính xác làng gốm Kim Lan có từ khi nào. Theo lời nghệ nhân Nguyễn Việt Hồng (82 tuổi), một người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử làng gốm Kim Lan thì làng có vào khoảng thế kỷ thứ IX. Năm 2000, nhóm khảo cổ học do TS người Nhật Bản Nishimura Masanari dẫn đầu cùng các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khai quật và phát hiện nhiều hiện vật minh chứng cho nghề làm gốm Kim Lan đã có lịch sử từ rất lâu và có giai đoạn cực thịnh...
Bà Lê Thị Thành, người đã gắn bó với làng nghề trong suốt 80 năm qua cho biết, giai đoạn cực thịnh của làng gốm Kim Lan là vào những năm 1780. Khi đó, trong tổng số gần 800 hộ dân làng Kim Lan thì có tới 700 nóc lò nung. Sản phẩm được xuất bán sang nhiều thị trường trong khu vực như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia… Những năm 1905, làng gốm Kim Lan gần như bị thất truyền do người dân chuyển hướng sang trồng trọt, chăn nuôi hoặc di tản đi nơi khác kiếm sống. Mãi tới năm 1980, nghề làm gốm của làng mới được khôi phục, nhưng khi đó chỉ được xem như một nghề để kiếm thêm thu nhập những khi nông nhàn.
Trên đường phục dựng
Anh Trương Văn Liên, ngụ ở xóm 2, chủ một xưởng gốm chuyên sản xuất đồ gia dụng (bát đĩa, chén tích…) cho biết, nguyên liệu làm gốm của làng được nhập chủ yếu từ 2 huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và Kinh Môn (Hải Dương). Từ nguồn nguyên liệu này, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn như đánh tan, lọc đất (làm lắng), ép luyện, định hình… Một trong những kỹ thuật mà người làm gốm Kim Lan đến nay vẫn áp dụng là sấy khô sản phẩm bằng than tổ ong. Sau công đoạn định hình, sản phẩm sẽ được “chuốt”, làm mịn, trang trí theo yêu cầu của khách hàng, tráng men và nung. Thời gian nung kéo dài khoảng 6 giờ đồng hồ. Với lò nung bằng than, sau khi sản phẩm “chín” phải chờ khoảng 4 ngày để lò nguội mới tiến hành bốc dỡ hàng hóa ra lò, trong khi với lò gas chỉ cần khoảng một ngày làm nguội. Cũng bởi thế mà so với lò gas, lò nung truyền thống cho năng suất thấp hơn.
Chi phí cho việc đầu tư một lò nung theo phương pháp công nghiệp (dùng gas) không phải là rẻ, dao động từ 300 - 500 triệu đồng. Hiện, với các gia đình đủ điều kiện, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho vay tiền để đầu tư lò nung công nghệ mới phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, không ít hộ gia đình còn khá dè dặt và không muốn “mạo hiểm”. Thực tế, trong tổng số gần 200 gia đình còn gắn bó với nghề làm gốm truyền thống tại làng Kim Lan, chỉ có chưa tới 25 hộ “dám” đầu tư lò nung bằng gas. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ một lò gốm làng Kim Lan cho biết, sau một thời gian gần như bị lãng quên, gốm Kim Lan đang trên đường phục dựng nhưng chưa đi vào mặt hàng cao cấp mà chủ yếu tập trung sản xuất các mặt hàng gia dụng phục vụ nhu cầu tại chỗ, do vậy chưa được nhiều bạn hàng xa gần biết đến. Thậm chí, hiện nay, một số sản phẩm gốm Kim Lan thuộc hàng tinh xảo vẫn đang phải “nhờ” vào thương hiệu của gốm sứ Bát Tràng để “đi xa”. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông không thuận lợi cũng là một trong những nguyên nhân khiến giao thương của làng gốm Kim Lan gặp nhiều trở ngại. Thực tế là để tìm về được làng Kim Lan, bản thân chúng tôi cũng đã phải rất nhọc nhằn chạy xe qua tuyến đường đất mấp mô với nhan nhản những ổ trâu, ổ voi thuộc địa phận các xã Xuân Quan và Văn Đức (Hưng Yên).
So với gốm sứ Bát Tràng hay Phù Lãng, gốm Kim Lan đơn giản hơn về hoa văn họa tiết nhưng rất tiện dụng. Dù vậy, các hộ gia đình làng Kim Lan còn theo nghề gốm đều nhận thức được rằng, muốn tạo lập chỗ đứng trong thị trường cạnh tranh hiện nay, việc đầu tư mạnh vào cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm là rất cần thiết. Cũng nhờ nhận thức đó mà nhiều năm qua, các sản phẩm của làng nghề Kim Lan ngày một trở nên phong phú hơn về chủng loại, từ những vật dụng rất nhỏ như ống đựng tăm, đế nến, bát hương cho tới đồ thờ cúng, chậu hoa cây cảnh, chum vại muối dưa cà… Trong số đó, gốm xây dựng Kim Lan là một trong những mặt hàng được đánh giá cao và hiện vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Dù đang gặp phải những khó khăn nhưng với những nỗ lực hiện nay của những người con nơi mảnh đất ven sông này, hy vọng rằng nghề gốm làng Kim Lan sẽ sớm được phục dựng và bảo tồn đúng với giá trị của nó.
                                                                     Theo : ktdt.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.488.972
Tổng truy cập: