LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Trăn trở làng than
(Ngày đăng: 06/04/2015   Lượt xem: 648)
Nhiều năm qua, các làng than ở Sóc Trăng, Hậu Giang vùng ĐBSCL phát triển khá mạnh, giải quyết lượng lớn công ăn việc làm cho lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong xu thế làng nghề đang được nhân rộng, kéo theo hệ lụy về tình trạng ô nhiễm môi trường, thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Làm sao vừa phát triển bền vững làng nghề mà không ảnh hưởng đến người dân đang là bài toán khó cho các địa phương.



Người lao động làm việc vất vả tại các lò than

Độc nhiều, hại cũng nhiều

Theo thống kê năm 2014 của UBND huyện Kế Sách (Sóc Trăng), làng nghề hầm than xã Xuân Hòa hiện có 939 lò hầm than của hơn 400 hộ dân, sản lượng than mỗi năm đạt khoảng 40.000 tấn, doanh thu khoảng 300 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động của địa phương. Than thành phẩm ở làng nghề này không chỉ bán trong nước, mà còn xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... nhờ ăn nên làm ra mà số lượng lò than ở đây tiếp tục tăng về số lượng.

Còn ở Hậu Giang, thống kê hiện có khoảng 900 lò hầm than củi phân bố ở các xã Phú Tân (huyện Châu Thành), Tân Thành và Đại Thành (TX. Ngã Bảy). Xã Phú Tân là nơi tập trung nhiều lò hầm than củi nhất của tỉnh Hậu Giang, với khoảng 635 lò đang hoạt động, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 lao động của xã và khoảng 1.000 lao động ở các địa phương khác, với thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Phú Tân, Trần Hoàng Vũ lo lắng: "Những năm qua, người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng than ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Tỉnh, huyện, xã, đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các hộ dân làm than ở đây không xây thêm lò mới, nhưng năm 2014 ở xã Phú Tân vẫn có thêm 35 lò hầm than được xây mới…”.

Những đóng góp của làng than cho địa phương là không nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi đó thì làng nghề lại là nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng ngàn hộ dân, thiệt hại không nhỏ đến sản xuất. Cụ thể, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách có khoảng 3.200ha diện tích cây ăn trái với các loại như cam, bưởi, sầu riêng, măng cụt, xoài… Qua kết quả khảo sát của chính quyền, những vườn cây ăn trái nằm trong vùng bán kính 300 đến 500m gần các lò hầm than năng suất sẽ giảm khoảng 50% so với nơi trồng khác. Những người làm việc trực tiếp từ các lò hầm than không có trang phục hay dụng cụ bảo hộ lao động, nên mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ lò than rất nặng nề. Anh Nguyễn Văn Gẩm, chủ nhà vườn trồng bưởi ở xã Phú Tân cho biết: Gia đình anh có khoảng 7.000 m2 ở gần 2 lò than, nhiều năm bị khói bụi bám đen thân cây và lá, ảnh hưởng đến việc hô hấp, hấp thụ của cây nên các vụ bưởi đều thất thu.

Thay không nổi, để cũng không xong

Ông Trần Văn Mười Một, cán bộ Mặt trận xã Phú Tân cho biết, toàn xã có trên 400 lò hầm than củi tập trung dọc hai bên các sông Cái Côn, sông Hậu, Cây Dương, Ngã Tư. Huyện đã chỉ đạo không cho xây thêm lò mới nhưng một số người vẫn lén xây thêm lò, nên lò than mọc lên ngày càng nhiều. Khói bụi ở các lò hầm than ảnh hưởng xa tới 1km. Người dân đã phản ánh tình trạng này với chính quyền gần 10 năm nay, nhiều khi gửi đơn lên tới cấp tỉnh nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Theo nghề hầm than khoảng 30 năm nay, ông Chung Văn Mao ở ấp Đông An A, xã Đại Thành là người hiểu hơn ai hết tình trạng từ khói bụi, khí thải của lò than là nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp cho cá nhân, người thân trong gia đình và người dân xung quanh. Khi được Sở TN&MT tỉnh chọn lắp đặt thí điểm hệ thống xử lý khói thải tại lò hầm than của gia đình mình, ông Mao rất vui. Ông nói: "Tôi chưa biết được mức độ độc hại giảm được bao nhiêu, nhưng khói đen của lò than không thấy nữa…”. Xã Tân Thanh cũng đang tiến hành thí điểm công nghệ giảm thải môi trường cho các lò than, tuy nhiên kinh phí để thay đổi công nghệ cũng khá lớn, khoảng hơn 40 triệu đồng/lò than.

Trên thực tế, các đề tài, dự án này đã tiếp sức cho các xã nông thôn mới Đại Thành, Tân Thành thị xã Ngã Bảy thực hiện đạt tiêu chí môi trường. Nếu đề án khả thi, được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các hộ hành nghề hầm than củi thì làng nghề lò than của tỉnh sẽ yên bình, tiếp tục phát triển bền vững vì xua tan được nỗi lo ô nhiễm.

Các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đang tìm các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường khói bụi. Trước đây, tỉnh cũng đã xem xét đề xuất quy hoạch lò than theo khu, cụm nhưng không khả thi vì phá bỏ lò cũ xây lò mới sẽ rất tốn kém, trong khi các chủ lò than lại muốn lò than ở gần nhà để dễ quản lý. Các giải pháp công nghệ được đưa ra để xử lý khí thải lò than vẫn chưa được lựa chọn vì chưa đồng bộ và thống nhất, chi phí để chuyển đổi công nghệ còn cao. Vì vậy, các lò than vẫn hoạt động quanh năm, người dân vẫn phải sống chung với khói bụi và chịu thiệt hại về các vườn cây.

Hậu Giang cũng đã tính tới chuyện hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Về kinh phí thực hiện tỉnh sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ 70% chi phí lắp đặt, 30% còn lại là vốn đối ứng của người dân. Chi phí lắp đặt mỗi hệ thống xử lý dùng cho 1 lò than trung bình khoảng 90 triệu đồng/lò, như vậy phải bỏ ra số tiền 42 triệu đồng/lò để lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Khá nhiều hộ dân không đồng tình vì số tiền vượt quá sức của người dân. Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành cũng cho rằng rất khó khăn vận động người dân đầu tư công nghệ mới. Việc vận động luôn gặp khó khăn, bà con đang ngại việc bỏ ra nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện lắp đặt hệ thống xử lý. Còn nếu quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi công nghệ xử lý khói thải, thì các ngành chức năng phải hỗ trợ quyết liệt để người dân tiếp cận vốn vay chuyển đổi.
                                                                       Theo : daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

49
Đang xem:
72.501.743
Tổng truy cập: