LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nón Chuông - một làng nghề truyền thống
(Ngày đăng: 12/03/2015   Lượt xem: 1088)
Với truyền thống làng nghề hàng trăm năm, nón lá làng Chuông thuộc xã Phương Trung - huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, bên dòng sông Đáy hiền hòa đã nức tiếng bao đời.
Nón lá làng Chuông nổi tiếng khắp Kinh Bắc bởi năm đặc tính: chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Mỗi chiếc nón phải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá. Để màu nón được bền, trắng, thơm thì lá phải được nhập chính gốc lá lụi Quảng Bình, sau đó vò kỹ với cát và hơ trên diêm sinh. Sản phẩm thế mạnh nhất của làng Chuông là nón trắng và nón quai thao.
Một góc phiên chợ Chuông. Ảnh: Tuyết Minh
Một góc phiên chợ Chuông. Ảnh: Tuyết Minh
Xưa kia, nón Chuông không chỉ là vật tiến cống Hoàng hậu và Công chúa mà còn tạo vẻ yêu kiều, duyên dáng, đáng yêu cho biết bao cô gái xứ Bắc khi lên xe hoa về làm dâu nhà chồng. Ngoài ra, nón lá làng Chuông còn tạo dáng vẻ dụi dàng, thướt tha cùng trang phục áo dài truyền thống, là trang sức cho các bà, các mợ, các cô, các chị… Làng Chuông không chỉ nổi tiếng bởi nghề làm nón mà còn nức tiếng về hội chợ với câu ca:
“Mồng mười đi chợ Chuông chơi
Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi”

Dân làng Chuông ngay từ thuở còn nằm trong nôi dường như đã cảm nhận được ngọn gió mát lành từ dòng sông Đáy thổi vào hòa cùng lời ru tiếng hát của các bà các mẹ; đã truyền qua bàn đôi tay khéo léo, tạo nên hình dáng chiếc nón xinh xắn, duyên dáng đến vậy. Chiếc nón lá gắn bó suốt cả đời người dân làng Chuông. Từ khi có làng Chuông thì cũng có nghề làm nón lá. Mỗi đứa trẻ sinh ra đã làm quen với chiếc nón lá. Ngay từ khi lên bảy, tám tuổi đã tự mình làm nón thành thạo và tới 80 tuổi vẫn khâu nón thoăn thoắt. Nghề nón lá còn theo chân các cô gái làng Chuông về nhà chồng làm nghiệp sinh nhai và được nhân lên rộng rãi.  
Làng Chuông hàng tháng có sáu phiên chợ. Vào những ngày phiên chợ họp, người ta đã thấy tiếng nói cười lao xao cùng những chồng nón trắng cao gần bằng người và la liệt những nguyên liệu làm nón trải rộng khắp sân đình – nơi họp chợ từ sáng sớm tinh mơ. Để có một chiếc nón Chuông phải mất  rất  nhiều công phu, người làng Lựa làm khuôn, người làng Tràng Xuân vót vành nón và người làng Dầu Tế bán sợi guột …
Trong những năm gần đây, cùng với xu thế cách tân trang phục và hội nhập quốc tế, thị trường nón ngày càng đa dạng hóa và mở ra một hướng mới. Nón lá làng Chuông không ngừng thay đổi và cải tiến mẫu mã, hiện tại đã xuất hiện trên thị trường với 70 kiểu dáng, mẫu mã khác nhau, trong đó đặc biệt có những sản phẩm thế mạnh như: nón trắng hay còn gọi là nón thanh, nón quai thao, nón lá già… Làng Chuông cũng chú trọng phục hồi và phát triển các loại hình nón cổ cùng với loại hình nón nước ngoài phục vụ khách du lịch như: nón chóp dứa, nón tơi, nón Lâm Xung, nón Thái, nón Hàn Quốc…
Người làng Chuông còn làm những chiếc nón đủ các kích cỡ làm quà lưu niệm, phục vụ nhu cầu của khách quốc tế. Trong mấy năm gần đây làng đã phát triển thêm dịch vụ du lịch làng nghề nhằm tăng cường quảng bá chiếc nón truyền thống và tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân. Ngôi làng nhỏ bé trở nên tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để mua nón, chụp ảnh mà còn rất nhiều người đến tham quan, muốn tận mắt chứng kiến công đoạn làm nón.
Nón lá làng Chuông không còn phụ thuộc vào các phiên chợ Chuông truyền thống một tháng sáu phiên nữa mà đã tham gia vào các hội chợ trong nước và quốc tế, các hợp đồng thương mại với bạn hàng trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức… Nón lá làng Chuông đã tham gia vào nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như SEAGAME 22, hội nghị APEC 2006 và nhiều hội chợ quốc tế khác. Trong dịp Đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội, làng nghề làm nón lá đã đưa ra những chiếc nón đẹp, bền, thanh, và độc đáo với hàng chữ thêu “Chào đón đại lễ 1000 năm” cùng biểu tượng các công trình văn hoá lịch sử của Hà Nội nghìn năm văn hiến.  
Ngày nay, người làng Chuông đã nhanh chóng chuyển đổi thói quen sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang hướng liên kết, chuyên môn hóa, hình thành bộ phận chuyên cung cấp nguyên vật liệu, làng Kim Thư, Xuân Phương chuyên cung cấp vòng, bộ phận chuyên khâu, bộ phận chuyên lo gom hàng giải quyết đầu ra… Nhiều doanh nghiệp làm nón đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, tài chính để nâng cao năng suất và hoạt động quảng bá sản phẩm.
Đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển, thời trang hiện đại xuất hiện trăm ngàn loại mũ nón khác nhau. Tuy nhiên trong tiềm thức của người dân Việt Nam và thế giới cũng như trong mọi ca khúc, điệu múa… thì những vành nón lá cùng tà áo dài mãi luôn là hình ảnh đặc trưng của trang phục phụ nữ Việt Nam, vừa lãng mạn, vừa kiêu sa lại vừa bình dị.
Người làm nghề lúc nào cũng dồn hết tâm huyết cho chiếc nón vì đó là cơ nghiệp sinh nhai của bản thân và huyết mạch làng nghề. Người dân làng Chuông cũng như nhân dân cả nước mong rằng: Nghề làm nón lá sẽ mãi được lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau và hợp sức phát triển làng nghề truyền thống theo hướng hiện đại hóa để cùng chiếc nón lá vinh danh với bạn bè quốc tế.

 
Những cô gái làng Chuông. Ảnh: Tuyết Minh
Vót nan vòng nón
Guột non được gò chuốt kỹ để khâu nón. Ảnh Tuyết Minh
Những cô gái làng Chuông. Ảnh: Tuyết Minh
Guột non được gò chuốt kỹ để khâu nón. Ảnh Tuyết Minh
Guột non được gò chuốt kỹ để khâu nón. Ảnh Tuyết Minh
 Duyên dáng với nón Chuông. Ảnh: Tuyết Minh
Duyên dáng với nón Chuông. Ảnh: Tuyết Minh
 Việc là lá nón nay dùng điện tiện và nhanh hơn nhiều. Ảnh: Lưu Phương Bình
Việc là lá nón nay dùng điện tiện và nhanh hơn nhiều. Ảnh: Lưu Phương Bình
Bà Phạm Thị Thuần tuy tuổi cao vẫn sản xuất  mỗi tháng 20 chiếc nón loại đẹp. Ảnh: Lưu Phương Bình
Bà Phạm Thị Thuần tuy tuổi cao vẫn sản xuất mỗi tháng 20 chiếc nón loại đẹp. Ảnh: Lưu Phương Bình
Ông Phạm Trần Canh,  được tỉnh Hà Tây trao bằng nghệ nhân từ năm 2006. Ông chuyên sản xuất nón quai thao, loại nón khó làm. Ảnh: Lưu Phương Bình
Ông Phạm Trần Canh, được trao bằng nghệ nhân từ năm 2006. Ông chuyên sản xuất nón quai thao, loại nón khó làm. Ảnh: Lưu Phương Bình
Theo : ktdt.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.516.072
Tổng truy cập: