LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Du xuân thăm làng tò he 'độc' nhất Việt Nam
(Ngày đăng: 24/02/2015   Lượt xem: 380)

Song song với việc tạo ra những con tò he từ nguyên liệu truyền thống, các nghệ nhân đã tìm tòi những nguồn nguyên liệu mới đáp ứng tiêu chí bền, đẹp cho sản phẩm.

Về Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội), chúng tôi đã được chứng kiến những cụ già tuổi đã ngoài 80, thanh niên và cả những em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1 say sưa nặn những bông hoa hồng đỏ thắm, mục đồng chăn trâu, thổi sáo, cô thôn nữ áo mớ ba, mớ bảy rực rỡ hay hình tượng anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chàng Thạch Sanh dũng mãnh đánh thắng trăn tinh...

Đặc biệt nhất, những nghệ nhân "lão làng" nơi đây còn sáng tạo bức tranh tò he về Trường Sa để gửi thông điệp đến thế hệ con cháu về lòng yêu nước, niềm tự tôn dân tộc...

Du xuân thăm làng tò he 'độc' nhất Việt Nam - Ảnh 1

Nghệ nhân Chu Văn Hải đang hoàn thành bức tranh tò he khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Độc đáo ý tưởng... tranh tò he

Tò he vốn là món đồ chơi thuần Việt bởi các nguyên liệu đơn giản, gần gũi với cuộc sống, qua bàn tay tài hoa của người thợ đã tạo nên những hình tượng thân thuộc, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Có lẽ tính lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và giáo dục trong mỗi con tò he chính là yếu tố khiến cho món đồ chơi này tiếp tục được các nghệ nhân sáng tạo và lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu nặn tò he chủ yếu được làm từ bột gạo và các phụ gia màu thiên nhiên, do đó tuổi thọ của sản phẩm thường chỉ được vài ngày. Sự lưu giữ của các sản phẩm tò he không lâu nên chỉ được coi là món đồ chơi mà chưa thể xem là sản phẩm mỹ nghệ. Chính vì thế, tay nghề của các nghệ nhân dù có cao đến đâu cũng không thể sáng tạo được các tác phẩm để đời, lưu lại với thời gian. Đau đáu với nỗi niềm ấy, các nghệ nhân làng nghề Xuân La đã nung nấu tạo ra các tác phẩm giá trị cao và có thể lưu giữ được lâu.

Du xuân thăm làng tò he 'độc' nhất Việt Nam - Ảnh 2

Một số bức tranh tò he được trưng bày tại phòng tranh.

Song song với việc tạo ra những con tò he từ nguyên liệu truyền thống, các nghệ nhân đã tìm tòi những nguồn nguyên liệu mới đáp ứng tiêu chí bền, đẹp cho sản phẩm. Sau nhiều lần thử nghiệm, thời gian gần đây họ đã lấy đưa bột Thái Lan, Hàn Quốc để thay thế bột gạo truyền thống và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Mặc dù giá thành nguyên liệu nhập ngoại cao hơn nhiều so với nguồn nguyên liệu bột truyền thống nhưng đổi lại chúng có độ bền cao và màu sắc đa dạng nên được các nghệ nhân ngày càng ưa chuộng. Đây chính là tiền đề sáng tạo ra tranh tò he ở Xuân La.

Chia sẻ với PV, nghệ nhân Chu Văn Hải cho biết: "Ý tưởng nặn tranh tò he mới lạ và độc đáo này được triển khai từ đầu năm 2014. Trước đó có rất nhiều phương án đưa ra nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả. Đưa tò he lên tranh là hướng đi mà chưa có nghệ nhân nào nghĩ tới. Qua thử nghiệm cho thấy nó vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa giúp duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha, ông.

Du xuân thăm làng tò he 'độc' nhất Việt Nam - Ảnh 3

Nghệ nhân Chu Văn Hải đang chú thích bức tranh về Trường Sa.

Điều này mở ra cơ hội mới cho nghề tò he có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp và tạo sự đa dạng cho sản phẩm. Hướng đi này phần nào giải quyết được những trăn trở về việc lưu giữ lâu bền các sản phẩm làm ra và tăng thêm thu nhập cho nghệ nhân trong tương lai".

Nếu như để hoàn thành một con tò he truyền thống người nghệ nhân chỉ phải bỏ ra khoảng từ 3-5 phút, thì khi một tác phẩm tranh tò he được hoàn thành họ phải mất khoảng hai tuần từ lúc nặn cho đến lúc lên khung, tùy thuộc vào đề tài như: Các câu chuyện, nhân vật hay khung cảnh... mà tác giả muốn lên tranh.

Khác với nặn tò he truyền thống, khi lên tranh các nghệ nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chí về bố cục, màu sắc để tạo sự cân đối cho tác phẩm. Ngoài ra, để tác phẩm lưu giữ được lâu bền, trước khi đóng khung các bức tranh tò he phải đảm bảo đủ độ khô cứng và kết dính. Nếu tuân thủ theo các tiêu chí trên tranh tò he có thể để được khoảng 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn mà vẫn không bị biến dạng hay mất đi màu sắc ban đầu.

Nghệ nhân nông dân mở phòng tranh

Không chỉ có ý tưởng sáng tạo ra tranh tò he mang lại làn gió mới cho làng nghề tò he truyền thống Xuân La, CLB nghệ nhân thợ giỏi (hầu hết đều là nông dân) còn mạnh dạn tự bỏ vốn ra mở phòng tranh vừa để lưu giữ những sản phẩm do các nghệ nhân làm ra, vừa để có không gian quảng bá cho khách du lịch.

Phần lớn các tác phẩm tranh tò he đầu tay đều được các nghệ nhân lấy nguồn cảm hứng ý tưởng từ các câu chuyện lịch sử, hay tình hình thời sự đất nước. Do vậy, bên cạnh việc dùng để trang trí thì những bức tranh đó còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự tôn dân tộc mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm của mình. Nó như thông điệp gửi gắm đến những khán giả đón nhận những bức tranh nghệ thuật.

Đứng cạnh tác phẩm Trường Sa, nghệ nhân Chu Văn Hải tự hào kể lại: "Tôi nặn bức tranh này cũng chính vào thời điểm hàng triệu trái tim Việt hướng ra Biển Đông nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước sự sục sôi của lòng người, tôi đã miệt mài nặn bức tranh cho đến khi hoàn thành mất mười hai ngày, nhằm góp tiếng nói nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương".

Hiện tại phòng tranh của CLB Nghệ nhân Thợ giỏi trưng bày hơn 30 bức tranh được sáng tác ở nhiều đề tài khác nhau như: Những trận đánh lịch sử hào hùng của dân tộc, những câu chuyện dân gian, cuộc sống đời thường... tất cả được tái hiện một cách sinh động thông qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Nó như một thế giới thu nhỏ mô phỏng từ quá khứ đến hiện tại một cách gần gũi, chân thực. Đến nay, phòng tranh của CLB Nghệ nhân Thợ giỏi đang hoàn tất giấy tờ xin cấp phép của chính quyền địa phương để có thể mở cửa đón du khách đến thăm quan trong thời gian tới.

Du xuân thăm làng tò he 'độc' nhất Việt Nam - Ảnh 4

Ảnh minh họa

Những tác phẩm tranh tò he sau khi hoàn thiện thường có giá vài triệu đồng nên việc sở hữu tranh cũng khá kén chọn chủ nhân, bởi chỉ những người thật sự có sự đam mê hay những nhà sưu tầm mới mong muốn sở hữu. Vì lẽ đó, những nghệ nhân nông dân đã mở phòng tranh được nhằm tạo điều kiện cho du khách đến tham quan làng nghề có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm tranh nghệ thuật mà chỉ phải bỏ ra số tiền nhỏ.

Ông Hải chia sẻ: "Việc mở phòng tranh tò he chính là bước khởi đầu cho hàng loạt các ý tưởng mà CLB Nghệ nhân Thợ giỏi mong muốn thực hiện nhằm quảng bá hình ảnh làng nghề tò he truyền thống của quê hương đến người dân mọi miền trên Tổ quốc. Đồng thời, việc lồng ghép các câu chuyện lịch sử nhằm nhắc nhở các thế hệ mai sau hãy nhớ tới công ơn của những thế hệ đi trước và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tương thân tương ái của dân tộc.

Không chỉ quảng bá trong nước, tranh tò he khi đưa ra thị trường khách hàng ở Mỹ, Pháp và Nhật Bản đều được đón nhận một cách nồng nhiệt, đặc biệt là bà con Việt kiều. Đây chính là tiền đề trong chiến lược phát triển mà tôi cũng như các nghệ nhân khác trong CLB Nghệ nhân Thợ giỏi nói riêng và làng nghề tò he Xuân La nói chung muốn hướng đến".

Sản phẩm "độc" phục vụ dịp Tết

Hàng năm, không khí Tết luôn là đề tài thôi thúc các nghệ nhân hăng say sáng tác nghệ thuật để cho ra những tác phẩm đẹp và có ý nghĩa. Những nghệ nhân tò he thường bắt đầu công việc của mình vào dịp đầu Xuân. Nhưng năm nay, họ đã bắt đầu công việc của mình sớm hơn bằng việc bắt tay vào làm các bức tranh tò he để phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2015.

Năm nay, bên cạnh những sản phẩm tò he truyền thống, tranh tò he lần đầu được giới thiệu và bán vào dịp Tết với những chủ đề đa dạng như: Tranh tứ bình, tranh phong cảnh mùa xuân, tranh ngũ quả... Các sản phẩm này hứa hẹn sẽ đem lại những không khí rộn ràng và tươi vui cho các gia đình thông qua những bức tranh tò he mới lạ và độc đáo này.

Bên cạnh đó, để hướng đến các khách hàng phổ thông hơn, sắp tới các nghệ nhân sẽ làm ra những bức tranh tò he có kích thước nhỏ hơn với giá thành rẻ hơn các sản phẩm hiện tại nhằm làm quà lưu niệm cho các du khách mỗi dịp đến tham quan làng nghề hay có thể làm quà vào các dịp lễ, Tết.

                                                                     Theo : nguoiduatin.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.416
Tổng truy cập: