Những năm gần đây, nghề dệt truyền thống của người dân tộc
thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng đã bị mai một nhiều. Trong đó, làng dệt của
người thiểu số dưới chân núi Lang Bian là một điển hình.
Nếu không có sự hỗ trợ, nguy cơ thất truyền nghề có thể xảy ra.
Dưới
chân núi Lang Bian (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), từ lâu đã
hình thành một làng dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu
số - làng dệt Bnơ C. "Ở đây, con gái từ khi còn nằm trong bụng mẹ là
phải học nghề dệt rồi!". Đó là câu nói cửa miệng của người Chil dưới
chân núi Lang Bian nhằm tôn vinh nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
|
Chỉ còn lại những người già như bà Cill Mup Ha Boong mới "trung thành" với nghề dệt truyền thống. |
Nỗ lực cứu làng nghề
Tuy
nhiên, những năm gần đây, hàng may công nghiệp len lỏi đến tận những
vùng sâu, vùng xa, đã đánh bại nghề dệt. Trước nguy cơ thất truyền nghề
dệt truyền thống của người dân tộc thiểu số dưới chân núi Lang Bian,
tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây xưởng dệt thổ cẩm để
làm chỗ cho chị em người thiểu số "ngồi lại với nhau" dạy cho nhau nghề
dệt truyền thống.
Bên cạnh đó, huyện Lạc
Dương còn hỗ trợ đầu tư vào xưởng dệt này khung dệt, nguyên vật liệu… và
cắt cử chị em đi học tập ở những vùng dệt khác để nâng cao tay nghề
(sau đó về truyền dạy lại cho chị em trong làng). Với sự hỗ trợ đó, làng
dệt bắt đầu lách cách tiếng thoi, chị em dệt vải tại chỗ để bán lên
vùng du lịch trên đỉnh núi Lang Bian hoặc mang khung cửi trực tiếp dệt
tại khu du lịch. Phụ nữ ở xã Lát có thêm việc làm, tăng thu nhập…
Niềm vui không lâu
Nhưng
niềm vui không được bao lâu. Mới đây, có dịp quay lại làng dệt dưới
chân núi Bnơ C của xã Lát, chúng tôi đã vô cùng thất vọng trước khối nhà
xưởng cửa đóng then cài và không một bóng người. Hỏi ra mới biết, xưởng
dệt này "trùm mền" từ lâu rồi, chỉ thỉnh thoảng mới mở cửa khi thôn có
họp hành, công việc...
Chúng tôi ghé lại nhà
một người quen trong buôn - bà Cill Mup Ha Boong (70 tuổi) để hỏi chuyện
về nghề dệt. Giọng bà Ha Boong rầu rầu: "Mấy cái kiểu hoa văn cổ, như
hoa văn "con sỏ" chẳng hạn, giờ thì trong làng chẳng còn ai biết dệt nữa
đâu".
“Mấy cái kiểu hoa văn cổ như hoa văn "con sỏ" chẳng hạn, giờ thì trong làng chẳng còn ai biết dệt nữa đâu".Bà Cill Mup Ha Boong
Đến
trụ sở UBND xã, chúng tôi được ông Lê Thanh Vĩnh - Phó Chủ tịch cung
cấp một vài thông tin: "Bà con chủ yếu là lên trên đỉnh núi Lang Bian để
dệt và bán trực tiếp cho du khách. Còn ở làng, người dệt đã ít, người
vào xưởng dệt để dệt lại càng ít nên phải đóng cửa cái nhà xưởng ấy!".
Lý
do của việc "ra đi" ấy là vì dệt trên khu du lịch, bà con vừa trình
diễn, vừa bán hàng, còn dệt ở nhà thì không thể cạnh tranh được với các
loại vải thường. Nhiều chị em cũng cho biết, đi học hỏi ở các làng nghề
dệt khác thì thấy họ đã máy móc hoá một phần công việc, như làng dệt Bảo
Hà (Lâm Đồng) đã sử dụng máy dệt, chỉ sử dụng một chút kỹ thuật "pha"
hoa văn của người dân tộc.
"Nếu dùng tay cạnh
tranh với máy móc thì thua rồi" - chị Mbon Ka Đa - cán bộ Hội Phụ nữ xã
Lát than thở. Vì vậy, nếu muốn giữ nghề cho người dân thì họ cần được
học nghề, đầu tư máy móc để làm theo xu hướng mới.
Theo danviet.vn