Trà Đông phong cảnh hữu tình
Ấm no trai gái vừa xinh vừa giòn
Nơi đây là đất phát quan
Thần thiêng nhân thịnh giàu sang hơn người.
Cũng có thuyết cho rằng nghề đúc đồng ở làng Chè là do ông Khổng Minh Không
truyền nghề. Mặc dù chỉ là một nhân vật huyền thoại song hiện nay ở đây vẫn còn
đền thờ ông và trong tâm thức người dân xem ông là ông tổ nghề đúc đồng. Ban
đầu, nghề đúc đồng mới chỉ có ở một số gia đình trong làng, về sau do nhu cầu
sử dụng rộng rãi nghề mới phát triển lan ra khắp làng. Đơn vị sản xuất chủ yếu
là gia đình, mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất, là một lò riêng, chủ gia đình
cũng là chủ lò đúc. Ngoài công việc chính là đúc ra sản phẩm, các khâu khác
quan trọng như tìm kiếm nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm đều do các gia đình
đảm nhận. Việc đúc đồng là một công việc nặng nhọc, vất vả, chủ yếu do người đàn
ông trong gia đình đảm nhiệm. Người phụ nữ ở Trà Đông chủ yếu làm các công việc
phụ gia đình và tiêu thụ sản phẩm. Vai trò của người đàn ông đã được ghi nhận
một cách sinh động trong ca dao:
Làng Chè vui lắm ai ơi
Một ngày hai bữa chỉ ngồi ăn không
Việc làm đã có ông chồng
Đúc một nồi đồng nuôi chín miệng ăn.
Đúc đồng là cả một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm nhiều khâu, mỗi khâu
có các bước, các thao tác kỹ thuật khác nhau. Các khâu đó là làm khuôn, pha chế
hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm... đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng
sản phẩm. Kinh nghiệm trong nghề đúc thường được truyền trong gia đình, không
được truyền sang làng khác.
Sản phẩm chủ yếu ở Trà Đông là các loại đồ đồng dân dụng như nồi, mâm, xanh,
niếng... Nồi ở đây là các loại nồi dùng để thổi cơm, kiểu dáng giống nhau nhưng
kích thước to, nhỏ khác nhau. Ngoài ra còn có các loại sản phẩm như các loại bát
hương, đèn, chân đèn... Đặc biệt, những thợ giỏi có kinh nghiệm và kỹ thuật cao
có thể đúc được các loại sản phẩm nghệ thuật như các loại tượng, các loại con
giống và các loại chuông, cồng, chiêng. Việc đúc các loại tượng rất khó vì có
yêu cầu cao về thẩm mỹ, song việc đúc các loại chuông, cồng, chiêng còn khó hơn
vì ngoài yêu cầu thẩm mỹ, nghệ nhân còn phải biết pha chế đồng với các chất khác
thành một loại hợp kim đặc biệt để có tiếng ngân vang chuẩn xác.
Đúc đồng không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà cũng phải tốn nhiều sức lực và
phải thật chăm chỉ. Cảnh lao động ở đây đã được ghi lại là:
Muốn uống nước chè cặm tăm
Mời về Trà Đúc mà làm đất khuôn
Muốn ăn cơm trắng với tôm
Thổi bễ thúc dồn chớ có nghỉ tay.
Nghề đúc đồng ở Trà Đông không khai thác nguyên liệu từ các mỏ quặng đồng
mà chủ yếu là tận dụng các nguồn đồng thứ phẩm (đồng nát) từ các nơi mua về. Số
người cung cấp nguyên vật liệu cho các lò đúc này tập trung chủ yếu ở các làng
xung quanh Trà Đúc. Các làng này đi tận các nơi xa mua nguyên liệu về bán cho
lò đúc hoặc đổi cho các lò để lấy sản phẩm. Quá trình “chuyển hóa” từ đồ đồng
qua các khâu sử dụng, sau khi hỏng lại trở về lò đúc được địa phương ví von trong
một câu đố:
Ở nhà má đỏ hồng hồng
Khi đi lấy chồng lại bỏ quê cha
Bao giờ tuổi tác về già
Quê chồng lại bỏ, quê cha lại về.
Sản phẩm đồng từ các lò đúc ở Trà Đông được tiêu thụ chủ yếu ở chợ Chè và
các chợ lân cận trong vùng. Chợ Chè là một trong những chợ lớn ở Đông Sơn. Xưa
đây là nơi buôn bán tấp nập nhất trong vùng, và cũng là nơi chủ yếu bán các sản
phẩm từ các lò đúc Trà Đông và mua phế liệu của các nơi đem đến bán. Cảnh tấp
nập đông vui của chợ này đã được ca dao địa phương ghi lại:
Chợ Chè một tháng sáu phiên
Phường buôn phường bán khắp miền về đây
Cảnh chợ buôn bán vui thay
Tiếng đồn Trà Đúc đến nay vẫn truyền
Sản phẩm của các lò đúc đồng Trà Đông được khắp nơi ưa chuộng. Không chỉ
ở vùng đồng bằng mà cả ở miền núi xứ Thanh, đồ đồng đúc ở Trà Đông như niếng,
nồi, xanh cũng rất được ưa thích. Xưa kia một số loại đồ đồng như nồi, xanh, niếng
được xem như là một tiêu chuẩn biểu hiện sự giàu sang của các gia đình miền núi.
Thợ đúc Trà Đông được mời đi đúc ở nhiều nơi. Một số nơi khác đã tìm đến Trà Đông
học tập kỹ thuật đúc. Năm 1971, các nghệ nhân làng Trà Đông đã đúc thành công
pho tượng Bác Hồ (cao 1m50, nặng 600 kg đồng) đạt yêu cầu thẩm mỹ. Ngoài ra, thợ
đúc ở đây còn tham gia đúc thử thành công trống đồng Đông Sơn đúng theo kiểu
dáng, hoa văn xưa.
Hiện nay, trong xu hướng về nguồn, việc bảo lưu, phát triển một số nghề thủ
công truyền thống là một việc làm tốt, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương
5, khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hy vọng, nghề đúc đồng làng Chè sẽ
được quan tâm hơn và có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Theo Báo VHTT Thanh Hóa