LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Gốm Thanh Hà - Hồn người xứ Quảng
(Ngày đăng: 13/06/2012   Lượt xem: 2396)

Đến với Hội An, người ta không chỉ được khám phá những dấu ấn vàng son một thời hưng thịnh của thương cảng, phố Hội xưa, còn được tìm hiểu những giá trị văn hóa vô giá mà vùng đất và con người nơi đây đã bồi lắng qua bao thế kỷ. Hội An được bao bọc bởi một hệ thống vành đai các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, chiếu Cẩm Kim, rau Trà Quế… Và làng gốm Thanh Hà là một trong số những làng nghề góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế thương mại của Hội An.

Mộc mạc nét gốm truyền thống

Nằm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, cách Hội An khoảng 3 km về phía Tây, làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã tạo nên một nét duyên riêng cho phố Hội và con người xứ Quảng.

Cách đây hơn 100 năm, sản phẩm của làng gốm Thanh Hà đã được ghi danh trong phần thổ sản Quảng Nam, sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn xuất bản. Tương truyền vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, những người nông dân, thợ thủ công làm gốm, gạch ngói... thuộc các dòng họ Lê, Phạm, Bùi, Ngụy, Nguyễn từ Thanh Hóa, Nghệ An đã di cư đến ấp Thanh Hà lập làng, làm nghề gốm tại đây. Tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng, làng gốm đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp các sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt và cung cấp gạch ngói cho các công trình kiến trúc ở Hội An và nhiều nơi khác.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nét cổ kính, thanh bình của làng nghề truyền thống vẫn còn in đậm từ con đường làng quanh co, những mảnh vườn xanh um đến những bức tường gạch cũ, những mái ngói rêu phong. Hồn quê Việt xưa như vẫn quyện trong những nếp nhà mộc mạc. Dù nhiều địa phương đã hiện đại hóa nghề gốm với lò điện, với dây chuyền tiên tiến, nhưng người Thanh Hà vẫn làm gốm theo đúng kiểu truyền thống với chiếc bàn xoay và đôi tay khéo léo.

Lang-Gom-Thanh-Ha-06.JPG

Gốm Thanh Hà có đặc điểm là gốm mộc, không phủ men; đây là một nét riêng, nét duyên của làng gốm. Các sản phẩm truyền thống của Thanh Hà đa phần là để phục vụ đời sống như chum, vại, nồi niêu, bình, lọ… và gạch ngói sử dụng trong xây dựng.

Theo lời những nghệ nhân có tuổi của làng, sản phẩm gốm Thanh Hà đều được làm từ nguyên liệu đất sét, lấy từ mỏ đất, mỏ cát do phù sa sông Thu Bồn tạo nên. Người trong làng phải lên các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc mua về với giá vài trăm ngàn đồng một ghe (ghe đất). Để làm ra sản phẩm đạt chất lượng cũng lắm công phu, nhiều vất vả, đòi hỏi ở người thợ sự cần mẫn và óc thẩm mỹ. Trước khi tạo ra sản phẩm, đất sét phải đập nhỏ, sau đó đất được rưới nước vừa phải rồi trùm ủ để giữ độ ẩm. Ngày hôm sau, đất được trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Thợ gốm sẽ đánh cho đất thật dẻo rồi mới nặn. Sau khi nặn thành sản phẩm, phải đem phơi nắng một ngày, rồi đem vào trong bóng mát làm nguội để trang trí hoa văn, họa tiết, cuối cùng mới đưa vào lò nung với nhiệt độ khoảng hơn 1000°C trong vòng 24 giờ. Khi chín tới, gốm sẽ có những màu đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, gạch nâu, đen tuyền. Gốm Thanh Hà có độ bền cao và láng chẳng khác gì tráng men. Sản phẩm lại nhẹ, khi ta gõ vào thành gốm, những âm thanh rất trong, êm ái vang lên.

Lang-Gom-Thanh-Ha-02.JPG

gom6.jpg

Người Thanh Hà vẫn làm gốm theo đúng kiểu truyền thống với chiếc bàn xoay và đôi tay khéo léo

Lang-Gom-Thanh-Ha-09.JPG

Lò nung gốm bằng củi

Nghe lam gom Thanh Ha(1).jpg

Gốm Thanh Hà thanh, mộc, khác với gốm với sản phẩm xương cao, men trắng của miền Bắc hay tô men khắc vạch của miền Nam. Đó là những sản phẩm thô ráp, thật thà, không pha trộn hóa chất trong hình thành màu sắc; người thợ gốm dùng lửa để tạo màu cho đất nung.

Thợ gốm Thanh Hà từ đời nọ tiếp nối đời kia, con cháu của làng đã giữ lửa cho làng nghề. Người thợ đã thổi hồn vào đất làm ra những sản phẩm tinh xảo với nhiều mẫu mã đa dạng, độc đáo. Từ kỹ thuật chế tác, người thợ đã biết kết hợp giữa các yếu tố, đất, nước, gió, lửa cùng với những kinh nghiệm để làm nên cái hồn của gốm Thanh Hà và gửi vào đó nét hồn hậu, chân chất của người dân xứ Quảng.

Di sản cần được hỗ trợ bảo tồn

Những năm gần đây, khi mà phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày càng đông hơn, các làng nghề truyền thống theo đó có cơ hội phát triển trở lại. Làng gốm Thanh Hà đã được đưa vào tour trong hành trình tham quan của du khách khi đến phố Hội. Bây giờ, Thanh Hà còn là điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình về với Hội An - di sản văn hóa thế giới.

Thanh ha.jpg

Đến làng gốm, du khách không chỉ được tham quan, tìm hiểu các công đoạn sản xuất mà còn có thể mua sản phẩm mình ưa thích. Đặc biệt, du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn để tự tay sáng tác các sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình.

Theo Trung tâm bảo tồn di sản Hội An, dù nằm trong vùng du lịch, nhưng hiện nay, làng gốm cũng chỉ có ít gia đình làm nghề: 23 hộ làm gốm trong đó có 5 hộ làm gốm truyền thống với 6 bàn xoay chuốt gốm, 4 lò nung gốm, 13 hộ làm con thổi, 5 hộ làm gốm mỹ nghệ và khoảng 95 thợ gốm, gồm thợ làm đất, thợ chuốt, thợ đẩy, thợ lò, lái buôn gốm.

Làng gốm Thanh Hà được xem là một làng nghề rất đặc biệt trong sự phát triển kinh tế và văn hoá du lịch của Quảng Nam. Các nhà nghiên cứu đánh giá, với đặc trưng sản phẩm gốm gắn với đời sống sinh hoạt của con người, làng gốm Thanh Hà chính là một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung.

thanh-ha.jpg

Nghệ nhân Lê Thị Chiến (năm nay đã ngoài 80 tuổi) - Bàn tay vàng, người giữ hồn làng nghề gốm Thanh Hà

Hiện làng gốm còn có 8 nghệ nhân lành nghề ở độ tuổi từ 70 tuổi trở lên đang nắm giữ kinh nghiệm, các tri thức dân gian trong chế tác gốm truyền thống bằng bàn xoay, nung gốm bằng lò bầu. Thợ gốm Thanh Hà đang làm đúng những công việc và theo đúng cách cha ông đã làm trong những thế kỷ trước. Từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của họ, những chiếc lọ hoa xinh xắn, những bình trà, bình rượu, những chiếc ấm, bồng binh, những chum, lu, hũ, vại và cả những con vật thân thương như trâu, bò, lợn, mèo... cứ lần lượt ra đời.

Vừa qua, các chuyên gia bảo tồn của UNESCO đã tiến hành khảo sát và lập kế hoạch bảo tồn làng gốm Thanh Hà - Hội An theo chương trình hỗ trợ và phát triển sản phẩm ngành nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam. Chương trình sẽ là điều kiện tốt để các hộ chế tác gốm ở Thanh Hà có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, bảo tồn lâu dài làng nghề gốm truyền thống. Làng gốm Thanh Hà vẫn duy trì sản xuất, phục vụ khách tham quan du lịch và đặc biệt trở thành một làng nghề còn bảo tồn tốt cảnh quan làng quê, làng nghề của tỉnh Quảng Nam. Những ngôi nhà cổ ở Hội An đang cần đến bàn tay khéo léo và khối óc thông minh, sáng tạo của những người thợ gốm Thanh Hà. Họ chính là “đối tác” duy nhất có thể cung cấp những viên gạch xây, những viên ngói lợp đúng tiêu chuẩn, hợp quy cách và chất lượng cao phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn Hội An.

Rồi đây, theo hành trang văn hóa của khách du lịch đến với Hội An, gốm Thanh Hà sẽ đi khắp nơi trên thế giới, nghệ nhân làng gốm sẽ có cơ hội mở ra hướng đi vững chắc cho sản phẩm gốm mỹ thuật tinh xảo của làng nghề mình. Vẻ đẹp của phố Hội lại được tôn lên bởi sức sống của một làng nghề bình dị như gốm Thanh Hà.

Trang Nguyên (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
74.247.340
Tổng truy cập: