LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng Ngư trên cạn
(Ngày đăng: 03/03/2014   Lượt xem: 783)
Thành phố Hạ Long đang di cư các hộ dân sinh sống dưới biển lên bờ ở, để giữ gìn cảnh quan môi trường vịnh Hạ Long. Sự kiện này Đài đã nói Báo đã đăng, song dường như chưa nêu hết nỗi lòng trắc ẩn của người trong cuộc.


Khu tái định cư cho ngư dân, cách trung tâm thành phố 15 cây số về phía đông. Nơi hạ lưu 2 con suối lớn bồi lắng tạo thành, gọi là cánh đồng Khe Cá. Con suối phía đông bắt nguồn từ rừng Khe Hùm, gọi là cái Hà Sú. Con suối phía tây khởi thủy từ thung lũng Sặc Lồ, gọi là cái Sà Cong. Cánh đồng tựa lưng vào dãy núi Lộ Phong, mặt tiền nhìn ra cửa sông Đầu Mối ranh giới giữa vịnh Hạ Long và Bái tử Long. Nơi đây được coi là một vùng đất huyền thoại, thủa sơ khai hoang thú về làm tổ; vợ chồng lão ngư thiêu sống con Cọp dữ, trong đêm 30 tết trên bãi triều này. Rồi chuyện con gái người đánh cá lạc mẹ trong rừng sú vẹt rậm rạp, trước hiểm nguy triều cường, miệng cọp; được người làng Lộ Phong cứu sống. Đứa trẻ thất lạc năm ấy, nay đã lên bà.

Cánh đồng Khe Cá nay khác xưa, không còn hoang vu buồn tẻ. Nhiều nhà hàng đặc sản vùng biển theo chân người mọc lên. Quán Sà Cong lên ngôi thương hiệu, sớm chiều thực khách rất đông. Làng chài mới trên thửa đất vuông vắn rộng gần 8 ha, gồm 364 căn hộ nhà xây cấp 4 rộng từ 52m2 đến 65m2, mỗi hộ có thêm trên 10m2 sân vườn. Làng có trường mẫu giáo, nhà Văn hóa, vườn cây xanh; đường xá giao thông nội bộ kẻ ô bàn cờ, đi lại thuận tiện. Vốn đầu tư dự án này trên 167 tỷ đồng, chưa kể đến các hạng mục nối tiếp gồm: con đường ra cảng cá dài 500m, rộng 17,5m; đào âu tầu, khơi sâu luồng lạch, xây dựng bến cảng rộng 2ha.

Tôi đứng lặng, ngắm kỹ những căn hộ liền kề thơm mùi sơn mới. Anh Nguyễn Văn Trình, cán bộ giám sát thi công tiến lại gần ghé tai tôi nói nhỏ:

- Chú ạ! Tính ra mỗi hộ ngư dân lên bờ ở, được nhà nước cho không căn hộ này trị giá gần 300 triệu đồng đấy. Chúng cháu làm viên chức chục năm nay vẫn phải thuê nhà ở, chưa mơ có được căn nhà này. Tôi giật mình trước lời nói dí dỏm của anh cán bộ trẻ, rồi vượt biển gặp những người được hưởng “đặc lợi” này.

Từ bến tầu khách Hồng Gai, đi đò máy vượt quãng đường biển dài trên 10 hải lý, tôi đến thôn Cửa Vạn. Bác Nguyễn Văn Long trưởng thôn, cùng 1 lão ngư trạc 80 tuổi vui vẻ đón khách. Bác Long giới thiệu:

Ông đây là bố tôi, tên là Cải. Ông rất rành văn hóa làng chài.

Ông già nheo cười, gương mặt hằn sâu các vết chân chim, nói:

- Không ! tôi chỉ biết chuyện đăng đó- chài lưới, còn tích làng này thì phải hỏi bố tôi kia kìa.

- Dạ, chúng cháu ra đây chỉ thăm hỏi bà con về chuyện di cư lên bờ thôi ông ạ!

Theo hướng tay ông chỉ: một cụ già ngồi trên khoang chiếc thuyền lan nhỏ, tay gẩy mái chèo khua nước. Tôi đơ người như bị thôi miên, đến khi một bàn tay vỗ vai mới bừng tỉnh.

Đấy là cụ Nguyễn Văn Nuôi, năm nay 104 tuổi, ông nội tôi đấy.

Tôi nhìn bác trưởng thôn, dè dặt hỏi lại:

Cụ già vậy ! vẫn để cụ lao động à ?

- Ở trên bờ các cụ già đi bộ dưỡng sinh, dưới nước các cụ có thú vui vậy. Ngày nào cũng đòi vầy nước được vài giờ mới yên, chứ có phải làm lụng gì đâu.

-Vậy các cụ không muốn di cư lên bờ à ?

- Người muốn lên bờ có, người không muốn lên bờ cũng có. Lát nữa tôi đưa các bác đến một vài nhà.

Ông Nguyễn Văn Cải, bố bác Long trưởng thôn nói ngay:

- Nhà tôi mong mỏi được lên bờ ở sớm ngày nào hay ngày ấy. Sinh sống lênh đênh trên mặt nước này khổ lắm. Biển thì rộng chỗ ở thì hẹp, nhà tôi đây “ tứ đại đồng đường” trong túp bè nhỏ, điện đóm không có, nước ngọt hiếm hoi. Làng chài không có trạm y tế, không có trường PTCS, không có vườn trẻ. Bé lẫm chẫm biết đi phải buộc chân tay chúng vào mạn thuyền, kẻo rơi xuống nước.

Bác Long dùng chiếc thuyền gỗ nhỏ gắn máy, lướt sóng đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình ở 4 thôn trên biển. Thôn Cửa Vạn có 122 hộ, 500 nhân khẩu. Các thôn: Cạp La, Cặp Dè, Ba Hang ít dân hơn. Thôn này cách thôn kia độ vài hải lý, thuộc phường Hùng Thắng. Đầu thời Nguyễn làng chài thuộc xã Giang Võng và Trúc Võng. Trước nữa không rõ, thần tích thất truyền, song ở chân dẫy núi đá Vung Viêng còn di tích kho chứa hàng gốm sứ mỹ nghệ, có niên đại từ thời nhà Trần. Cửa Vạn mới đây được tổ chức Quốc tế Journeyetc đưa vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới. Ai đến đây khắc tỏ: nhìn xuống mặt nước trong xanh, chỗ nông nom rõ đáy dải san hô lung linh huyền ảo, bầy đàn thủy sinh bơi nội. Nhìn lên vô số những hòn non bộ khổng lồ, thảm xanh cây rừng nguyên sinh bao phủ, chùm hoa thạch lan đu đưa tỏa hương theo gió. Dân cư sinh sống trong chiếc nhà gỗ mái tôn, kê bằng những chiếc phao xốp và thùng fi nhựa nổi bập bềnh trên ngọn sóng, vừa làm nơi ở vừa làm cơ sở nuôi cá lồng. Mọi người đang làm quen cách kiến tiền mới, từ lợi thế Di sản thiên nhiên thế giới đem lại. Đó là làm dịch vụ chèo đò, bán bán hàng lưu niệm, ăn khách nhất là cách biểu diễn môn gõ phàng lưới vây bắt cá ăn nổi cho du khách xem thu tiền, lợi nhuận hơn là bắt cá bỏ nồi, hoặc mang ra chợ bán. Người dưới biển còn được trời ban thang thuốc quí, hơi nước mặn triệt trùng chẳng ai mắc bệnh phổi. Không khí trong lành, thức ăn tươi sống, người kéo dài tuổi thọ. Thôn có hai cụ Nguyễn Văn Nuôi, nguyễn Thị Nhất cùng 104 tuổi.

Ông Dương Văn Vân, một lão ngư rầu rầu cho biết:

- Tôi nay 80 tuổi, gia phả kỳ cựu ở đây, nơi rừng vàng bể bạc. Sớm tối quà tay xuống nước là kiếm được bữa. Tới đây lên bờ ở, con cháu trình độ văn hóa thấp, tay nghề không có biết bấu bứu vào đâu.

Mủi lòng, tôi hỏi lại :

- Nghe nói chỉ người già và trẻ em lên bờ ở, người trong độ tuổi vẫn được làm ăn dưới biển, sớm đi tối về.

Tôi chưa dứt lời, ông Vân khua tay nộ khí xung thiên:

- Các ông bà công nhân làm ở xưởng máy, sớm đi tối về bằng xe bút được. Còn với chúng tôi thì…thử hỏi lồng cá nuôi dưới nước kia. Nếu là tài sản của ông, ông có bỏ đấy qua đêm lên bờ ngủ yên giấc không nhỉ ?

Bà Dương Thị Gái, ở thôn Cửa Vạn cùng một số người ở thôn Cặp Dè, Ba Hang và ngay cả bác Hùng trưởng thôn Cạp Dè, bác Long trưởng thôn Cửa Vạn thực bụng cũng đắn đó, ngại rời bản quán, chung qui cũng là lo xa đến cuộc sống hằng ngày.

Vùng biển này hấp dẫn, cái tốt có, cái xấu cũng dễ có. Đó là nạn người trên bờ “ nhảy dù” xuống nước làm ăn. Tuyến tầu du lịch mở ra đến đâu, dịch vụ nhô ra đến đấy, như nạn lấn chiến mặt tiền đường phố. Trên bờ có nghề ngỗng gì dưới nước có nghề ấy, thậm chí có cả dịch vụ hát KaraOke. Dân biển nhiều người không khai sinh khai tử, lại khó vận động sinh đẻ kế hoạch, nên dân số tăng nhanh. Năm 2004, làng chài chỉ có 246 hộ, 1011 lồng nuôi cá. Năm 2014 là 650 hộ, trong đó có 200 hộ ngụ cư. Người đông phóng uế lắm, rác thải nhiều trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Cứ đà này chẳng mấy mất toi danh hiệu mà bầu bạn trong nước và Quốc tế tôn vinh.

Bà Nguyễn Thị Bình, ở thôn Cửa Vạn không ngần ngại nói thẳng vào máy ghi âm của chúng tôi:

- Nước ô nhiễm ở mức nào không rõ. Mấy năm nay nuôi cá rất chậm lớn. Hơn chục hộ ở thôn này nuôi hầu, năm ngoái dịch bệnh chết sạch mất cả vốn lẫn lãi.

Ông Nguyễn Văn Cho, một ngư dân dầy thâm niên ở đây cùng phàn nàn:

- Nghề nuôi trồng hải sản cũng một nắng hai sương, nhưng rủi ro thất bát cao hơn nhà nông. Bão đến, nếu chưa thu hoạch kịp, lồng cá dưới nước chỉ còn vạt lưới rách, trắng tay, coi như cả năm phơi lưng giời xem.

Ông Phạm Văn Tơ, trưởng ban mặt trận làng chài nửa kín nửa hở rằng:

- Ở đây người chết không có chỗ chôn. Nhà đám khá giả mới đưa được kẻ quá cố lên bờ thổ táng. Nhà nghèo vụng trộm chôn người chết trên bãi cát ngập mặn. Còn bao cảnh thương tâm, người bệnh vừa tới bờ thì tắt thở.

Nghe mà lòng tôi se lại: trời ơi! ở tít tận vùng rẻo cao hẻo lánh, nơi nơi xây dựng nông thôn mới, biết bao lợi lộc cho dân. Nghịch lý, nơi đây thuộc đô thị loại I mà vô địa táng, không y tế thôn bản, không điện lưới, không nước sạch, và còn nhiều không nữa.

Về đất liền, chúng tôi gặp ông Vũ Hồng Thanh, bí thư Thành ủy trao đổi lại những điều ghi chép được trong chuyến đi thực tế này. Ông Bí thư Thành ủy cho biết:

- Lo lắng của người dân, cũng là nỗi trăn trở của Đảng bộ chính quyền Thành phố. Ngân sách nhà nước bỏ ra vài trăm tỷ đồng đền bù GPMB, cấp đất tái định cư, di chuyển cả 650 hộ dân dưới nước lên bờ ở, để bảo vệ di sản vịnh Hạ Long không khó. Cái khó là chúng tôi làm gì và làm thế nào để ổn định và phát triển bền vững cho làng chài khi lên ở trên bờ. Đề án tạo việc làm cho người lao động theo 2 hướng. Ở dưới nước xây dựng mô hình sản xuất- kinh doanh kiểu mới, khai thác các gía trị văn hóa làng chài, nuôi trồng thủy sản ở 6 điểm, làm dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch đặc sắc. Trên bờ đào tạo, hướng dẫn ngư dân mở nghề SX, kinh doanh phù hợp như làm dịch vụ nghề cá, sửa chữa tầu thuyền chẳng hạn.

Ông Đào Xuân Đan, chủ tịch UBND thành phố nói cụ thể hơn về đề án di cư làng chài dưới nước lên bờ, hướng lợi cho dân. Tôi trộm nghĩ việc này suôi sẻ, Hạ long khắc một dấu son “ đổi đời cho người sống trên ngọn sóng ”. Nhưng còn bao nỗi gian truân.“ Giang sơn dễ đổi- bản tính khó dời” bốc cả làng ngư dưới nước lên bờ, như đưa cây thủy sinh lên cạn, phải dày công thuần hóa. Cần có sự nỗ lực hài hòa giữa nhà nước và nhân dân. Dân tự gỡ bỏ vòng “ kim cô” cha chuyền con nối: “ mò cá dưới biển-tìm chim trên giời” Nhà nước là cánh tay bà đỡ, bằng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động. Có như vậy, mới níu được chân những người làng chài ở lại. Những thể chế mang tính áp đặt, sẽ không đưa lại kết quả. Ở cánh đồng Khe Cá này, hồi năm 1990 đã lập làng cho người hồi hương. Năm trước ở, năm sau họ chuồn sạch. Bây giờ nhà nước đổ tiền đổ của làm nhà cho dân, xây dựng một “ làng chài trên cạn” nếu nguyện vọng không từ 2 phía, chẳng mấy chốc họ lại mò xuống nước, trở về với biển khơi, sống thủy cư như bao đời cha ông họ.
                                                                                                   Theo: baoxaydung
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.497.316
Tổng truy cập: