LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Lạc vào làng nói trạng!
(Ngày đăng: 24/02/2014   Lượt xem: 748)
Dân gian từ xa xưa quen gọi những người khoác lác nhưng dí dỏm khiến ai cũng phải ôm bụng cười lăn lộn là trạng. Cha truyền con nối cùng có duyên nói trạng khiến thiên hạ phải tròn mắt há mồm rồi cười nghiêng ngả thì duy nhất chỉ có làng Huỳnh Công, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trạng Huỳnh Công kể suốt đêm không hết và cũng chẳng có bút mực nào kể nổi thành tích nói trạng của làng này… 


Sự dí dỏm trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng 
toát lên từ gương mặt người kể

Những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng, dù được chép thành sách, bán khắp nơi nhưng chỉ đến  làng nghe già trẻ, trai gái nói trạng mới thấy cuộc đời đầy tươi đẹp, nghe rồi lại cứ muốn nghe nữa. 
Thu xếp công việc, đưa chúng tôi về Huỳnh Công, dọc đường ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh cứ dặn đi dặn lại rằng: "Mấy eng (anh) đến làng đừng nghe nói trạng mà bắt chước, say về không nổi mô…”

Trạng Huỳnh Công hình thành, phát triển từ  hơn 700 năm  trước. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, khi xã Vĩnh Hoàng được thành lập, Huỳnh Công là một làng của xã này  nhưng hiện nay lại  thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Chuyện trạng Huỳnh Công phát triển mạnh nhất vào những năm làng thuộc xã Vĩnh Hoàng nên người dân khắp nơi quen gọi là trạng Vĩnh Hoàng. Trạng Vĩnh Hoàng trở thành một thương hiệu  đặc biệt bởi nó mang tính cách đặc trưng của người Huỳnh Công, ít nơi nào có được.  Đấy chính là cách nói khoác  đầy hào sảng, ý nhị,  thể hiện niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào… 

Đến Vĩnh Tú, từ trẻ nhỏ chập chững biết đi cho tới người già chống gậy, ai cũng kể được chuyện trạng. Dù vậy, người được bà con nhắc đến nhiều hơn cả là ông Trần Hữu Chư. Ông Chư đã ngoài bảy mươi tuổi, không chỉ có khiếu kể chuyện, mà còn có khiếu vẽ tranh trạng rất sinh động. "Dân tui có nói trạng mô chú. Như cái chuyện bắt hổ đi cày là nó thật như ri”, giọng ông Chư cứ tưng tửng. "Bữa nớ nhà có mấy đám ruộng, tui đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nác (nước). Trời đã sáng chi mô, vợ tui đã làm sẵn cho một bù nác (bình đựng nước) chè đặc với một mo cơm nếp xáo với khoai, mùi bay ra thơm phức. Tui khoái quá, liền lùa bò đi một mạch ra tận rú Ông Đồn. Thấy trời chưa sáng tui cho bò ăn một chặp (một lúc). Tui nghĩ bụng, phải cày cho sớm, không thì sáng ra trời nóng lắm. Tui liền bắt bò đi cày, sờ từng con thấy con mô con nấy cũng láng (béo) cả, không biết con  mô là con Ô, con  mô là con Dề. Tui mới bắt hai con vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn. Lạ! Sao mà hắn đi mau dữ rứa? Hay là hắn được ăn thêm bữa khuya nên có sức đi mau!? Chỉ mới loáng cái mà tui đã cày xong một vạt ruộng. Qua vạt thứ hai tui mới cày được mấy đàng (đường) tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tui dạo tắc hắn cũng không đi, dạo rì hắn cũng ỳ ra. Tức máu quá tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên làm cái cày đâm sâu xuống đất nghe kêu rắc rắc. Tui nói, con bò Dề sáng ni răng mà mi trở chứng? Rồi hắn xây cái mặt lại với tui, chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, rõ ràng đây là cọp đực chứ có phải là bò Dề mô! Tui nói: Cọp, mi báo hại tau rồi. Sẵn rựa tui chặt một nhát làm cái niệt cày đứt làm đôi, con cọp cứ rứa lủi một mạch lên rú Ông Đồn không dám ngoái cổ lại. 

Những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng, dù được chép thành sách, bán khắp nơi nhưng chỉ đến  làng nghe già trẻ, trai gái nói trạng mới thấy cuộc đời đầy tươi đẹp, nghe rồi lại cứ muốn nghe nữa. Theo ông Trần Hữu Chư, làng Huỳnh Công Tây là nơi có nhiều điển tích sản sinh ra chuyện trạng, tùy vào điều kiện sinh sống, người dân dệt nên những câu chuyện khác nhau.  Huỳnh Công Tây thời sơ khai có rất nhiều rừng rú, là nơi trú ngụ của các loài muông thú. Cọp thường chen ăn lẫn lộn với bò nên mới có chuyện bắt nhầm cọp để cày. 



Ông Trần Hữu Chư và bức tranh  bắt  cọp kéo cày do ông vẽ

Niềm lạc quan trong bom đạn chiến tranh cũng  được người dân đúc kết thành câu chuyện sau: "Bữa chống càn, trong lúc quân Pháp chưa vô đến thì một chiếc bà già đã mò đến để thám thính, lạo (lão) sà xuống thấp để nhòm cho rõ. Lạo cứ vèng qua vèng lại kêu rè rè trên ngọn mít. Tui đang gài lại mấy cái hầm chông, thấy rứa, ghét quá liền chạy vô  nhà giật cái câu liêm nhảy lên đông (nóc) nhà chực hắn bay qua là ngoắc lấy cổ. Lạo tưởng không ai làm chi được lạo nên  sà xuống thấp.  Thấy thằng Tây  nhoài cổ ra dòm, tui đưa  câu liêm  lên ngoắc lấy cổ. Lạo hoảng quá giật hút cái đầu lại, tức thì một trái lựu đạn rớt xuống, tui lấy cẳng hất rơi xuống đống rơm, mấy mạ con đàn gà ham bới móc tìm kiếm thì lựu đạn nổ, mạ con gà bay toé loẹ cả lên. Bữa sau tui đi làm cỏ bên Động Hàn, lạo lại bay ra  vèng qua vèng lại.  Sẵn cái cào cỏ trong tay tui móc lấy kẹng (càng máy bay). Lạo bị thất thế lật kẹng qua một bên kêu rè rè… Lạo cố kéo kẹng bay lên, tui thì cố trì lại. Mỏi  quá tui thả tay, lạo mất thăng bằng úc (húc)  mạnh kẹng vô cát, bay ngược qua bên làng. Cát nặng quá lạo cứ lắc lắc như trời có mưa làm cho mấy đứa con nít bên làng reo lên: "Ô! Trời có mưa cát, trời có mưa cát.”… 

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã trở thành đặc sản văn hóa độc đáo không chỉ của một vùng quê Quảng Trị. Đưa chúng tôi ra khỏi làng Vĩnh Hoàng,  Chủ tịch huyện Vĩnh Linh Lê Văn Hiền nói một cách đầy hãnh diện:"Đến Vĩnh Linh mà chưa nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng thì coi như chưa đến Vĩnh Linh!”
                                                                                     Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.497.875
Tổng truy cập: