LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng Quan họ bên sông Ngũ Huyện Khê
(Ngày đăng: 17/01/2014   Lượt xem: 984)
Nằm bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, bao đời nay Quan họ Làng Chọi, xã Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hằng ngày vẫn vang, rền, nền, nảy những điệu hát Quan họ với phong cách biểu diễn lịch lãm, mực thước, được các liền anh, liền chị yêu mến, kính nể…

 Thuở vàng son hết sức nâng niu

Gặp Chủ nhiệm CLB Quan họ Phạm Tiến Cường khi ông vừa có chuyến đi công tác về. Tỏ ra bận bịu, ông Cường bảo, tôi trao đổi với bạn chút rồi lại sang làng bên, các liền anh, liền chị đang mời đi biểu diễn. Ông Cường cho biết, xưa kia, làng Khúc Toại thường có bốn bọn Quan họ, hai nam và hai nữ kết chạ với bọn quan họ ở Đào Xá, Bồ Sơn, Đống Cao, Hòa Bình. Nhằm vào những ngày hội hè, đình đám, các bọn Quan họ trong làng luyện tập thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa để chuẩn bị cho một mùa diễn. “Những buổi tập diễn như thế, chúng tôi thường phải tập ca đủ nối, đủ câu để có vốn liếng đi hát, đi trẩy hội khắp nơi”. Không chỉ tiếp thu những lời ca cổ, Quan họ Làng Chọi còn có năng khiếu “đặt câu, bẻ giọng” làm giàu thêm vốn liếng Quan họ của mình.

Những câu hát Quan họ của Làng Chọi cứ vang, rền, nền, nảy với phong cách đặc biệt, mang đậm dấu ấn Bắc Bộ như “Phú giải cầu”, “Xuôi về”, “Cắp nón quan đò”… được xem như mạch nguồn xuyên suốt trong nét sinh hoạt độc đáo của Quan họ nơi đây. Nhưng để nói về lịch sử Quan họ Làng Chọi lại không thể không nhắc tới các nghệ nhân tài ba, mẫu mực trong nghề chơi vừa mang cái tâm, tận lực truyền dạy bài bản và lề lối chơi Quan họ cho các thế hệ sau như: Cụ Phạm Văn Thà, Nguyễn Văn Son, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Đáp, Ngô Thị Xa… Và hầu hết những lứa Quan họ đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trước đây cũng đều thành danh nhờ sự truyền dạy của các nghệ nhân làng Quan họ Khúc Toại.

Liền anh Phạm Tiến Cường tâm sự: “Mặc dù là con của nghệ nhân Quan họ Phạm Văn Kiên nhưng ban đầu tôi chưa biết hát Quan họ. Mãi sau này, khi cha tôi nhận truyền dạy cho những lớp nghệ sĩ như chị Phức, chị Ngải, Khánh Hạ, thì bấy giờ tình yêu Quan họ mới được khơi dậy trong tôi. Thực tình sau nhiều năm gắn bó với Quan họ, tôi nghĩ rằng giờ đây trong đời sống cũng như giao tiếp không thể thiếu Quan họ được nữa. Nó đã trở thành một cái gì đó sâu thẳm trong tâm hồn mà mình phải hết sức nâng niu và trân trọng”.

Nhûäng thaânh viïn trong CLB Quan hoå Laâng Choåi.

Những thành viên trong CLB Quan họ làng  Chọi

Nối tiếp truyền thống

Tuy được coi là một “địa chỉ đỏ” về Quan họ nhưng hầu như CLB Quan họ làng Khúc Toại lại hoạt động và duy trì dựa vào sức mình là chính, không có sự trợ cấp, giúp đỡ nào. Và theo năm tháng, những lớp Quan họ trước kia yếu đi, vẫn với bàn tay nhiệt huyết, những lớp thế hệ Quan họ măng non lớn dần, vươn lên đón tinh hoa của cha ông như một lẽ tự nhiên. 34 thành viên với đủ lứa tuổi từ 12 cho đến 70 tuổi vẫn hằng ngày, hằng giờ sinh hoạt, tập luyện, vẫn đắm say, dập dìu trong câu hát Quan họ trữ tình vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật.

“Dù không có sự hỗ trợ kinh phí hoạt động, nhưng những thành viên trong CLB chúng tôi vẫn tự đóng góp mỗi người một chút để có thể tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ nhân dân cũng như các sự kiện trong làng, ngoài xóm. Chúng tôi bảo nhau rằng, không thể để Quan họ mất đi. Các cụ nhà ta đã mất bao công sức, có bao năm tháng tích lũy để truyền lại cho chúng ta thì chúng ta phải gắng sức mà duy trì và truyền lại cho con cháu, giữ lại nét đẹp quê mình, chứ không thì có tội với tổ tiên”.

Còn với cụ Phạm Văn Loan, 97 tuổi, em trai của nghệ nhân lừng danh Phạm Văn Thà cũng luôn đau đáu: “Tôi tham gia Quan họ từ năm 18 tuổi. Hồi bấy giờ chơi Quan họ độc đáo, tình tứ và duyên dáng lắm! Có những canh hát kéo dài từ hôm trước đến tận hôm sau. Hồi đó chúng tôi gọi hát Quan họ là hát giao lưu chứ không gọi là kết chạ như ở một số nơi. Trong Quan họ có các làn điệu phải nắm chắc, nếu không thì không thành Quan họ, sẽ dễ sang các thể hát khác. Đầu tiên phải hát lề lối, ra rằn, đường bạn, kim loan, xuống sông, lên núi, cấy ả… Đó là những điệu hát cơ bản, khi hát xong rồi thì mới chuyển sang hát các giọng vặt khác. Đặc biệt, trong Quan họ người ta cũng gọi là hát từng đẫn từng khúc chứ không phải là hát “trổ” như nhiều người nói. Nếu nói trổ thì lại nhầm sang Tuồng, Chèo mất rồi, không đúng với kĩ thuật của Quan họ”.

Chính vì thế người dân nơi đây không chỉ tự hào với truyền thống quý báu của một làng Quan họ gốc mà còn dành cho Quan họ một tình yêu say đắm. Có nhiều người chưa từng biết tới Quan họ, chưa tham gia CLB nhưng vẫn chung tay, vun xới hỗ trợ các hoạt động cho CLB bằng những tình cảm thiết tha, sâu sắc. Có lẽ, vì thế mà những nét đẹp, phong cách chơi Quan họ đặc trưng của Làng Chọi vẫn không ngừng cất lên sáng cả một vùng quê thanh bình, yên ả. Đúng như câu hát mà cụ Loan đã hát tặng chúng tôi: “Là là bóng nước bóng đình/ Trên cầu bóng thiếp bóng, chàng bên nhau/ Dừng chân ngắm lặng hồi lâu/ Ai về Làng Chọi hát câu ân tình…”

                                                                                                    Theo: nguoicaotuoi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.498.273
Tổng truy cập: