Từ vỏ con trai sống ở ao hồ, cửa sông vương vãi, cáu bẩn,
dưới bàn tay tài nghệ của người thợ, chúng đã trở thành những sản phẩm óng ả,
nuột nà, sang trọng…
Truyền thuyết và
thần phả làng khảm trai Chuôn Ngọ kể rằng: vào thời Nhà Lý, về phía Nam kinh thành Thăng Long ở phường
Ngọ, Chuyên Mỹ, huyện Quảng Uyên có đôi vợ chồng ông Truơng Công Huy và bà Trần
Thị Mai sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Thành. Lúc nhỏ, Trương Công
Thành rất chăm chỉ học và nổi tiếng thông minh, năm 17 tuổi thi đỗ Thái học
sinh và làm đến chức Tướng công Phù Quảng Bá. Khi quân Tống sang xâm lược, ông
được triều đính cử giữ chức Tây đạo Tướng quân Tham tán, phò Nguyên soái Lý
Thướng Kiệt đem quân Bắc phạt. Sau khi dẹp giặc, bờ cõi yên bình, cụ từ quan đi
ngao du sơn thuỷ… Lần đó, trong một cuộc dạo chơi trên biển, cụ phát hiện thấy
những mảnh vỏ sò, trai, ốc trôi dạt vào bờ, lấp lánh sắc màu tự nhiên… Về sau,
cụ nảy ra ý tưởng "ghép những mảnh vỏ để làm sao tạo ra các họa tiết hoa
văn lộng lẫy, sinh động”… Ý tưởng trở thành hiện thực, rồi phát triển thành
nghề khảm cho tới ngày nay…”.
Còn ở La Xuyên, Ninh Xá, Yên Ninh, Ý Yên, Nam Định lại truyền
tụng rằng trong cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, xây dựng cố đô Hoa Lư có một vị tướng
giỏi tên là Ninh Hữu Hưng. Ông
chính là người họ Ninh đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam và được người dân La
Xuyên tôn làm tổ nghề. Đến nay, các thế hệ họ Ninh hiện nay sinh sống rất đông
trong làng.
Thời gian trôi qua, những câu chuyện đó cứ truyền tụng từ đời
này sang đời khác như nhắc nhở các thế hệ con cháu về nguồn gốc xuất sứ của một
loại hình thủ công mỹ nghệ độc đáo ở Việt Nam - nghề khảm trai ốc.
Nghề khảm trai ốc dùng nguyên liệu chính là chất liệu xà cừ
được lấy từ vỏ trai, ốc, nên khảm trai còn được gọi là khảm xà cừ hoặc khảm ốc.
Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ trai của trai ngọc môi vàng, nó thường có
kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày,
màu óng ánh. Làng nghề cổ truyền thường gọi các loại trai ốc để khám ấy với
những cái tên rất riêng như "trai cửu khổng" (tức bào
ngư), "diệp xù", "trai
cánh", "trai Nông Cống"…
Thời xưa, nghề khảm trai chủ yếu phục vụ trong triều đình và
các nhà quyền quý. Sản phẩm truyền thống là các khay trà, các bàn tiệc của vua
chúa, hoàng hậu. Khay khảm trai đặt trên chiếc sập được chạm trổ cầu kì không
chỉ biểu tượng của sự sang trọng, phú quý mà còn chứng tỏ được vị thế của người
dùng.
Để làm
ra một sản phẩm khảm trai phải mất khá nhiều thời gian và công sức, bắt buộc
phải qua 5-6 công đoạn từ chọn nguyên liệu để chẻ nhỏ, đục mảnh, vẽ mẫu, cắt
theo họa tiết mẫu, dán miếng cắt đó vào gỗ và đục theo các họa tiết, sau đó dán
miếng trai, dùng đá mài mài phẳng và dùng dao bằng thép tách tỉa ra các họa
tiết nhỏ, dùng giấy ráp đánh cho nổi họa tiết lên. Cuối cùng toàn bộ sản phẩm
được đánh vécni cho bóng lên để họa tiết nổi lên sống động như một bức tranh.

Tranh khảm trai của nghệ nhân Nguyễn Văn
Lăng
Vỏ
trai, ốc cỡ lớn được lấy về, rửa sạch, sau đó được mài nhẵn cho hết màu đen bên
ngoài, lúc này độ óng của trai hiện lên các sắc hồng, tím, xanh khác nhau.
Người thợ bắt đầu xẻ vỏ trai thành hình cánh quạt và đưa vào máy ép phẳng.
Trước đây, do không có máy ép, người thợ phải làm thủ công, nên vỏ trai dễ bị
vỡ nhỏ dẫn đến hiệu quả và năng xuất không cao. Ngày nay với việc sử dụng máy
móc trong một số công đoạn đã giúp những người thợ có được những loại nguyên
liệu tốt hơn. Những miếng trai sau khi xẻ được xếp chồng lên nhau trên 1 bàn ép,
sau đó được ngâm vào trong nước và cứ 5
phút người thợ lại phải điều chỉnh lực ép một cách từ từ, sau 1 ngày đêm sẽ có
được những miếng nguyên liệu phẳng. Thông thường, trai lưỡi mỏng, dễ vỡ, độ óng
kém, thích hợp với những họa tiết cần màu trắng, còn phần già của thân trai màu
sắc đẹp hơn nên được nhiều người ưa thích. Ngoài nguồn liêu chính là trai, người
ta còn dùng vỏ ốc để khảm. Vỏ ốc thường có những hoa văn, đường vân ấn tượng
nhưng ốc thường có hình cong, để ép phẳng sao cho không bị rạn, vỡ lại là cả
một kỳ công đối với người thợ, khó hơn ép phẳng vỏ trai.
Mọi sản
phẩm khảm trai đều bắt đầu bằng công đoạn vẽ mẫu. Mỗi mẫu vẽ đều thể hiện tâm
hồn và tình cảm của người thợ. Cứ thế các họa tiết hiện ra đầy sinh động và ý
nghĩa. Công việc này thường do những người thợ có nhiều kinh nghiệm tiến hành,
các đường nét hoa văn, những đường con uyển chuyển mềm mại dần được hiện ra
dưới những đôi bàn tay tài hoa.

Bình khảm trai
Các
hình ảnh của mẫu được truyền tải lên trên miếng trai phải thật chính xác, người
thợ phải tính toán đặt miếng trai như thế nào để không bị lãng phí nguyên liệu
và màu sắc được nổi lên đẹp nhất thì khi khảm hoàn thiện mới bảo đảm được yếu
tố nghệ thuật. Sau đó mới tiến hành cắt theo họa tiết mẫu. Người thợ đục một lỗ
điểm cần cưa trên trai, sau đó luồn một sợ chỉ nhỏ kéo lưỡi cưa mảnh như một
sợi dây thép vào sau đó đưa lưỡi vào gọng cưa và tiến hành cưa sao cho đều,
không gãy. Trong các công đoạn làm khảm trai, công đoạn này là khó nhất và đòi
hỏi tính kỹ thuật cao nhất, không cho phép người thợ được cẩu thả. Có bao nhiêu
điểm cưa thì người thợ phải đục bấy nhiêu lỗ và tỉ mỉ, cẩn thận trong từng
đường cưa bởi nếu gãy một góc nhỏ thì miếng trai đó coi như bỏ đi.

Những người thợ đang tiến hành hoàn thiện
nốt tác phẩm khảm trai
Các
mảnh trai sau khi được cắt chi tiết sẽ được khảm vào gỗ. Để có được những đường
đục, khảm chuẩn xác, người thợ phải gắn tất cả các miếng trai vào vị trí cần
khảm, sau đó vẽ lại trên gỗ và tiến hành đục. Khi đục phải vừa khít, không được mỏng quá cũng không
được sâu quá so với độ dày của miếng trai, để khi ghép vào miếng trai không bị
lồi lên, hay lõm xuống. Nhìn bàn tay của những người thợ đục khảm thật khéo
léo, vừa sắc bén để tạo độ chính xác, vừa nhẹ nhàng để có được độ sâu vừa phải
và những đường cong mềm mại.
Thông
thường để làm xong một tác phẩm khảm trai, người thợ phải mất vài tháng từ khâu
chọn nguyên liệu trai đến tính toán độ co của gỗ. Nhìn những bộ tứ quý, cành lá
như đang lay động dưới nắng, những người đi chợ trưa về với những bước nặng
nhọc nhưng khuôn mặt lại ánh lên niềm hân hoan, mới hiểu được hết cái độc đáo
của loại hình thủ công mỹ nghệ đặc biệt này của Việt Nam.
Khảm trai, ốc thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ, tuy nhiên nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối
của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ
công mỹ nghệ khác. Theo người thợ có tay nghề lâu năm thì sơn màu nền như thế
là do bản thân chất liệu xà cừ có tạo nên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết
trang trí.

Tranh khảm trai tứ bình
Ngày này, người ta không chỉ khảm trai ốc lên gỗ mà còn khảm
trên nhiều chất liệu khác như đá, gốm, các loại bình hoa… Các làng nghề khảm
trai nổi tiếng là Chuôn Ngọ, làng khảm trai Chuyên Mỹ,
làng Ninh Xá, làng Ứng Cử, làng sơn khảm thôn Bối Khê…
Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
Làng Ngọ xưa là Phường Ngọ,
một làng nghề khảm trai truyền thống, làng có từ lâu đời, nhà thờ cụ tổ nghề
khảm đã được Bộ văn hóa xếp hạng di tích lịch sử năm 1996. Đây còn là điểm du
lịch cuốn hút nhiều du khách trong nước và người nước ngoài tìm đến. Chuôn Ngọ
là làng nghề có lịch sử nghìn năm mang sắc thái văn hoá của vùng đất chiêm
trũng ở đồng bằng Bắc bộ. Nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là những
mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít. Chi tiết trang trí
trên khảm trai rất sinh động, đặc sắc. Những mảnh trai vô tri, vô giác, qua bàn
tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú đã được gắn vào gỗ để trở thành sản phẩm,
có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao. Từ tủ khảm, giường khảm cho đến các sản
phẩm đơn giản của cuộc sống như bàn cờ, tranh treo tường... không những đáp ứng
được nhu cầu và thị hiếu khách trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước
trên thế giới.
|
Mai Hà