LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng nghề La Ngoại trước nguy cơ mất nghề
(Ngày đăng: 07/11/2013   Lượt xem: 901)

Thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện - Hải Dương đã từng là điểm sáng của tỉnh trong việc dạy nghề thêu tranh cho người lao động, tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở huyện Thanh Miện. Tuy nhiên thời gian gần đây, hầu hết lao động làng nghề mất việc làm và làng nghề có nguy cơ bị xóa sổ.

Từng là điểm sáng

Nghề thêu tranh lụa ở La Ngoại nhen nhóm từ khoảng năm 1995. Ban đầu chỉ có một vài người làm nghề như một công việc thời vụ trong những ngày nông nhàn. Dần dần số người biết thêu tăng dần, lan sang cả những làng, những xã bên cạnh. Chị Nguyễn Thị Loan, 36 tuổi, xóm 2, là một trong những người đầu tiên làm và dạy nghề thêu tranh nhớ lại: “Khoảng gần 10 năm từ 2000 đến 2009, trong nhà tôi lúc nào cũng có 30-40 người học nghề, khi đã thành thạo, họ mang hàng về nhà tự làm, thu nhập từ 20-30 nghìn đồng/ngày đối với hàng tiêu thụ trong nước, 40-50 nghìn đồng/ngày đối với hàng xuất khẩu”.

Thu nhập bấp bênh, nhiều nghề thủ công có nguy cơ thất truyền.

Có người ở nhiều xã lân cận đến học nghề như Thanh Giang, Chi Lăng Bắc, Chi Lăng Nam, Tứ Cường… Chị Khương Thị Chủ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngũ Hùng cho biết thêm: “Nghề thêu ở đây phát triển mạnh nhất từ những năm 2006 đến 2009, Hội Phụ nữ xã đã mở lớp dạy nghề thêu cho nhân dân. Lúc đông học viên nhất, xã mở được 5 lớp dạy nghề, mỗi lớp 30 học viên, tạo việc làm cho hàng trăm lao động”.

La Ngoại cũng phát triển thêm nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng mây tre đan, tranh trúc, đính hạt cườm. Cụ Nguyễn Văn Luật là người đầu tiên làm các sản phẩm này để bán ở điểm du lịch sinh thái Đảo Cò. Tuy nhiên, sau khi cụ mất, không còn ai nối nghiệp. Năm 2000 chị Khương Thị Chủ là người đã vực dậy nghề này. Chị tự mình đi tìm nguồn nguyên liệu, thuê nhân công sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tự tìm thị trường cho sản phẩm. Vào thời điểm phát triển nhất, cơ sở của chị sản xuất ra hàng trăm sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao như lục bình, khay chén, bàn ghế uống nước, tranh trúc treo tường… Sản phẩm rất được thị trường trong nước ưa chuộng. Năm 2006, thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Làng nghề bị mất nghề

Hiện nay cả thôn La Ngoại chỉ còn vài hộ giữ được nghề thêu, nghề đính hạt cườm như gia đình chị Loan, chị Chủ. Ngày trước, cả ba chị em chị Loan đều làm nghề thêu, nhưng đến nay chỉ còn mình chị. Mấy năm gần đây, ngoài sản phẩm tranh thêu lụa, chị Loan còn cung cấp tranh thêu chữ thập, tuy có điều chỉnh theo thị trường nhưng vẫn chưa thể đứng vững vì tính cạnh tranh cao. Chị Loan cho chúng tôi xem bức tranh chữ thập tên “Mã đáo thành công” và cho biết: “Để hoàn thành bức tranh này thì một người thợ lành nghề mất ít nhất là hai tháng rưỡi. Hai năm trước một bức tranh như thế này bán được khoảng 15 triệu đồng nhưng đến giờ chỉ được tầm 7 triệu đồng. Vì thêu tranh chữ thập khá đơn giản nên nhiều người tự mua về thêu, do vậy giá thành sản phẩm càng rẻ. Trong khi tiền mua tranh thêu và khung tranh đã khoảng 1 triệu đồng. Với thợ thêu tranh lụa và tranh chữ thập lành nghề, thu nhập chỉ khoảng hơn 2 triệu/tháng. Do vậy nhiều người đã bỏ nghề để chuyển sang làm cho các công ty, xí nghiệp”.


Hiện tại, nhà chị Loan, chị Chủ chỉ còn khoảng 20 nhân công nhận tranh về thêu, nhà chị Chủ còn khoảng 30 nhân công đính hạt cườm. Đầu ra cho sản phẩm hiện nay chủ yếu là thị trường trong huyện. Từng có một thời kỳ phát triển mạnh mẽ, nhưng hiện nay cả nghề thêu tranh lụa cũng như sản xuất mây tre đan mỹ nghệ ở La Ngoại gần như không còn nữa. Do mới phát triển trong chưa đầy hai thập niên lại tàn lụi nên ký ức về nghề của người dân trong làng còn lại không nhiều. Khi chúng tôi đến tìm hiểu, người dân trong làng chẳng mấy ai nhớ. Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng cho biết: “Xã từng dành một nhà kho rất lớn chứa sản phẩm, nhưng từ những năm 2009-2010, nghề thêu tranh cũng như sản xuất mây tre đan bắt đầu tàn lụi.

Với nghề sản xuất tranh trúc, mây tre đan mỹ nghệ, La Ngoại không phải là vùng nguyên liệu nên người làm mây tre đan phải chi trả chi phí cho tất cả các khâu trong quá trình sản xuất: Vận chuyển nguyên liệu, trả tiền cho nhân công, chịu cước phí vận chuyển… Do đó, khi nền kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu cũng như nhân công tăng lên, làm nghề không có lãi nên các cơ sở sản xuất lần lượt đóng cửa”. Theo ông Nhâm, các ngành chức năng của huyện Thanh Miện chưa có ưu đãi gì đối với người làm nghề sản xuất mây tre đan cũng như nghề thêu để khuyến khích phát triển. Hơn nữa vì kinh tế khó khăn, nhân dân chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn nên làng nghề khó mà tồn tại nữa.

                                                                                                  Theo: Báo tin tức

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.488.565
Tổng truy cập: