LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Giữ gìn hồn cốt dân tộc Thái
(Ngày đăng: 14/10/2013   Lượt xem: 453)

Mỗi thành viên Câu lạc bộ (CLB) Nhóm thổ cẩm bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, Sơn La chỉ nhận được "lương" là hơn 500.000 đồng/tháng - số tiền rất ít ỏi, thành viên CLB ngày càng ít, nhưng trong mỗi ánh mắt, giọng nói của những người phụ nữ dân tộc Thái mà chúng tôi đã gặp nơi đây vẫn bừng lên nét tự hào, lòng quyết tâm giữ bản sắc dân tộc - nghề dệt thổ cẩm.

 
Đi lên từ khó khăn, chị Lò Thị Xe vẫn tự hào vì mình đã góp phần vào việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái.
Quyết tâm giữ nghề

Nằm cách TP Sơn La khoảng 70km, bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu xinh đẹp tựa cô gái Thái đương thì xuân sắc. Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, đây là nơi có làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất huyện Yên Châu, Sơn La.

Cầm trên tay tấm khăn piêu vừa dệt xong, chị Hoàng Thị Thanh, thành viên CLB Nhóm thổ cẩm bản Thèn Luông giới thiệu: CLB được thành lập từ tháng 4-1994. Với số vốn ban đầu chỉ 9,8 triệu đồng, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức về tài chính, kỹ thuật, mẫu mã, đặc biệt là đầu ra sản phẩm... Theo chị Thanh, hiện nay, tổ chức Craft link (Trung tâm Nghiên cứu, liên kết, phát triển thủ công mỹ nghệ) đang hỗ trợ đặt hàng với 43 sản phẩm chính (vỏ gối, khăn piêu, túi, ví...). Chị tâm sự: Người Thái coi sản phẩm dệt thổ cẩm là một phần trong đời sống vật chất, tinh thần của mình. Những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện nét đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Thái.

Chúng tôi băn khoăn về mẫu mã sản phẩm liệu có "bắt kịp" với xu thế hiện đại, chị Lừ Thị Đóng, thành viên CLB cho hay: "Chưa phong phú, nhưng nếu cải tiến, mẫu mã sẽ phù hợp với khách hàng của chúng tôi. May mắn là dường như họ rất thích những hoa văn tinh tế, sắc nét, tươi vui trên sản phẩm nên thường yêu cầu chúng tôi thêu, dệt theo mẫu cũ. Chúng tôi tự dệt, tự may, nếu một số nguyên phụ liệu như dạ, khuy từ, khóa... không có sẵn, chúng tôi sẽ đặt mua từ Hà Nội".

Các thành viên CLB cũng cho biết: Trung bình mỗi sản phẩm có giá khoảng từ 50.000 - 80.000 đồng, nhưng không phải tháng nào cũng có khách hàng để làm thường xuyên. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, CLB chỉ bán được 45 triệu đồng tiền hàng, trung bình "lương" mỗi người là hơn 500.000 đồng/tháng. Số chị em tham gia ngày càng ít cũng là nỗi lo của các thành viên CLB. Tôi hỏi: "Thu nhập thấp, không ổn định, số thành viên CLB ngày càng ít đi, các chị có lo nghề của cha ông mai một không?". Chị Thanh trả lời: "Là truyền thống thì tự trong dòng máu của mỗi người con dân tộc Thái đã đượm tinh thần giữ nghề rồi. Ở bản này, 125/125 nóc nhà đều có khung cửi. Không bán ra ngoài thì chúng tôi lại giữ lại sử dụng trong gia đình!".

Vượt khó giữ nghề

Rời Yên Châu, chúng tôi hỏi đường tới nhà chị Lò Thị Xe, người duy nhất còn giữ nghề dệt thổ cẩm tại TP Sơn La, ai cũng nhiệt tình chỉ đường. Nhà chị Xe thuộc bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi. Đây cũng là nơi chị trực tiếp sản xuất các mặt hàng dệt thổ cẩm.

Lúc chúng tôi đến, trời đã gần trưa, chị Xe vừa ngơi tay kéo sợi, dệt tấm khăn viền nệm ngồi theo đơn đặt hàng của khách. Chị Xe năm nay 48 tuổi, dân tộc Thái. Chị kể: Lấy chồng từ năm 20 tuổi, nhưng chị đã có "thâm niên" làm nghề dệt thổ cẩm từ tuổi 12. Chỉ vào khung cửi, chị Xe tự hào: Đấy là món quà "hồi môn" ý nghĩa, giá trị nhất với chị khi đi lấy chồng. Khung cửi này do chính bố chị làm ra từ lúc chị học nghề. Khi đi về nhà chồng, bố chị đã tự tay mang đến cho con gái. Khung cửu đến nay đã được 36 năm.

Chị kể, chị học nghề rất nhanh. 12 tuổi, mẹ chị dạy cho một vài thao tác rồi chị tự làm lấy. "Con gái Thái khi đi lấy chồng, ai cũng phải tự dệt chăn, gối, đệm, khăn piêu... để làm quà cho bố mẹ và gia đình chồng. Người nhiều thì vài chục cái, người ít nhất cũng phải 10 cái. Nếu không tự dệt được thì phải nhờ chị em gái hay mẹ làm cho. Riêng tôi thì tự làm hết đấy!". Vừa kể, chị vừa chỉ vào số chăn, gối... mà chị mang về nhà chồng cách đây 28 năm. "Bền lắm! Tự dệt nên rất bền. Có thể chưa dùng đến, nhưng nếu được cất giữ cẩn thận, đồ dệt thổ cẩm thủ công vẫn nguyên vẹn. Người Thái không có thói quen "chạy sang nhà hàng xóm" mượn đồ dùng trong nhà khi có việc, có khách. Đấy là lý do vì sao con gái khi về nhà chồng lại biếu nhiều đồ thổ cẩm đến vậy. Sẽ có lúc dùng đến mà!" - Chị giải thích.

Chia sẻ về "cơ ngơi" rộng rãi, chị Xe bồi hồi nhớ lại: Để được như ngày hôm nay, vợ chồng chị đã trải qua không ít mồ hôi, nước mắt. Từ hai bàn tay trắng, quanh năm đói ăn, hai vợ chồng chị quyết chí, chăm chỉ cày mướn, khai hoang để có thêm đất sản xuất, trồng thêm khoai sắn. Nhưng thấy cách làm đó manh mún, thu nhập thấp, bằng đầu óc kinh doanh nhạy bén, với định hướng của Hội Phụ nữ cấp trên, anh chị đã mạnh dạn làm nghề dệt thổ cẩm với số vốn ban đầu chỉ... 40 triệu đồng, gồm cả tiền vay mượn. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ, nghề dệt hàng thổ cẩm giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa để phục vụ con cháu trong gia đình, vừa đáp ứng được nhu cầu làm quà tặng và thị hiếu của khách du lịch khi đến tham quan tại tỉnh Sơn La (ví, túi, khăn, dệt vải khít...)". Khởi nghiệp từ năm 1996, chị chỉ tranh thủ làm buổi tối, lúc nhàn rỗi, khi thấy hàng bán chạy, chị quyết tâm đầu tư để mua thêm nguyên vật liệu như bông, sợi, thuê nhân công. Từ 3 nhân công, đến năm 1998, đã có 10 lao động nữ làm việc cho chị, theo đúng phương thức dây chuyền, rất chuyên nghiệp. Đến nay, chị đã giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ. Ước tính, tổng thu nhập của vợ chồng chị năm 2013 từ nghề dệt thổ cẩm là 190 triệu đồng.

Chia tay Sơn La, chúng tôi ám ảnh bởi ánh mắt, lời nói của các chị Hoàng Thị Thanh, Lò Thị Xe: "Nghề dệt thổ cẩm là linh hồn của người Thái, đặc biệt là khi con gái đi lấy chồng phải tự thêu, dệt khăn piêu tặng bố mẹ chồng, rồi lúc đi chơi, đi làm có khăn để làm đẹp, giữ ấm đầu, thể hiện nét riêng của người làm ra nó. Do đó, dù có ít tiền, nhưng chúng tôi vẫn tự hào vì góp phần gìn giữ truyền thống và quảng bá hình ảnh dân tộc, quê hương mình".

                                                                                                    Theo: Bienphong.com

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.498.033
Tổng truy cập: