LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Gốm Kim Lan : Quên lãng & hồi sinh
(Ngày đăng: 14/10/2013   Lượt xem: 696)
Nếu như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) quanh năm nhộn nhịp, tấp nập du khách thì nằm ngay sát bờ bên kia sông Bắc Hưng Hải, quê hương của các sản phẩm đồ gốm gia dụng của kinh thành Thăng Long xưa - làng gốm cổ Kim Lan lại đang bị rơi vào quên lãng...

Bài 1:  Làng gốm cổ của Kinh thành Thăng Long
 
 Suốt một thời gian dài, gốm Kim Lan nức danh khắp chốn, thậm chí, chỉ có vua quan triều đình mới được dùng những vật phẩm của nơi đây. Thế nhưng, trải qua những thăng trầm, gốm Kim Lan giờ đây không còn danh tiếng cho dù vẫn được sản xuất, bày bán nhiều trên thị trường…
 
Nức danh một thời
 
 Làng gốm Kim Lan thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, phía Đông Nam Hà Nội, phía Bắc giáp với làng cổ Bát Tràng, phía Tây giáp với quận Hoàng Mai có lịch sử hình thành lâu đời và cũng là một trong những trung tâm gốm nổi tiếng của cả nước. Theo những tài liệu mới thu thập được của các nhà nghiên cứu khảo cổ cũng như của các cụ cao niên ở làng Kim Lan thì vào khoảng thế kỷ thứ IX, nghề gốm ở đây bắt đầu hình thành và không ngừng phát triển.
 
Ông Nguyễn Đức Trí bên những sản phẩm gốm Lục bình.         Ảnh: Hồ Phú
Ông Nguyễn Đức Trí bên những sản phẩm gốm Lục bình.

Những chứng tích phát lộ trên bờ sông bị sạt lở (còn được gọi là khu vực Hàm Rồng) vào năm 2000 càng có cơ sở để các nhà nghiên cứu khẳng định được rằng nghề làm gốm ở Kim Lan có nguồn gốc từ rất lâu đời và đã có thời kỳ phát triển cực thịnh. Trong số những di vật ấy phải kể đến những đồ gốm sứ có niên đại từ đời Đường (thế kỷ VII - thế kỷ X) đến thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Phổ biến nhất là gốm đời Trần và Lê với các chủng loại như men nâu, men trắng ngà, men xanh ngọc và gốm hoa lam, một loại gốm cao cấp... Trong một số tài liệu có ghi rằng, thời kỳ này, gốm Kim Lan nức danh khắp chốn, thậm chí, chỉ có vua, quan triều đình mới được sử dụng.
 
Nhà sưu tập gốm Lê Ngọc Việt - CLB Những người yêu cổ ngoạn Hà Nội cho biết, những sản phẩm gốm Kim Lan từ thế kỷ XIII mà ông đang sở hữu rất tinh tế, chất men, màu sắc được làm tinh xảo, có giá rất đắt trên thị trường đồ cổ hiện nay. Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa là, gấm vóc, châu ngọc. Không chỉ có những sản phẩm gốm có giá trị, đa hình, đa sắc, ở Kim Lan ta còn có thể tìm thấy gốm mộc, gốm thô mang một vẻ đẹp tao nhã và vô cùng giản dị. Gốm Kim Lan đẹp cả cốt, dáng, nét và men; thật không hổ với câu: "Nhất dáng nhì men".
 
Theo TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội), năm 1958, khi thi công công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải phía Nam Bát Tràng (giáp Kim Lan), đã tìm thấy dấu tích cư trú và những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng xưa. Mặt khác, căn cứ vào sưu tập đồ gốm thờ đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và các nhà sưu tập tư nhân, cũng đã phần nào khẳng định rõ hơn về lịch sử sản xuất gốm ở Bát Tràng là vào các thế kỷ XVI - XVIII. Trong khi đó, các nhà khảo cổ học đã chứng minh rằng, từ thế kỷ thứ IX, Kim Lan đã sản xuất gốm. Điều này chứng tỏ, Kim Lan mới là làng gốm tổ của kinh thành Thăng Long xưa.
 
Nỗi niềm người dân làng gốm
 
Nức danh một thời, trải qua biết bao thăng trầm, hưng thịnh, nhưng làng gốm Kim Lan chỉ được người ta biết đến qua cái danh Bát Tràng. Bởi vậy, người Kim Lan vẫn cứ chất chứa bao nỗi niềm và mong muốn lấy lại thương hiệu. Bà Nguyễn Thị Hoa - chủ một cửa hàng gốm, sứ Bát Tràng cho biết: Từ khi mở cửa hàng tới nay, đa phần những sản phẩm từ dân dụng đến cao cấp ở đây đều được nhập từ Kim Lan. Gốm Kim Lan rất dễ nhận biết, ở đây thường sản xuất loại gốm xương đỏ, miệng loe, mỏng và thấp. Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, nghệ nhân Kim Lan còn làm ra những sản phẩm có giá trị như: Độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ, con giống... với hai loại men truyền thống là men ngọc, men rạn.
 
Ông Nguyễn Văn Ba - một nhà kinh doanh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ: "Tôi rất thích dùng đồ trang trí và đồ gia dụng bằng gốm, sứ Kim Lan. Một lần tình cờ sang Kim Lan, thấy đồ gốm, sứ ở đây đẹp và rẻ hơn những nơi khác rất nhiều. Tôi mua một đôi lục bình giá 4 triệu đồng ở Bát Tràng, cũng có kích thước, kiểu dáng, chất liệu y hệt như vậy nhưng ở Kim Lan chỉ có 2,2 triệu đồng".
 
Anh Nguyễn Văn Hà - chủ một lò gốm ở thôn Thống Nhất vốn là công nhân của Xí nghiệp Gốm Bát Tràng cho biết, một trong những kỹ thuật cổ truyền vẫn được người thợ làng gốm Kim Lan áp dụng là sử dụng đèn soi để sấy khô sản phẩm khi thời tiết có độ ẩm cao. Sau khi đạt được độ cứng cần thiết, những người thợ tài hoa tiếp tục vẽ trang trí theo yêu cầu của khách hàng, rồi qua công đoạn tráng men và cuối cùng là nung. Mỗi sản phẩm cho dù kích thước bé xíu như chiếc hộp tăm, đũa ăn cơm đến kích cỡ lớn hơn như các bể cảnh cỡ đại đều trải qua quá trình nung trong vòng 6 tiếng, nhiệt độ lên tới 1.700oC.
 
Lý giải tại sao cái tên Kim Lan không còn được nhiều người biết đến, ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch xã Kim Lan cho rằng: "Không phải vì gốm Kim Lan không còn chất lượng như xưa mà vì chúng tôi chưa được đầu tư nhiều. Mặt khác, kinh nghiệm làm thương mại của người Bát Tràng hơn hẳn Kim Lan. Nói cách khác là người dân Kim Lan chỉ chú tâm làm nghề chứ chưa biết làm thương mại, nên dù đa phần đồ gốm bán ở Bát Tràng do người Kim Lan làm nhưng vẫn chỉ được biết đến với cái danh Bát Tràng" - ông Trí ngậm ngùi.
 
Việc gốm cổ Kim Lan bị mai một, bị lãng quên và phải "làm thuê" cho gốm Bát Tràng là có nguyên do của nó. Trước đây, 3 làng Kim Lan, Bát Tràng, Gia Cao thuộc xã Quang Minh; nhưng từ khi đào kênh Bắc Hưng Hải, Quang Minh tách ra thành 2 xã Kim Lan và Bát Tràng. Do địa hình, giao thông của Bát Tràng thuận lợi hơn, giới buôn bán, khách du lịch trong và ngoài nước cứ đổ dồn về Bát Tràng, chứ ít ai biết mà đi thêm 1 km nữa để đến với tổ nghề gốm cổ Kim Lan. Kim Lan bị mai một và dần bị lãng quên là như vậy" - ông Nguyễn Đức Trí giải thích.
 
Cho tới thời điểm hiện tại, hơn hai trăm hộ dân tại xã Kim Lan đã và đang thành công trong việc khôi phục và phát triển làng nghề cổ truyền của mình. Dù chỉ còn chưa đầy 300 lò gốm nhưng thợ gốm Kim Lan ngày nay đã cho ra nhiều chủng loại sản phẩm, chất lượng cũng được nâng cao, không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà đã vươn ra thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, người dân làng gốm Kim Lan vẫn miệt mài lục tìm quá khứ để sàng lọc những tinh hoa của nghề, áp  dụng vào sản xuất hôm nay.
 
Hiện tại, cơ sở hạ tầng ở Kim Lan còn kém và chưa được đầu tư đúng mức, nhiều người phải sang làm thuê cho gốm Bát Tràng. Sản phẩm làm ra không có thương hiệu, không có chợ, không có thị trường nên phải bán rẻ cho những hộ kinh doanh ở Bát Tràng. Dù vậy, người dân Kim Lan vẫn quyết giữ nghề, 90% người dân ở đây vẫn một lòng theo nghề gốm. "Hơn lúc nào hết, chính quyền xã và người dân Kim Lan đang từng ngày, từng giờ mong ngóng khôi phục thương hiệu cho làng gốm Kim Lan" - ông Nguyễn Đức Trí chia sẻ.
Bài 2: Đau đáu phục hồi làng gốm cổ
                                                                                                      Theo: Ktdt.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.498.182
Tổng truy cập: