LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống ở Tây Nguyên
(Ngày đăng: 28/09/2013   Lượt xem: 528)

Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar (Ðác Ðoa).

Ðã một thời, các sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thu hút rất đông khách du lịch. Thế nhưng, giờ đây, nhiều làng nghề lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Cần phải có chính sách từ các cấp cũng như sự phối hợp thống nhất giữa nhiều ban, ngành để tìm ra các giải pháp và hướng đi phù hợp nhằm giúp phục hồi các làng nghề; vừa phát triển kinh tế vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Nói đến nghề dệt thổ cẩm ở Gia Lai, không ai không biết đến chị M'Lop, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar, huyện Ðác Ðoa, chị Rah Lan Pel - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Biển Hồ - TP Plây Cu. Họ là những cô gái Gia Rai, Ba Na khéo léo, lại được thừa hưởng sự đam mê từ những người mẹ vốn một thời nổi tiếng về tài dệt vải khắp vùng. "Mình già rồi sẽ chết đi nhưng mình hy vọng nghề dệt vải sẽ còn sống mãi". Có lẽ vì suy nghĩ này mà M'Lop không ngần ngại và nhiệt tình khi đứng ra tổ chức nhiều lớp tập huấn để truyền nghề dệt thổ cẩm cho các chị và con em trong các xã trên địa bàn huyện. Ðến nay, HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm của M'Lop đã có hơn 300 hội viên. Ở làng nào cũng có những người dệt giỏi, tay nghề cao, bởi vậy những sản phẩm thổ cẩm chị em ở hợp tác xã làm ra rất khác so với thổ cẩm thông thường, từ đường nét hoa văn cho đến độ mịn, phối mầu đều sắc sảo.

Còn nhớ, tại hội nghị bình chọn và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2012, tất cả những người có mặt hôm ấy đều ấn tượng trước màn trình diễn các loại nhạc cụ độc đáo của nghệ nhân Rơ Châm Tih, Chủ nhiệm HTX Nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên (làng Chuet 2, phường Thắng Lợi, TP Plây Cu). Chủ nhiệm Rơ Châm Tih cho biết: Thành công của HTX Nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên chính là các thành viên trong HTX được chuyên môn hóa từng khâu sản xuất. Người thì chuyên vót âm thanh, người làm chân, người khắc hoa văn lên đàn... Là một thành viên của HTX, ông Ksor Joan đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm nhạc cụ truyền thống và là một trong những người đầu tiên cùng Rơ Châm Tih thành lập HTX. Ngoài việc làm đàn, ông Joan còn truyền nghề cho lớp trẻ và học trò đầu tiên của ông chính là cậu con trai Ksor Quynh, năm nay vừa tròn 17 tuổi.

Huyện Kông Chro được xem là địa phương chú trọng đến việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện có ba làng nghề là dệt thổ cẩm tại làng Nghe Lớn (thị trấn Kông Chro) và hai làng nghề mây, tre đan tại làng Hà Tiên và Nhang Lớn (xã Ðak Kơ Ning). Ðây là những làng nghề truyền thống được hình thành khá sớm, thông qua dự án "Hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống" do Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Kông Chro làm chủ đầu tư với tổng kinh phí  210 triệu đồng, trong đó huyện bỏ ra 100 triệu đồng, phần còn lại là từ công lao động và vật liệu xây dựng của đoàn viên, thanh niên. Cùng với các Câu lạc bộ (CLB) này, từ năm 2004, xã Biển Hồ (TP Plây Cu) cũng đã thành lập được CLB dệt thổ cẩm với 53 thành viên, gần đây có thêm làng sản xuất nhạc cụ dân tộc truyền thống phường Thắng Lợi (TP Plây Cu), làng dệt thổ cẩm kết hợp với du lịch ở Ðê K'Tu (Mang Yang), HTX đan lát ở Ia Phìn (Chư Prông)...

Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, ngoài giá trị về kinh tế, thì giá trị văn hóa đóng vai trò quan trọng. Nhận thức được điều đó nên những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng chín làng nghề, với tổng kinh phí gần chín tỷ đồng như: Xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề truyền thống của HTX Nhạc cụ dân tộc Thắng Lợi (TP Plây Cu), HTX Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) sản xuất bẹ chuối, mây, tre đan; HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar (huyện Ðác Ðoa)... Thế nhưng, sau một thời gian, các HTX này chỉ hoạt động cầm chừng hoặc chuyển sang hướng làm ăn khác.  Chị M'Lop Chủ nhiệm HTX trăn trở: Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ít được đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng. Bởi các sản phẩm này không được người dân dùng thường xuyên trong đời sống sinh hoạt gia đình nữa. 

Phó Trưởng phòng Khuyến công và Tư vấn công nghiệp - Sở Công thương Gia Lai Ngô Quốc Thịnh  cho biết: Các nghề thủ công ở Gia Lai chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của bà con chứ ít gắn với kinh doanh thương mại. Không những thế, nghề truyền thống ở đây đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, khó bảo tồn, trong khi lại chịu sức cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm của công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn đang là một bài toán chưa có lời giải. Thực chất, Sở cũng đã xây dựng đề án hỗ trợ cho các nghề truyền thống, như hỗ trợ 50% chi phí máy móc, thiết bị để làm nghề (không quá 100 triệu đồng) nhưng đáng buồn là hiện vẫn chưa có trường hợp nào được các ngành chức năng quan tâm giải quyết...

Theo đánh giá của các ban, ngành chức năng, ở Gia Lai hiện có hai nghề có triển vọng là nghề dệt thổ cẩm và  mây, tre đan. Tuy nhiên, chỉ là "hàng sao" ở cấp độ địa phương, chứ so với các nơi khác thì còn yếu. Với sản phẩm dệt thổ cẩm, khai thác theo hướng gắn với du lịch hay tham gia giới thiệu sản phẩm vùng, miền... tạo được khá nhiều sức hút song vẫn chủ yếu mang tính thời vụ. Còn với nghề mây, tre đan thì chủ yếu là cung cấp nguyên liệu cho các vùng khác, còn sản xuất sản phẩm thì bị hạn chế bởi tay nghề. Người làm các nghề này chủ yếu là nghề phụ, tranh thủ thời gian nông nhàn. Chúng tôi cũng đã có dịp trò chuyện với nhiều người và ghi nhận nhiều ý kiến tâm đắc làm sao để nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thật sự trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị và được người tiêu dùng chấp nhận. Qua tìm hiểu, hiện nay sản phẩm làm ra, không phải không có khách hàng nhưng do nhiều yếu tố, trong đó việc tìm đầu ra còn yếu nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, rất cần có sự chủ động phối kết hợp với ngành văn hóa, du lịch; sự liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề trong từng địa phương, trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên nhất là cần tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp ở các thành phố lớn chịu đảm nhiệm khâu giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Ðể cứu nghề truyền thống của đồng bào Tây Nguyên trước nguy cơ mai một, cần phải có chính sách từ các cấp chính quyền. Nên chăng xây dựng các làng nghề thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, xây dựng đội ngũ các nghệ nhân và các sản phẩm do họ làm ra là một sản phẩm du lịch, lấy việc phục vụ du khách là chủ yếu. Ngoài ra, theo những người làm công tác văn hóa, thì việc thường xuyên tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống ở từng địa phương hoặc khu vực cũng sẽ là cách giới thiệu có hiệu quả và ấn tượng nhất những giá trị, cũng như sự đa dạng của sản phẩm dệt thổ cẩm trong đời sống vốn rất phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.                                                                                                        Theo: Nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.515.902
Tổng truy cập: