LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Lay lắt nghề đóng tàu ở Kim Bồng
(Ngày đăng: 13/09/2013   Lượt xem: 634)

Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam là làng nghề truyền thống đã có hơn 600 năm. Trải qua nhiều thế kỷ phát triển với những thành tựu rực rỡ, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, sau một thời gian “vắng bóng”, nay đã hồi sinh cùng với việc vinh danh di sản phố cổ Hội An. Công việc chính của làng nghề Kim Bồng bây giờ là sản xuất, gia công các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch, nhưng ít ai biết rằng, một nghề truyền thống của các nghệ nhân Kim Bồng là đóng tàu, thuyền, đặc biệt là tàu cá đánh bắt xa bờ một thời đã rất nổi danh, nay đang lay lắt vì thiếu cơ chế hỗ trợ...

Ô  ng Nguyễn Dân - chủ một cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền ở làng mộc Kim Bồng cho biết, đóng tàu thuyền là nghề truyền thống từ khi hình thành làng mộc Kim Bồng. Sau một thời gian dài tưởng như mai một, được sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt sau khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, cùng với di sản phố cổ, làng mộc Kim Bồng đã dần phục hồi và phát triển, trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan, du lịch, tìm hiểu của du khách về phố cổ.

Thực ra, từ những năm 1997-1998, một dự án phát triển nghề đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã được xây dựng, triển khai ở Quảng Nam, trong đó có làng nghề mộc Kim Bồng. Tại làng nghề mộc Kim Bồng đã hình thành hơn 20 cơ sở đóng tàu thuyền, tàu cá đánh bắt xa bờ, ngư dân ở các tỉnh miền Trung đổ xô về Kim Bồng để đặt hàng. Có được thương hiệu nổi tiếng như vậy là nhờ sản phẩm tàu thuyền của Kim Bồng bền, chắc, đẹp của vỏ gỗ thân tàu. Kỹ thuật lắp đặt, gắn máy của những người thợ Kim Bồng cũng có những bí quyết riêng, tạo cho con tàu vận hành nhanh, êm, an toàn...

 Nghề đóng tàu thuyền ở Kim Bồng đang tồn tại lay lắt.

Hàng trăm con tàu đánh bắt xa bờ đã được thiết kế, đóng mới, lắp đặt ở Kim Bồng phục vụ cho ngư dân nhiều tỉnh từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Như cơ sở của ông Nguyễn Dân, trung bình mỗi năm nhận đóng mới 10 - 15 con tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Dự án phát triển, thời điểm đó, chính quyền Hội An đã dành riêng quỹ đất hơn 10ha quy hoạch cho hoạt động của các cơ sở đóng tàu thuyền.

Tuy nhiên, hơn 5 năm gần đây, các đơn đặt hàng của khách thưa dần, đặc biệt từ năm 2010 đến nay thì hầu như không còn đơn đặt hàng nào nữa, nhiều cơ sở đóng tàu thuyền ở Kim Bồng phải đóng cửa, thợ thầy phải bỏ đi nơi khác kiếm sống. Hiện chỉ còn khoảng 10 cơ sở, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng, lay lắt tồn tại. Như cơ sở của ông Dân, từ đầu năm 2013 đến nay chỉ nhận được vài đơn đặt hàng đóng thuyền nhỏ, 3 đơn đặt hàng sửa chữa tàu đánh bắt xa bờ.

Lý giải về tình trạng này, ông Dân và nhiều chủ cơ sở đóng tàu khác đều cho rằng, hiện nguồn gỗ làm vật liệu đóng tàu thuyền vô cùng khó khăn, đắt đỏ. Hơn nữa, mức thuế mà ngành Thuế quy định với nghề đóng tàu thuyền cũng quá cao, nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà mà người thợ ở Kim Bồng không thể nào giải quyết nổi.

Ông Dân giải thích, để đóng một con tàu 100CV, cần phải có nguồn vốn 700 triệu đồng. Số tiền này có thể khách hàng ứng trước, hoặc chủ xưởng đóng tàu phải vay, nhưng ngành Thuế yêu cầu phải có bản vẽ thiết kế con tàu, phải có chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền, trách nhiệm là kỹ sư, là DN có tính pháp nhân... Vậy là người thợ ở Kim Bồng “bó tay”, vì lâu nay họ hành nghề chỉ trên cơ sở là nghề truyền thống, cho dù tay nghề có cao đến mấy cũng không thể nào đáp ứng nổi thủ tục, hồ sơ mang tính “pháp lý” như vậy. Vậy là khách hàng phải đi đặt hàng nơi khác, còn người thợ Kim Bồng vẫn loay hoay tìm lối đi cho mình...

Ông Huỳnh Kim Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã triển khai nhiều DA đánh bắt xa bờ đối với ngư dân cả nước, trong đó có các địa phương duyên hải miền Trung. Việc đóng tàu mới cũng nằm trong DA, tuy nhiên hầu như các con tàu nằm trong DA đều có đầu mối riêng, có mối quan hệ riêng, từ khâu hồ sơ, thủ tục cho đến triển khai đóng tàu. Chính vì yêu cầu phải có tính “pháp nhân” khi hợp đồng đóng mỗi con tàu thợ ở Kim Bồng không thể tiếp cận bất cứ đơn đặt hàng nào. Nên chăng, Nhà nước và ngành chức năng phải sớm tạo một cơ chế cho làng nghề tồn tại và phát triển.

Mới đây, ngày 9-9-2013, tại Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ngư dân tham gia hoạt động khai thác trên vùng biển xa. Thiết nghĩ một làng nghề truyền thống, đã có thời gian dài tham gia đóng góp tích cực, hữu hiệu cho ngư dân các tỉnh miền Trung như Kim Bồng cũng cần phải được quan tâm, hỗ trợ từ những chương trình mà Nhà nước đã và đang triển khai, nhằm phục vụ cho làng nghề tiếp tục tồn tại, phát triển.

                                                                                                   Theo: Cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.516.141
Tổng truy cập: