LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng ghe bên bờ sông Hậu
(Ngày đăng: 25/08/2013   Lượt xem: 514)
Không biết từ bao giờ, mỗi năm khi những dòng phù sa mùa nước nổi đục ngầu từ phía thượng nguồn biên giới Campuchia đổ về là làng đóng ghe, xuồng ở rạch Bà Đài (Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp), một con rạch nhỏ ăn thông ra sông Hậu rộng lớn lại vô cùng nhộn nhịp với hàng chục ngàn chiếc ghe xuồng được đóng, xuất xưởng, men theo con nước tới khắp mọi miền. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui cũng còn không ít những bùi ngùi về một làng nghề truyền thống vào loại lâu đời nhất của miệt sông nước nơi đây, khiến những ai từng gắn bó cả đời với sự nghiệp "bào, đục” cũng không khỏi bồi hồi…
 
Ít khách đặt hàng hơn những năm trước
 
Ngóng mùa nước nổi
 
Chúng tôi tới thăm làng đóng ghe vào những ngày đầu tiên của mùa mưa, khi mà những con nước phía thượng nguồn sông Mê-kông đang bắt đầu đổ về vùng biên giới An Giang, Đồng Tháp. Thế nhưng, không khí nhộn nhịp ở làng đóng ghe này đã bắt đầu cả gần tháng nay rồi. Vừa buông chiếc máy cưa xuống, vừa lau vội những giọt mồ hôi đang nhỏ long tong, ông Đặng Văn Kính (tức Chín Kính) (61 tuổi), một người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề đóng ghe tâm sự: Hiện nay, mặc dù có nhiều loại ghe nhỏ bằng nhựa composit của Trung Quốc được bày bán nhưng người dân ở miền Tây phần nhiều vẫn chuộng ghe gỗ hơn. Ngoài việc ghe gỗ rẻ thì nó cũng dễ sử dụng và khó chìm khi gặp sự cố hơn ghe nhựa. Theo đó, mỗi chiếc ghe gỗ dài chừng 5m, ngang thân 1m sẽ có giá khoảng 1,8 đến 2 triệu đồng. Nếu có gắn thêm đầu máy đuôi tôm thì giá sẽ tăng hơn tùy theo công suất. Trung bình, mỗi người thợ chính có tay nghề lâu năm như bác Kính có thể đóng được 1 chiếc ghe trong một ngày. Tuy nhiên, nếu chỉ đóng không thì chiếc ghe chưa hoàn thành, bởi còn một khâu khá quan trọng là sơn phết nhựa keo để giúp ghe chống thấm nước. Nhựa dùng để sơn ở ghe là loại nhựa cây thông. Tuy nhiên, do ngày nay việc sử dụng nhựa thông rất khó nên nó được thay thế bằng một số loại sơn tổng hợp có chất lượng tương đương.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, với người dân miệt sông nước chiếc ghe chính là đầu cơ nghiệp, là phương tiện di chuyển kiêm kế sinh nhai của cả gia đình. Nó có thể được sử dụng để di chuyển, để chở lúa bắp, để đánh cá, giăng câu… Vì thế, để có được một chiếc ghe ưng ý, người dân thường đến tận các trại đóng để đặt hàng thì họ mới an tâm. Và, khi mùa nước nổi về, các phương tiện khác di chuyển khá khó khăn do nước tràn bờ ở nhiều nơi cũng là lúc người dân bắt đầu đi mua ghe, xuồng để làm phương tiện di chuyển, bên cạnh việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản khổng lồ do mùa nước nổi mang lại.
 
Một chiếc ghe bầu sắp hoàn thành
 
Một trong những người như thế là anh Bình, ngụ tại xã Long Hưng A (Lấp Vò, Đồng Tháp) - người đang chọn mua ghe ở cơ sở của chú Chín Kính. Trao đổi với chúng tôi, anh Bình cho biết: Do là người miệt sông nước lại làm nghề đánh bắt cá nên tôi thường xuyên phải đi mua ghe, xuồng. Với những loại ghe bầu cỡ nhỏ như ở đây thì tuổi đời của chúng thường chỉ 2 đến 3 mùa con nước là phải thay ghe mới. Trong tất cả các trại ghe xuồng vùng sông Hậu rộng lớn thì những trại đóng ghe quanh rạch Bà Đài này là uy tín nhất, do người dân nơi đây có kỹ thuật đóng ghe rất tốt. Ghe được đóng theo dạng 3 lá, 5 lá tùy theo kích thước và sự lựa chọn của khách hàng.
 
Theo bác Chín Kính, mỗi mùa nước nổi, trại ghe của bác phải xuất xưởng được khoảng 100 đến 150 chiếc ghe, chủ yếu là ghe bầu nhỏ dạng 5 đến 8m. Tuy nhiên, so với những năm trước hiện nay số lượng ghe tiêu thụ cũng có giảm đi nhiều, bởi mùa nước nổi ngày càng ít ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân như trước. Bác bảo, trước đây mùa nước về nhà nào cũng phải có 1 cái ghe để đi lại, thì nay nhiều vùng có hệ thống đê, đường tốt, người dân không phải đi bằng ghe xuồng nữa. Những hộ mưu sinh vào mùa nước như đánh cá, hái bông… cũng giảm khiến lượng ghe bán chậm hơn.
 
Ông Chín Kính miệt mài với công việc
 
Dần mai một
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng ghe ở rạch Bà Đài hiện nay thu hút khoảng hơn gần một ngàn lao động với khoảng 100 trại ghe lớn nhỏ, trải đều trên gần 2 cây số ven bờ rạch. Trong đó, nhiều gia đình có truyền thống đóng ghe tới 3, 4 đời theo kiểu cha truyền con nối, rất có uy tín vì họ có kỹ thuật đóng ghe tốt, đẹp. Một trong những người như thế là trại ghe của Vương Văn Á. Gặp gỡ chúng tôi, anh Á cho biết: Anh là con thứ 7 trong một gia đình có 8 người con. Tất cả 5 anh em trai trong gia đình đều nối nghiệp cha làm nghề đóng ghe, tự mở cơ sở sản xuất riêng. Nghe cha anh kể, nghề đóng ghe có từ thời chống Pháp, ông nội anh là một trong những chủ đóng ghe có  uy tín trong vùng. Cũng theo anh Á, ở khắp miệt sông nước miền Tây có rất nhiều nơi đóng ghe, xuồng nhưng không ở đâu có được kỹ thuật đóng ghe như ở vùng rạch Bà Đài này. Đó là kỹ thuật tạo khung xương, kỹ thuật đóng lườn ghe cân bằng tuyệt đối, kỹ thuật sơn và cả việc vẽ mắt cho ghe nữa. Mặc dù vậy, nếu so với khoảng mấy năm trước, lượng khách đến mua ghe vẫn giảm bởi nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hệ thống đường bộ ở miền Tây rất phát triển, người dân đi lại dễ dàng hơn.
 
Là một trong những chủ ghe lâu đời bậc nhất của xứ Lai Vung này, ông Bảy - một chủ đóng ghe ở rạch Bà Đài cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở bên rạch Bà Đài này nên hiểu, mặc dù có những thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề đóng ghe lại ảm đạm như hiện nay bởi khí hậu biến đổi thất thường, nước nổi về ít khiến những người mưu sinh theo con nước cũng giảm. Hơn nữa, tôm cá cũng cạn kiệt, có sắm ghe, xuồng cũng chả lợi ích gì. Vì thế, bên cạnh một số người tâm huyết, gắng gượng để giữ nghề thì cũng có nhiều người, nhất là người trẻ đã chuyển qua nghề khác. Họ bảo, đóng giường, tủ, bàn ghế, thậm chí là cả…quan tài còn dễ kiếm tiền hơn đóng ghe. Ngay như mấy đứa con tôi cũng vậy. Chúng vẫn theo nghiệp cưa, đục của mình nhưng không đóng ghe mà chuyển qua đóng tủ thờ vừa dễ bán mà lại có cả khách trên thành phố xuống mua nữa.
 
Đi dọc làng đóng ghe bên rạch Bà Đài, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng đục, tiếng cưa…xen lẫn mùi sơn mới hăng hăng ở trong các xưởng ghe vọng tới, nhưng trong lòng cũng không tránh khỏi một cảm giác bồi hồi. Cái gì cũng vậy thôi, khi mà những cái mới phát triển thì buộc những cái cũ phải bị xóa bỏ. Đó là điều hiển nhiên của cuộc sống nhưng cũng không tránh khỏi những tiếng thở dài, như chính tiếng thở dài của những thợ ghe xuồng ở đây vậy.
                                                                                               Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.488.640
Tổng truy cập: