LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nghề xưa và phố cổ Hà Nội
(Ngày đăng: 15/08/2013   Lượt xem: 543)
Vẻ hiện đại đang bao phủ lên những con phố mang tên “Hàng” của Hà Nội khiến nhiều người lãng quên đi xuất xứ thực của nó. Vậy nên, việc giới thiệu làng nghề truyền thống trên phố cổ là một dịp may để người Hà Nội và khách du lịch tìm về và lắng lại với những không gian xưa…

Dành suốt tháng 8 này để trưng bày vẻ đẹp của 3 nghề thủ công truyền thống (tiện, sơn mài, mây tre đan), Ban quản lý phố cổ Hà Nội muốn tôn vinh những sản phẩm thủ công được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có giá trị nhưng lại đang bị mai một đi trong đời sống hiện tại.

Tinh hoa hội tụ

Tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, các sản phẩm của làng tiện Nhị Khê được sắp xếp, trưng bày tạo thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân làng Nhị Khê, khởi đầu với những sản phẩm như đồ thờ cúng, ống hương, bát nhang, mâm bồng, đài nến, tiếp đó là các sản phẩm nội thất tiện dụng khác như mành, rèm, chấn song gỗ…

Với những người yêu thích nghệ thuật sơn mài, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây lại là một sự lựa chọn thú vị khác. Vào thời gian này, các sản phẩm trưng bày được làm theo phương pháp truyền thống và hiện đại với tính ứng dụng cao đối với cuộc sống hiện nay. Hơn nữa, nghệ thuật sắp đặt, bài trí trong ngôi nhà cổ của người Hà Nội cũng được giới thiệu chi tiết ở đây mang đến nhiều sự tò mò cho người xem.

Nằm ở vị trí trung tâm, Đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc được dành để giới thiệu làng nghề mây tre đan Phú Vinh. Cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu mây, tre, người thợ Phú Vinh thực hiện nhiều khâu chế biến như chẻ, phơi, sấy, hấp, luộc... để tạo ra sợi mây như ý muốn. Kỹ thuật chẻ mây khá công phu, các loại nan phải được chẻ đều tay đạt đến độ chuẩn nhất định để có thể làm ra nhiều sản phẩm hữu dụng và vô cùng đẹp mắt.

Có thể nói, qua hoạt động Giới thiệu làng nghề truyền thống 2013, người dân Hà Nội và du khách đã thấy được phần nào sự công phu, tinh tế của các sản phẩm, từ đó, thấy trân trọng hơn các giá trị của sản phẩm thủ công truyền thống. Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội thì chương trình không chỉ góp phần tái hiện hình ảnh phố cổ Hà Nội xưa, mà còn là hoạt động góp phần giữ chân khách du lịch lưu lại phố cổ và Hà Nội.

Nghệ nhân bây giờ

Từng tập trung nhiều nghề thủ công truyền thống, nhưng phố cổ Hà Nội giờ đây đã khác xa với vẻ xưa. Đến với cuộc trưng bày, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung muốn quảng bá một nghề truyền thống của Việt Nam không chịu khuất phục trước nguy cơ “biến mất” và luôn biết "làm mới” mình. Gắn bó với nghề hơn 40 năm, Ông Trung cho rằng, dù mây tre đã qua thời vàng son, nhưng nhiều nghệ nhân như ông vẫn tha thiết với nghề. Nếu như trước đây, sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ chủ yếu dùng làm đồ trang trí, lưu niệm, thì đến nay, người thợ làng Phú Vinh đã sáng tạo hàng loạt sản phẩm như đèn ngủ, đèn chùm, lọ hoa, bàn ghế, khay đựng hoa quả, khung tranh, khung ảnh... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, dù kỹ thuật làm nghề đã có nhiều thay đổi để bắt kịp với xu thế của thị trường nhưng kỹ thuật xử lý nguyên liệu của làng nghề Phú Vinh theo cách truyền thống vẫn được gìn giữ và đề cao.

Tham gia trình diễn giới thiệu nghề tiện, nghệ nhân Lê Chí Tuấn cũng cho biết, trước kia, đồ tiện gỗ chỉ có 2 chủng loại: đồ thờ cúng và đồ dân dụng như: tay vịn cầu thang, tủ, hạt xâu làm mành... Để duy trì sản xuất, ngày nay, người Nhị Khê đã chuyển từ sản xuất đồ gia dụng giản đơn sang đồ mỹ nghệ cao cấp hơn với nguyên liệu mới như sừng, ngà, xương, vỏ trai, đá. Trong lần trưng bày này, các nghệ nhân sơn mài đã tự tin mang đến những sản phẩm đẹp mắt và chất lượng nhất, nhưng họ vẫn đang từng ngày phải xoay xở trước nguy cơ “tồn vong” của làng nghề.

Với tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại, các phố nghề Hà Nội ngày càng it đi. Thực tế, nghề thủ công cũ hiện chỉ còn tồn tại ở một vài con phố như Lãn Ông, Hàng Mã, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Lò Rèn. Theo ông Trần Văn Vinh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ nhân Hà Nội thì cần nhiều hơn các hoạt động dành cho những nghệ nhân “hiếm hoi” này, giúp họ thấy yêu nghề và có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm của mình. Được biết, Ban quản lý phố cổ đang hợp tác với chuyên gia Pháp nghiên cứu, khôi phục nghề thủ công trong khu phố cổ. Nếu hợp tác này thành công sẽ tạo điều kiện để phố nghề liên kết với những làng nghề khác quanh khu vực Hà Nội cùng phát triển.

                                                                                     Theo: Thegioi&Vietnam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.515.903
Tổng truy cập: