Trước những tác động của quá trình đô thị hóa, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều buôn làng ít nhiều bị tác động, phai nhạt. Thế nhưng, tại Ê Đê, những năm qua, nhờ sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, cùng với sự trăn trở, miệt mài của nhiều nghệ nhân, già làng, trưởng bản mà nhiều buôn của người Ê Đê vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc của dân tộc mình.
Buôn Akô Thông ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột là một trong những buôn Ê Đê đẹp nhất tỉnh Đắk Lắk, cũng là buôn làng dân tộc thiểu số có sức hấp dẫn bậc nhất ở Tây Nguyên. Hơn 30 nếp nhà dài nằm yên bình dưới những vòm cây xanh mát.
Mặc dù đồng bào Ê Đê ở đây đã bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Nhưng điều đáng quý là vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn văn hóa truyền thống với nhà sàn, bến nước, cồng chiêng.
Đã có thời điểm người Ê Đê ở Akô Thông tính đến chuyện phá bỏ những ngôi nhà dài để xây nhà hiện đại; thậm chí là bán đi cả bộ chiêng. Nhưng khi đó, cố già làng Ama H’Rin, và cấp ủy chính quyền địa phương đã vận động bà con trong buôn chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự vào cuộc kịp thời ấy, đã tạo nên một Akô Thông “bản sắc” như bây giờ.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa của địa phương: "Thành ủy cũng đã có một nghị quyết chuyên đề và việc này cũng được cụ thể hóa bằng các nghị quyết hàng năm. Chúng tôi xây dựng kế hoạch trong việc bảo tồn, đặc biệt phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc tại chỗ, mà thành phố có 33 buôn đồng bào dân tộc người Ê Đê sống. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột".
Còn ở buôn Sứt M’đưng, xã Chư Suê, huyện Chư M’ga, tranh thủ thời gian nông nhàn, đội văn nghệ của buôn lại tập luyện các tiết mục, lúc thì đánh chiêng, khi thì thổi sáo và hát kể sử thi… Không chỉ biểu diễn cho bà con trong buôn, mà những tiết mục này còn được trình diễn cho khách du lịch, thậm chí cả những sân khấu giao lưu lớn.
Theo Phó chủ tịch xã Chư Suê - Phạm Thị Thu, đảng ủy, chính quyền xã đang cùng bà con bảo tồn văn hóa cồng chiêng, bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống là góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân: "Cuộc sống vật chất phải đi đôi với tinh thần văn hóa. Tức là vật chất rồi mà không có văn hóa rất là tiếc. Ở đây chúng tôi cứ phát huy tinh thần ngoài giờ lao động vất vất vả ra, chúng ta tập hợp lại, người lớn thì đánh chiêng, trẻ con đi học về thấy vui quá lên cứ thế thành lập các lớp đánh chiêng. Nói chung hỗ trợ từ nhà nước mới nhân rộng bảo tồn được".