VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(29)- Đông về phố xưa đầy gió
(Ngày đăng: 27/11/2023   Lượt xem: 83)

Đoạn đầu phố Hàng Thùng (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) bắt đầu từ đường Trần Quang Khải tới ngã tư giao cắt đường Nguyễn Hữu Huân như một họng gió từ sông Hồng thổi về. Ai nấy ngồi bên quán cà phê đều co ro trong cơn gió đông bắc đầu mùa.

Giai điệu bản tình ca của Hoàng Phúc Thắng man mác như những giọt cà phê buồn rơi: “Đi tìm em ta men theo thời gian/ Qua tháng năm và mùa đông đến/ Cho dù xa lòng ta vẫn nhớ/ Hà Nội ơi đêm mùa đông Hà Nội ơi”…

Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông

Tôi đoán chắc ít người biết giữa phố Hàng Thùng trước kia có một cửa ô giống như Ô Quan Chưởng ở phố Hàng Chiếu. Và nữa, phố Nguyễn Hữu Huân xưa còn là một bức tường thành bao quanh phía Đông kinh thành Thăng Long. Điểm ngã tư giao cắt giữa Nguyễn Hữu Huân và Hàng Thùng chính là vị trí cửa ô Đông Yên (Đông An). Đoạn đầu phố Hàng Thùng từ ngoài bờ sông (nay đã đường Trần Quang Khải) tiếp giáp với bến Hàng Tre (nay là phố Hàng Tre). Còn khúc thứ hai phố Hàng Thùng phía sau cửa ô kéo tới ngã tư Hàng Bè và Cầu Gỗ là hết.

Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã phá cửa ô Đông Yên và tường thành làm đường và nối thông hai đoạn phố Hàng Thùng (dài chừng 220m). Tuy nhiên phố hơi gãy khúc tại ngã tư giao cắt nơi cửa ô xưa với đường Nguyễn Hữu Huân. Do vậy khi gió thổi từ sông Hồng vào tới đây thành một vòng xoáy thổi tung những chùm lá vàng rơi trên phố. Một cây bàng mùa đông trút lá làm chúng tôi chợt nhớ tới âm nhạc Phú Quang với giai điệu ấm áp chậm rãi buồn tênh: “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/ Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông”.
4a-ngã tư hàng thùng và nguyễn hữu huân.jpg -0

Ngã tư Hàng Thùng và Nguyễn Hữu Huân.

Theo hình ảnh trên bức tranh hay ký họa của họa sĩ Công Quốc Hà và Trần Kim Oanh thì phố Hàng Thùng cổ đều có những nóc phố “mồ côi” như Phan Vũ đã miêu tả. Bởi từ thời Lê - Trịnh phố chợ này từ bến Hàng Tre đổ vào toàn nhà bán mái hẹp. Dân phía trong cửa ô (thuộc thôn Đông Yên) chuyên đan lát tre nứa và đóng ván gỗ làm thùng có chít sơn ta để bán cho khách. Đó là những chiếc thùng dùng để gánh nước hay đựng muối, hoặc dân kẻ chợ còn dùng để ướp tôm cá. Ngược lại dân phía ngoài cửa ô (thuộc thôn Sơ Trang) lại chuyện buôn bán đồ gỗ làm cửa nhà, bàn ghế tủ chè.

Đường phố Hàng Thùng ngày đó lô nhô những nóc nhà xô lệch đúng như những bức tranh Bùi Xuân Phái miêu tả. Đặc biệt khi gió bấc mưa phùn kéo về phố Hàng Thùng hun hút lạnh. Cái rét mang tấm áo mùa đông ấy luôn ngân nga tiếng chuông nhà thờ phía xa cùng câu hát gióng giả: “Ôi đêm mùa đông Hà Nội thức trong mơ/ Anh đi tìm em như tìm về hạnh phúc/ Ôi đêm mùa đông Hà Nội buông hơi thở/ Ơi đêm mùa đông Hà Nội thức trong mơ” (Hoàng Phúc Thắng).

Giờ đây phố Hàng Thùng chuyển mình qua năm tháng và trở thành trục giao thông cho xe cộ ra khỏi khu nội thành từ phía đông. Lòng đường phố Hàng Thùng chừng sáu mét nhưng không ít người bỏ tiền nhà xây lớn để kinh doanh lớn. Riêng ngôi nhà cổ số 13 Hàng Thùng còn sót lại được lưu trữ qua tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Vương Văn Thạo (lọt vào trong 10 tác phẩm được giải châu Á-Thái Bình Dương trong cuộc thi “APB Foundation Signature Art Prize-2008”.

Nay phố Hàng Thùng không còn dấu vết “nóc phố mồ côi” ngày nào. Phố đã lộng lẫy và trở nên sang trọng nhưng riêng ngọn gió sông Hồng không hề thay đổi. Gió mùa vẫn hun hút theo năm tháng. Cái còn cái mất chập chờn ẩn hiện. Nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng có lý khi bày tỏ: “Đi tìm em ta men theo thời gian/ Nghe tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ/ Đâu hàng cây quạnh hiu phố cũ/ Hà Nội ơi đêm mùa đông Hà Nội ơi” (Hà Nội đêm mùa dông).

Vẫn còn đó một ngôi nhà âm nhạc

Mặc cho mọi sự đổi thay, người dân quanh vùng không thể quên được một ngôi nhà đặc biệt lâu đời trên phố. Đó chính là gia đình của cố nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) ở số 14 Hàng Thùng. Khi còn làm việc ở Báo Hà Nội mới chúng tôi có dịp gặp ông tại đây. Nhạc sĩ tên thật là Lê Văn Ngọ. Trên căn hộ gác hai treo đầy tranh thư pháp Hán Nôm do chính nhạc sĩ thảo cùng những kỷ vật lâu đời của gia đình. Nhất là những bức tượng Phật cổ mà nhạc sĩ Hoàng Vân trân trọng gìn giữ như báu vật.

Nhạc sĩ kể, trước kia cả một góc phố từ số nhà 14 tới số 18 đều của gia đình ông. Bố ông là cụ Lê Vũ Bình (1870-1944) còn mua mấy ngôi nữa trên phố Nguyễn Hữu Huân và Hàng Tre. Thời xưa cụ Bình là thầy dạy chữ Hán ở Trường Sư phạm Đông Dương. Sau này gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng nhà nước gần hết những căn nhà đó. Ngôi nhà cổ đã không còn nguyên vẹn như xưa bởi gia đình nhạc sĩ chỉ còn ở căn gác hai tại 14 Hàng Thùng mà thôi. Nói tới đây nhạc sĩ mỉm cười tâm sự tiếp, cha ông đã để lại một gia sản thiền Phật và kho báu văn hóa cho con cháu. Chính vì thế nhạc sĩ Hoàng Vân còn là một nhà thư pháp có hạng ở Hà Nội.
9-hình ảnh phố hàng thùng thập niên 1920.jpg -1

 
Hình ảnh phố Hàng Thùng những năm 1920.

Nhạc sĩ Hoàng Vân nổi tiếng trong giới âm nhạc từ sớm với tài năng bẩm sinh. Do được cha đào tạo từ bé, ông là người học một biết mười do thông minh và giầu suy tưởng. Nhạc sĩ Hoàng Vân tham gia cách mạng từ khi mới 16 tuổi và rất say mê âm nhạc. Theo kháng chiến ít năm ông đã có những bài hát đầu tiên được phố biến sâu rộng. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Hoàng Vân bất ngờ nổi tiếng trong toàn quân với bài hát “Hò kéo pháo” (1954).

Câu chuyện về sự hy sinh lấy thân mình chèn pháo của anh hùng Tô Vĩnh Diện đã làm ông quá xúc động. Nhạc sĩ ấp ủ đề tài viết cho các chiến sĩ pháo binh ngày đó. Rồi một đêm mùa đông lạnh giá, nhạc sĩ đang ngủ dưới hầm cùng đồng đội, bỗng có tiếng gà gáy vang lên chói lói gọi bình minh. Một cảm giác nôn nao rạo rực trong trái tim nhạc sĩ và giai điệu được bật sáng với câu hát: “Gà rừng gáy trên nương rồi/ Dấn bước ta đi lên nào/ Kéo pháo ta sang qua đèo/ Quyết tâm bảo vệ pháo…”. Bài hát được hoàn chỉnh dần từ đó. Bài hát được trao giải nhất Liên hoan Văn nghệ toàn quân (11/1954).

Sau này nhạc sĩ Hoàng Vân được đi đào tạo âm nhạc tại Bắc Kinh và thực tập ở Bulgaria trở về ngày càng lộ rõ tài năng thật sự rực rỡ. Kho tàng âm nhạc của ông thật khổng lồ qua hơn nửa thế kỷ hoạt động. Nhạc sĩ Hoàng Vân có tới 700 tác phẩm ở các thể loại âm nhạc. Người yêu âm nhạc luôn nhớ tới ông qua những ca khúc như “Quảng Bình quê ta ơi”; “Tôi là người thợ lò”; “Người chiến sĩ ấy”; “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”… Rồi nữa đó là những tổ khúc giao hưởng: “Thành đồng Tổ quốc”; “Tuổi trẻ và tình yêu”; “Đại hợp xướng Điện Biên Phủ”… Cùng với đó nhạc sĩ còn viết hàng trăm tác phẩm nhạc khí cùng nhạc phim và truyền hình. Ông đã được mệnh danh là “Người viết sử bằng âm nhạc”. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Hà Nội đẹp sao những cửa đầu ô

Câu hát của bài ca “Người Hà Nội” thật nhiệm màu với một cửa ô Đông Yên xưa trên phố Hàng Thùng ngày nào. Ngôi nhà số 14 đã vắng bóng người nhạc sĩ tài hoa năm ấy nhưng âm nhạc của ông vẫn vang lên khắp phố phường. Bản giao hưởng “Hồi tưởng” do chính Nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy đã bừng sáng lên những ký ức lịch sử hào hùng của Thủ đô yêu dấu.

Và ngôi nhà số 14 vừa mới đây thôi đã có sự xuất hiện của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tới thăm gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân (4/5/2022). Nhân dịp này Đại tướng Tô Lâm đã trao tặng cho gia đình bức tranh nghệ thuật thêu bản nhạc “Bài ca gửi người chiến sĩ Công an đường sắt” do nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác (thập niên 60 thế kỷ trước). Sự kiện ghi dấu kỷ niệm sâu sắc với gia đình nhạc sĩ và cũng là phần thưởng tôn vinh sự đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Vân với lực lượng CAND. Giai điệu thơ thới bay bổng của Nguyễn Đình Thi đâu đó lại vang lên từ ngã tư đường phố: “Hà Nội vui sao. Những cửa đầu ô/ Tíu tít gánh gồng. Đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm” (Người Hà Nội).

                                             Theo:  cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.490.481
Tổng truy cập: