VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mã văn hóa trên tượng gỗ dân gian Tây Nguyên
(Ngày đăng: 04/04/2023   Lượt xem: 181)

“Tự thân khúc gỗ đã có sẵn linh hồn. Người tạc tượng chỉ việc chặt, phạt, vạt, đẽo, đục... bớt những chỗ thừa ở trên khúc gỗ”, các nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên vẫn truyền tai nhau bí quyết ấy.  Nó như một tuyên ngôn nghệ thuật về nghề.

Nhà sưu tập hiện vật văn hóa các dân tộc bản địa Tây
Nghệ nhân Tây Nguyên đang tạc tượng.

Tượng con cào cào.

 
Cụm tượng cây, biểu trưng cho căn tính cộng cư, cộng cảm của người bản địa Tây Nguyên.

Nguyên - ông Đặng Minh Tâm chia sẻ, tượng gỗ dân gian Tây Nguyên bên cạnh nhóm tượng chỉ có ở nhà mồ - không gian dành cho người chết, còn có cả nhóm tượng đặt ở không gian của người sống: nhà rông, chân cầu thang nhà sàn, cổng ra vào làng, hàng rào... Điều này cho thấy người bản địa Tây Nguyên từ lâu đã coi tượng gỗ là một loại hình nghệ thuật có chức năng trang trí, làm đẹp không gian nơi con người sinh sống, cộng thêm chức năng tâm linh và tâm thức - thay người sống thực hiện nghĩa cử với người chết. “Tượng điêu khắc trên cùng một thân cây nguyên khối cũng vậy, vừa có ở không gian nhà mồ, vừa có ở không gian người sống. Đó là một chuỗi tượng có cùng một chủ đề hoặc nhiều chủ đề khác nhau, mô tả một hoạt động sống, hoặc một khát vọng, một chu kỳ canh tác lúa cạn, hay mô tả vòng đời của một con người... Mỗi chủ đề, hoặc nhiều chủ đề sẽ được nghệ nhân chế tác trên cùng một thân cây nguyên khối, tượng này tiếp tượng nọ, tượng nọ nối tượng kia, tượng kia kéo theo tượng kia nữa” - ông Đặng Minh Tâm phân tích thêm.

Quy trình tạc loại tượng độc đáo này đã được ông Đặng Minh Tâm khảo tả lại như sau: Từ một thân gỗ tròn, nghệ nhân cầm xà gạc chém mạnh vào thân gỗ, loại bỏ những phần gỗ cần loại bỏ theo tính toán ở trong đầu, qua đó tạo nên các khối hình, rồi cầm dao vạt bớt những chỗ chưa ưng ý, tiếp tục dùng đục xoi các chi tiết thừa... Cứ thế, nghệ nhân tiếp tục bỏ bớt phần gỗ này, tạo hình khối gỗ kia, chỉ một lúc sau cụm tượng mô tả vòng đời của một con người đã hoàn tất: phía dưới cùng là tượng đôi trai gái yêu nhau, kế đến tượng người phụ nữ mang bầu, sau đó tượng người phụ nữ sinh con, rồi tượng người đàn ông đội con lên đầu, cao nhất là tượng người con trưởng thành. “Sự thú vị ở chỗ nghệ nhân tạo nên những tượng gỗ vô cùng độc đáo chỉ bằng các dụng cụ hết sức thô sơ như xà gạc, rìu, dao, đục...” - ông Đặng Minh Tâm hào hứng nói.

Tương tự, cụm tượng mô tả một chu kỳ canh tác lúa cạn cũng được nghệ nhân gói gọn trong một thân cây. Ở cụm tượng này, nghệ nhân tả thực cảnh phát cỏ, chuẩn bị rẫy cho mùa gieo trồng mới, kế đến cảnh chồng chọc lỗ và vợ tra hạt, rồi thì cảnh tuốt lúa, gùi lúa về kho lúa và phía trên cùng là cảnh dân làng mở hội ăn mừng lúa mới. Nghệ nhân tạc các bức tượng sống động tới mức như có sự sống ở trong ấy, cả không khí lễ hội cũng tưng bừng, náo nhiệt, rền vang những âm thanh của cồng chiêng, kèn bầu, những nhịp xoang nối dài bất tận. “Điều đặc biệt, mỗi nghệ nhân sẽ đảm trách tạc một chuỗi tượng trong cụm tượng về một chủ đề nào đó của đời sống. Chính vì thế, cụm tượng trên cùng một thân cây nguyên khối rất đa dạng về phong cách tượng, đồng thời nói lên căn tính cố kết cộng đồng của người bản địa Tây Nguyên rất cao” - ông Đặng Minh Tâm nhìn nhận.

Theo nhà sưu tập hiện vật văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên Đặng Minh Tâm, trong số những dân tộc tạc tượng ở Tây Nguyên, tượng của người Ba Na khá đơn giản. Tượng chỉ thể hiện những đường nét cơ bản nhất: mặt người được nghệ nhân dùng rìu vạt phẳng, tạo dáng sống mũi thì nhô cao hơn gương mặt một chút, mắt và miệng lại nhấn sâu vào phía trong thân gỗ, lỗ tai luôn có dạng hình chữ C in hoa. Tượng của người Gia Rai bắt đầu chuyển sang xu hướng tả thực hơn một chút so với tượng người Ba Na, khi trên mặt người đã có vết khấc ở trán và mắt để tạo điểm nhấn cho chân mày. Tượng của người Ê Đê có tính tả thực kỹ hơn tượng người Gia Rai. Trong khi đó, tượng của người Cơ Ho thì nghiêng hẳn về tả thực, với các chi tiết rõ nét dần: gò má nhô cao, trán cao... Ngoài ra, các chi tiết mắt, mũi, miệng, tay, chân... cũng thiên về tả thực.

 
Nghệ nhân Tây Nguyên đang tạc tượng.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, tượng gỗ dân gian Tây Nguyên ít quan tâm tả sâu, tả kỹ các chi tiết, chỉ chú trọng đến những phác vỡ mảng khối mang tính cách điệu rất cao, diễn tả sinh động mọi sắc thái, vẻ biểu cảm, trạng thái động của con người và động vật, thực vật. Quan trọng nhất, cái làm nên nét độc đáo của tượng gỗ dân gian Tây Nguyên chính là vẻ đẹp hồn nhiên hiện rõ trong mỗi vết đẽo, nhát chém ngon mắt. Thêm nữa, nghệ nhân đã biểu thị được ý nghĩa, cảm xúc ẩn trong mỗi bức tượng, giúp người xem cảm nhận được thông điệp mà bức tượng truyền tải.

                                       Theo: cadn.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
74.247.228
Tổng truy cập: