VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Nùng
(Ngày đăng: 07/04/2020   Lượt xem: 506)

Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống, gắn bó với nhau trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng, thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, phong tục... làm cho văn hóa Việt Nam thêm giàu bản sắc. Dân tộc Nùng là một trong số các dân tộc ít người của Việt Nam, phân bố chủ yếu ở dọc các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Có thể nói, đồng bào dân tộc Nùng có một kho tàng văn hóa giân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc.

Trang phục truyền thống của dân tộc Nùng. Ảnh internet

Người Nùng ở Việt Nam

Là dân tộc có sô dân đông thứ 7 ở Việt Nam, dân tộc Nùng hiện có hơn 1 triệu người sống phân tán ở 63 tỉnh thành, thành phố. Nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên…

Dân tộc Nùng do cứ trú ở nhiều địa bàn khác nhau, theo đó được phân theo nhiều loại như: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sinh, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng An, Nùng Dín.  Người Nùng có quan hệ gần gũi với người Tày và người Tráng sống dọc biên giới với Trung Quốc. Tại Trung Quốc, người Nùng cùng với người Tày được xếp chung vào dân tộc Tráng.Trước đây, hầu hết người Nùng đều mù chữ, chỉ có những người giàu có mới được đi học, nhưng là học chữ Hán hoặc tiếng Pháp, để làm thầy cúng, thông ngôn. Hiện nay, phần lớn người Nùng đều không biết viết chữ của dân tộc mình. Mọi người đều được học chữ quốc ngữ của người Việt. Dân tộc Nùng có truyền thống lịch sử phát triển lâu đời và hiện vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán văn hoá độc đáo, làm giàu thêm bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Trang phục truyền thống của người Nùng  khá đơn giản, các bộ trang phục thường làm bằng vải thô nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải và thường có bốn túi hoặc hai túi. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên sườn, được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực.

Trước đây người Nùng  lấy việc trồng lúa làm nguồn sống chính. Hình thức kinh tế tự nhiên hái lượm vẫn còn đậm nét trong cộng đồng dân tộc Nùng. Phụ nữ vào rừng, lên rẫy thường đeo bên mình cái giỏ nhỏ để thu hái các loại rau rừng, nấm, mộc nhĩ... góp phần làm phong phú cho bữa ăn hàng ngày. Hiện nay họ đã biết buôn bán và làm các sản phẩm thủ công để kiếm thêm thu nhập.

Nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc Nùng

Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Chợ ở vùng người Nùng rất phát triển. Người Nùng đi chợ phiên không chỉ để trao đổi mua bán các sản phẩm, mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu. Thanh niên, nhất là nhóm Nùng Phàn Shình thích đi chơi chợ, hát giao duyên.

Cộng đồng dân tộc Nùng có nhiều lễ hội, phong tục tập quán văn hoá độc đáo, trong đó lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau là hội ''Lùng tùng'' (còn có nghĩa là hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm. Dân tộc Nùng cũng coi trọng Tết Thanh Minh (Tết tảo mộ) còn gọi là Tết Hàn Thực được tổ chức vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch hàng năm. Đây là tập tục có từ lâu để để tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất. Bà Nông Thị Hòi, 60 tuổi, người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn cho biết: Đối với dân tộc Nùng thì tết Thanh Minh là một ngày rất quan trọng, ngày này con cháu gần xa đều sẽ về tụ họp cùng gia đình đến tận mộ của ông bà tổ tiên quét dọn, tháp hương cho các cụ.

Người Nùng không thể không nhắc đến các làn điệu dân ca: hát Then, hát Sli, hát Lượn.

Bà Then. Ảnh internet

Then là một hoạt động văn hóa tinh thần có ý nghĩa và rất gần gũi với đồng bào dân tộc Nùng trong đời sống. Không chỉ gắn kết giữa nội bộ tộc người trong dân tộc mà còn gắn kết với cả người Tày cùng sinh sống. Theo tập tục từ xa xưa, mỗi khi trong cuộc sống gặp hiện tượng lạ không thể lý giải được đồng bào dân tộc Nùng thường tổ chức lễ cầu cúng, cầu mong cho gia đình được bình yên, may mắn, khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi. Để thực hiện nghi lễ này, đồng bào đều tìm đến bà then để được nghe bà then đàn hát.

Theo truyền thuyết kể rằng, then được ra đời vào thế kỷ XVI ở Cao Bằng do ông Bế Văn Phùng và Nông Quỳnh Văn sang tác. Lúc bấy giờ dùng để chữa bệnh, và đã chữa được bệnh cho vua nhà Mạc nên đã được vua phổ biến rộng rãi. Người Tày, Nùng mê Then vì nhiều lẽ, nhưng hơn hết vì “chất thiêng” của Then, hơn nữa họ cho rằng Then rất phù hợp với phong tục tập quán, lối sống bình dị của vùng núi rừng. Hiện nay có thể nói then đã phát triển rộng rãi không chỉ ở vùng nông thôn mà còn có cả đô thị nơi có người Tày, Nùng cư trú.

Nhìn chung, có thể phân loại các hình thức cúng bái của người Tày, Nùng thành 2 nhóm chính: nhóm Then, Pụt và nhóm Tào, Phù Thủy. Các dân tộc Tày, Nùng vùng Đông Bắc nước ta gọi tất cả những người có khả năng xuất nhập hồn để giao tiếp với thần linh là Pụt; còn những người là nữ có khả năng sử dụng cây đàn tính làm nhạc cụ chủ yếu để đệm lời ca, khi hành nghề Pụt là Bà Then. Chữ Pụt thực chất là từ đọc trại từ chữ Phật mà ra, mang tinh thần cứu nhân độ thế của đạo Phật.

Bà Then theo quan niệm xưa được ví như bà tiên trên trời với cây đàn tính trên tay gẩy những khúc nhạc, cất lên những lời ca theo mây theo gió. Nhờ lời ca tiếng hát của mình, Bà Then đưa những nguyện ước đó đến với các đấng thần linh…để biến những lời cầu mong đó thành hiện thực. Theo thời gian, những nghi lễ hát then giống như buổi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, trấn an tinh thần cho dân chúng.

Ở khía cạnh tôn giáo đồng bào tin rằng: nghi lễ then và hát then có khả năng chữa bệnh, đem lại sự bình an, niềm vui, niềm lạc quan trong cuộc sống. Ở khía cạnh nghệ thuật, hát then gắn liền với hình ảnh cây đàn Tính trở thành bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc.

Bắc Ninh thì nổi tiếng với những làn điệu dân ca quan họ, người Nùng ngoài hát then thì không thể không nhắc đến những làn điệu Sli đi sâu vào lòng người. Sli trong tiếng Nùng nghĩa là “thơ”, là một làn điệu dân ca đặc sắc, gắn bó máu thịt và trở thành tài sản tinh thần quý giá, một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nùng chủ yếu là ở Lạng Sơn. Ngày 27/8/2019, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 2966/QĐ-BVHTTDL đưa “ Hát Sli dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Màn đối đáp hát Sli của các nghệ nhân tại chợ Bắc Lệ. Ảnh internet

Mỗi điệu hát đều có nét đặc sắc riêng thể hiện tâm tình thông qua tiếng hát mềm mại, luyến láy chuyên nghiệp của các nghệ nhân. Hát sli thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người qua những lời sli bóng bảy, ví von, có phần tinh nghịch, ẩn chứa rất nhiều hàm ý sâu xa. Trong các lễ hội, ngày chợ, hát sli có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là sợi dây vô hình gắn kết mọi người chưa quen biết lại với nhau. Điểm đặc biệt trong điệu hát sli chính là hát dao duyên giữa các cặp nam nữ, thông qua làn điệu dân ca nhẹ nhàng đầy tình cảm để nên vợ nên chồng.

Các bài hát chủ yếu là mượn hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình của con người, ví dụ như lời bài hát nói đến cây cỏ, trăng, sao... nhưng cuối cùng đều hướng về tình cảm, tiếng lòng và nguyện vọng của con người. Hai người hát có thể cất lời hát ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ chỗ nào mà không cần nhạc cụ nào. Tình yêu nam nữ là chủ đề số một của hát sli, hát lượn. Đây là chủ đề đặc sắc được thể hiện nhiều nhất trong lời bài hát. Trong các ngày chợ, ngày hội là thời gian thích hợp nhất các đôi trai gái hát đối đáp, bày tỏ tấm lòng của mình đối với nửa kia chính vì thế đã có rất nhiều cặp đôi nên duyên nhờ những lời đối đáp Sli. Bà Nông Thị Mảy ở Huyện Chi Lăng chia sẻ: Mỗi năm 2 lần các bà xuống hội chợ Bắc Lệ  để hát Sli vào rằm tháng riêng ( 15-1 âm lịch) và rằm tháng tám ( 15/8 âm lịch), mọi người dân tộc Nùng gần xa ở Lạng Sơn đều gặp nhau tại đây cùng đối đáp các làn điệu Sli.

Người Nùng có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng gắn bó cùng các dân tộc khác, dân tộc Nùng đã góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hóa các dân tộc của quê hương.
                                                             Theo: vanhien.vn

 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.502.215
Tổng truy cập: