VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Tò he: Đồ chơi dân gian độc đáo
(Ngày đăng: 12/10/2012   Lượt xem: 1236)

Chỉ với vài nắm bột xanh đỏ, chiếc lược nhỏ và nắm que tre, đôi bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ nặn Xuân La có thể tái hiện được cả một thế giới diệu kỳ đầy màu sắc. Cũng chính sự mộc mạc, dung dị nhưng không kém phần độc đáo ấy đã tạo nên sức sống bền bỉ của tò he và là kỷ niệm ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.

to2.jpg

Độc đáo tò he

Bước chân vào làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vào những ngày cuối năm, dường như những lo toan bộn bề của cuộc sống không thể khuấy động được nét cổ kính trầm mặc nơi đây. Những con ngõ nhỏ dài hun hút gió im ắng đến kỳ lạ nhưng thoảng trong gió mùi thơm của gạo nếp, cơm nếp nồng nàn ấm áp. Đón tôi bằng nụ cười đôn hậu chân chất, ông Nguyễn Văn Giát, một trong những nghệ nhân nặn tò he nổi tiếng của làng Xuân La cho biết: “Mọi người đang chuẩn bị làm bột cho ngày mai đi nặn cuối tuần đấy”. Nghề nặn tò he của Xuân La chúng tôi ngoài 3 tháng mùa xuân là vụ làm ăn chính mọi người tản đi nặn ở khắp các lễ hội, còn ngày thường thì nặn sẵn để cuối tuần mang đi bán ở các địa điểm vui chơi.

Vừa thoăn thoắt nhào bột, ông vừa giảng giải về lịch sử và nghệ thuật nặn tò he cho tôi nghe. Làm tò he có ở Xuân La từ bao giờ thì ngay cả các bậc lão niên trong làng cũng không ai rõ cả, chỉ có thể biết rằng nghề này đã xuất hiện ở Xuân La khoảng 300 năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nghề làm tò he vẫn được người dân Xuân La đời đời tiếp nối. Còn cái tên tò he nghe khá hài hước là do đọc chệch của tiếng tò te do lũ trẻ thổi còi làm bằng mạch nha ở tò he cổ mà thành.

Nghề nặn tò he được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn nặn chim cò, đây là giai đoạn đầu tiên của nghề nặn tò he. Ban đầu, người dân Xuân La chủ yếu nặn con chim, con cò và nặn bằng bột sống phủ lên vòng tre sau đó mang hấp chín rồi mới mang đi bán. Giai đoạn hiện nay, tò he được nặn bằng bột chín và không dùng vòng tre mà dùng bằng que tre do đó mọi tư thế của hình nặn phải quy vào thế đứng. Nặn tò he đòi hỏi kỹ thuật cao và độ tỉ mỉ hơn rất nhiều so với nặn chim cò và phải toát lên được thần thái riêng của mỗi loại hình nặn, ví dụ Tôn Ngộ Không phải tinh nghịch, chú gà trống phải rực rỡ, con rồng phải uốn lượn uy phong hay Quan Vân Trường phải vừa uy vừa dũng… có như vậy mới “ăn dỗ được con trẻ”, ông Giát hóm hỉnh nói.

Nguyên liệu dùng để nặn tò he cũng giản dị, chúng được làm từ những sản vật gắn liền với đồng quê. Đó là bột gạo nếp, mà phải là nếp Bắc trộn với bột gạo tẻ với tỷ lệ thích hợp. Bột gạo được trộn với nước sau đó vê thành nắm nhỏ mang hấp, đây là công đoạn khá phức tạp, trộn bột sao cho không được khô mà phải dẻo nhưng không được dính tay, bột hấp chín vừa phải để không bị nhão. Với những người có kinh nghiệm thì làm bột không chỉ quan tâm về chất lượng gạo, mức nước mà còn phải để ý tới thời tiết để cân bằng độ khô, ướt của bột. Một điều rất độc đáo nữa là toàn bộ màu của tò he được làm từ thực vật như: màu vàng được làm từ củ nghệ già, màu xanh từ lá trầu không, màu đen từ quả thần đen, màu đỏ từ quả gấc…vì vậy khi đã chơi chán, trẻ có thể ăn tò he một cách ngon lành.

Và rồi từ vài nắm bột đủ màu, chiếc lược nhỏ, nắm que tre người thợ nặn Xuân La có thể tái hiện lại cả một thế giới đầy màu sắc, đem lại niềm vui, tiếng cười cho bao trẻ nhỏ. Không chỉ có vậy, thông qua những hình nặn về các danh nhân, anh hùng của dân tộc cùng với những câu chuyện kể về lịch sử hào hùng của dân tộc, tò he còn mang trong mình những giá trị giáo dục rất sâu sắc. Không có công thức, khuôn mẫu hay tỷ lệ chung nào cho nghệ thuật nặn tò he, tất cả bắt đầu từ khả năng tư duy, trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo của người nặn, nếu 10 người cùng nặn một nhân vật thì cả 10 nhân vật mang những sắc thái khác nhau. Nghề nặn tò he cũng đòi hỏi ở người nặn tính kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là khả năng sáng tạo, có như thế tò he làm ra mới có hồn và đa dạng các sắc thái.

Bền bỉ sức sống

“Cái nghề này cũng nhiều thăng trầm lắm, cô ạ”, ông Giát tiếp lời, “tôi đã làm nghề hơn 60 năm nay và tính đến đời con trai tôi thì gia đình tôi cũng có đến 4 đời đi nặn tò he”. Ở Xuân La, những gia đình có 5-7 đời theo nghề không hiếm nhưng cũng có lúc do thu nhập từ nghề quá thấp không đáp ứng được nhu cầu sống nghề làm tò he của Xuân La đã có lúc tưởng chừng như bị mai một, người dân phải bỏ nghề tìm việc khác kiếm sống. Khó khăn là thế nhưng đối với người dân Xuân La nặn tò he không đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống mà đó là văn hóa, là niềm say mê. Có lẽ vì thế mà trải qua bao thăng trầm, vất vả nghề nặn tò he ở Xuân La vẫn bền bỉ sức sống, vẫn ngày ngày mang lại niềm vui, tiếng cười cho trẻ nhỏ.

Là đại diện cho thế hệ trẻ của làng theo nghề, anh Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Làng nghề tò he chia sẻ: Đối với người dân Xuân La nghề nặn tò he đã ngấm vào máu. Được làm nghề đối với mỗi người dân Xuân La cũng cần thiết như hít thở khí trời vậy. Giải đáp cho sự lo lắng của tôi về khả năng cạnh tranh của tò he với những loại đồ chơi hiện đại đang tràn ngập trên thị trường hiện nay anh Thành khẳng định, sức hút của tò he với trẻ nhỏ không thua kém bất cứ loại đồ chơi hiện đại nào khác bởi màu sắc phong phú, sự uyển chuyển và khả năng đáp ứng nhanh chóng với nhu cầu của trẻ. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại ngày nay con người thường tôn trọng và hướng đến những giá trị truyền thống, giá trị nhân văn do đó với một loại đồ chơi dân gian độc đáo như tò he tồn tại và phát triển là không khó.

Về định hướng phát triển lâu dài của làng nghề, anh Thành cũng cho biết, hiện nay câu lạc bộ của làng nghề đã có định hướng gắn phát triển nghề với phát triển du lịch. Trước mắt, câu lạc bộ sẽ nhanh chóng hoàn thành việc sưu tập những di vật cổ và xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm và lịch sử về nghề làm tò he. Sau khi xã Phượng Dực hoàn thành được chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện lúc đó câu lạc bộ sẽ xúc tiến chương trình phát triển du lịch làng nghề.

Hy vọng với rất nhiều sự cố gắng, nghề nặn tò he của Xuân La sẽ mãi bền bỉ sức sống niềm vui và tiếng cười./.

Theo VEN

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.501.524
Tổng truy cập: