VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Một thời tơ lụa Tân Châu
(Ngày đăng: 09/10/2012   Lượt xem: 711)

Tân Châu (An Giang) vang danh là xứ lụa. Thế nhưng nhiều năm qua về Tân Châu lại thấy vắng tiếng khung cửi dập dồn, thiếu tiếng chày đêm dập lụa, và đâu đó chẳng còn những bãi dâu xanh ngút một mầu. Ðọc lại bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu về đất Tân Châu, tôi có đôi chút tần ngần, và ao ước Ðề án bảo tồn và khôi phục nghề lãnh Mỹ A truyền thống Tân Châu sớm trở thành hiện thực...

1301408827.jpg

Nghệ nhân Út Sua (giữa) giới thiệu về sản phẩm lụa Tân Châu.

Hàng trăm năm trước, lụa Tân Châu đã ghi dấu ấn vào cuộc sống xứ này. Ðất Tân Châu một thời phong lưu tao nhã, hưng thịnh bậc nhất cùng nghề ươm tơ dệt lụa. Trong cuốn Tân Châu 1870-1964, xuất bản năm 1966 của tác giả Nguyễn Văn Kiềm có đoạn viết: "... Giá một bó dâu lúc đó bằng một tháng lương của một tiểu công chức. Nhiều ông chủ trồng dâu, dệt lụa phát giàu ngang xương, họ vung tiền tiêu xài rất phung phí...". Còn trong cuốn hồi ký Nửa tháng trong Miền Thất Sơn, hơn nửa thế kỷ về trước của Nguyễn Văn Hầu từng có đoạn "Sau khi xem qua các xưởng dệt, lò nhuộm và ngắm xem ngút mắt những ngàn dâu xanh, chúng tôi nghỉ đêm tại Tân An".

Vượt kênh Xáng, qua phà Tân An, theo tỉnh lộ 952, chúng tôi tìm lại dấu ấn đâu đó của những bãi dâu. Nhớ gần hai năm về trước, cũng một chuyến về Tân Châu, nhà báo, nhà biên kịch Võ Ðắc Dự tâm sự với tôi rằng: Hơn hai mươi năm về trước anh có về Tân Châu xem mấy ruộng dâu đẹp mê hồn, làng nghề ươm tơ dệt lụa lúc đó vẫn còn khá sung túc. Vậy mà bây giờ tìm một cây dâu, con tằm xứ này đỏ mắt. Dẫu kinh tế thị trường có phần lấn át, nhưng truyền thống sẽ sống và lãnh Mỹ A sẽ mãi trường tồn. Lân la hỏi thăm về cây dâu, con tằm... rồi thất vọng. Chục năm qua, những bãi dâu đã không. Giờ đây là những rẫy bắp, luống khoai xanh um mầu xanh của sức sống mới. Và cây dâu, con tằm như đã không còn giữ vai trò là nguồn sống, kế sinh nhai trong thời buổi kinh tế thị trường. May mắn thay, một chị bán nước gần UBND xã Vĩnh Hòa chỉ đường cho tôi đến với vườn mặc nưa (trái mặc nưa dùng để nhuộm mầu lãnh Mỹ A) duy nhất còn sót lại trong khuôn viên Di tích cách mạng đình Vĩnh Hòa. Thấy tôi lúi húi chụp ảnh, chị bảo: Mấy cây mặc nưa này còn lại nằm tại trong khuôn viên đình đó. Ở đây trước mặc nưa nhiều lắm, nhưng giờ đốn hết rồi. Phần do sạt lở liên miên, phần vì còn ai dệt lãnh nữa đâu mà để.

Tằm tang là nghề của nhiều nghề, có quan hệ cộng đồng chặt chẽ và tương tác lẫn nhau. Ðó là trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Hàng vạn con người vùng đất đầu nguồn từng sống gắn bó với nghề, làm nên thương hiệu lụa Tân Châu - lãnh Mỹ A nức tiếng. Bao thế hệ đã đổ mồ hôi và cố gắng sáng tạo để làm nên danh tiếng của làng nghề này. Giờ ai còn ai mất, và mấy ai còn đang nghĩ về sự sớm suy tàn này? Ðược sự hướng dẫn tận tình của anh Phương, tôi tìm gặp chú Út Ðặng (Nguyễn Văn Ðặng hay Nguyễn Văn Trạng, 73 tuổi, ngụ phường Long Châu), một trong các thợ dệt giỏi nhất trong vùng còn sống. Thấy khách lạ, lại hỏi về nghề mà chính bản thân mình đã muốn quên đi, chú bảo: Thôi, cháu quan tâm nữa làm gì, làng nghề còn đâu, nhắc lại thêm buồn! Mấy khung cửi dẹp bỏ, có cái chụm lửa luôn rồi. Lãnh Mỹ A giờ ai mặc, nghề lụa cũng thoái trào rồi. Ðôi mắt chú nhìn bâng quơ nhưng tôi biết, trong sâu thẳm trong suy tư của người thợ đã ngoài bảy mươi là cả nỗi niềm đau đáu. Trong ký ức của người thợ dệt nổi danh còn sót lại trên đất Tân Châu thì: Dạo ấy làm nghề hăng lắm. Hăng vì nhà ai cũng làm lụa, hãng nào cũng tranh thủ làm hàng ngày đêm để xuất đi Nam Vang (Cam-pu-chia), đất Xiêm (Thái-lan). Có ngày tui với đám học trò làm không ngủ, thay phiên nhau chợp mắt để đập lụa, nhuộm, bắt chỉ... Nghề dệt này cần sự tỉ mỉ và sức khỏe dẻo dai. Chệch một đường chỉ là hàng mất giá, lụa không thuần mầu là bán chẳng ra. Mười mấy công đoạn mà sót hay chệch một khâu coi như thước lụa bỏ sông bỏ biển. Vậy mà tự nhiên lụa chết dần, sau giải phóng còn dăm chục tiệm, giờ giải nghệ hết trơn. Thợ dệt giỏi cũng không còn. Nghe đâu chỗ anh Tám Lăng chỉ còn làm cho đỡ nhớ nghề. Vậy là nghề lụa coi như tiêu. Ðôi mắt tuy mờ vì thời gian, tay chân đã yếu do sức khỏe, thế nhưng khi kể về nghề lụa, chú Út Ðặng dường như khỏe hẳn vừa kể vừa bày tỏ nỗi say mê. Nghe tâm sự người thợ cả nghề lụa năm nào, bỗng tôi nhớ lại mấy đoạn ghi chép của thầy Hầu tiếc nuối: Tôi làm sao quên được sự niềm nở, tử tế của bà con trong vùng. Họ nghe chúng tôi đến xúm lại thăm chơi, trò chuyện đến khuya. Nhà nho có, thợ dệt có, thợ nhuộm có... Giữa hồi nghề ươm tơ thịnh vượng, ở đây ngày chí tối vang động tiếng chày nện lụa. Tiếng cót két của trục quay tơ cùng với tiếng lách cách của những con thoi như thi nhau qua những bàn tay nõn nà của các cô gái dệt.

"Trai nào thanh bằng trai sông Của - Gái nào thảo bằng gái Tân Châu - Tháng ngày dệt lụa trồng dâu - Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn". Người Tân Châu đã quen với những câu ca dao của một thời về xứ lụa. Bởi tự trăm năm trước, nghề trồng dâu, dệt lụa đã mang lại nguồn kế sinh nhai và tạo tiếng vang lừng lẫy khắp nơi. Hơn thế kỷ của một làng nghề đã ghi lại dấu ấn biết bao thăng trầm, biến cố. Nhìn lại lịch sử, khi chiếm được Nam Kỳ, một trong các nghề thủ công nghiệp mà thực dân Pháp quan tâm khai thác là nghề trồng dâu nuôi tằm. Pháp chọn Tân Châu làm trọng điểm để thực hiện kế hoạch phát triển nghề tằm tơ trên cả Nam Kỳ để cung cấp tơ tằm cho chính quốc. Viện Tằm tơ thành lập ở Tân Châu vào tháng 7-1908. Tân Châu là trung tâm sản xuất và buôn bán tằm tơ nổi tiếng ở Nam Kỳ và Cam-pu-chia lúc bấy giờ. Tân Châu ở trên vùng cù lao có đất đai, khí hậu thích hợp với việc trồng dâu nuôi tằm nên năng suất trồng dâu và chất lượng tơ nơi đây rất tốt. Thời hoàn kim của nghề tằm tang, cả quận ước chừng có 60 xưởng dệt, 120 lò ươm. Tỉnh Châu Ðốc lúc bấy giờ có diện tích trồng dâu từ 200 đến 300 mẫu, chiếm từ một nửa đến hơn nửa diện tích trồng dâu của toàn Nam Kỳ. Mỗi năm, Tân Châu tiêu thụ từ 4 đến 6 nghìn tấn tơ sợi. Ðầu thế kỷ 20, vùng đất Tân Châu nức tiếng với hai hãng tằm nổi tiếng. Một hãng thành lập năm 1909 tại ấp Long Hưng (xã Long Phú ngày ấy) gọi là khu Vịnh Ðồn (hay Trại Cưa) là hãng trên, cơ ngơi khá đồ sộ. Hãng chuyên sản xuất giống dâu tằm thượng hạng cho cả vùng. Hãng duy trì đến khoảng năm 1946 thì nghe đâu bị sạt lở rồi bỏ dở kinh doanh. Hãng dưới thì gây dựng năm 1912, đối diện trường École Cantonale de Tân Châu trên đường Nguyễn Huệ (năm 1945 đã bị phá hủy do chiến tranh). Hãng phát triển được sáu năm thì làm ăn thất bại, nhượng lại cho Sở Canh nông Nam Kỳ, đến năm 1963 thì đổi tên thành Sở tằm tang Tân Châu. Còn theo ông Út Ðặng, vùng Long Hưng có sáu miệng lò, ngày đêm cho ra lò hàng nghìn mét lụa như: lò Út Lượng (rể là ông Út Sua nay vẫn còn xưởng dệt), lò Chín Ðởm, Chín Bốn, Bảy Ngộ, Tám Sội, Hai Ðớt.

Tôi tìm đến cơ sở dệt lãnh Mỹ A duy nhất còn sót lại ở Tân Châu của ông Tám Lăng (Nguyễn Văn Long, 85 tuổi, ngụ ấp Long Hưng) - người cuối cùng của làng nghề. Ông kể: Thời trước năm 1975, tôi theo nghề buôn mặc nưa từ xứ Cao Miên về. Sau ngày giải phóng, thấy bà con nghỉ nhiều, mình thì lại thích nghề, liền cùng vợ mua khung cửi, máy dệt, quần tụ thêm mấy tay thợ duy trì nghề dệt đến ngày nay. Mấy năm trước, người con trai của ông, nghệ nhân Nguyễn Hữu Trí mày mò sáng chế mấy mẫu mầu mới cho lãnh, mang lại hơi thở thời đại cho lụa Tân Châu. Vậy rồi cũng chán, khi lụa Tân Châu không thể sánh được về giá cả, mẫu mã, mầu sắc của hàng nghìn chất liệu vải vóc hiện đại. Ấy nên cái tâm của ông Tám, cái nhiệt huyết của anh Trí và lịch sử làng nghề chẳng thể "vượt vũ môn của kinh tế thị trường". Còn nghệ nhân Út Sua thì bảo: Lâu lâu cũng có người đến đặt làm lụa, chủ yếu để làm quà tặng nhau. Mình cũng dệt nhưng thật lòng, dệt lụa chỉ như sự hoài cổ về một thời tơ lụa mà thôi.

Tôi quẩn quanh nhiều ngày ở Tân Châu, đọc đi đọc lại những tài liệu về xứ tằm tang rồi nhìn thực trạng quá khác xa với những gì trong quá khứ. Liệu rồi đây, nếp lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A có mãi mãi đi vào quá khứ như sự nhắc nhớ, khắc khoải về một hoài niệm của một thời? Và vì thế tôi những mong, Ðề án bảo tồn và khôi phục nghề lãnh Mỹ A truyền thống Tân Châu sớm trở thành hiện thực.

Theo báo nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.496.885
Tổng truy cập: