VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
(Ngày đăng: 09/10/2012   Lượt xem: 550)

Chùa Phụng Sơn.   
Dù chỉ hơn 300 năm hình thành và phát triển, nhưng vùng đất Sài Gòn - Gia Ðịnh, nay là TP Hồ Chí Minh cũng để lại nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong "cơn lốc" đô thị hóa diễn ra nhanh như hiện nay thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặt ra cho chính quyền thành phố nhiều vấn đề cần giải quyết.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, nơi giao thoa của nhiều luồng văn hóa trong khu vực. So với cả nước, TP Hồ Chí Minh là vùng đất hội tụ một nền văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc, các vùng miền trong cả nước. Theo PGS, TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại TP Hồ Chí Minh, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngành văn hóa thành phố cần phải thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức và tinh thần tự giác cộng đồng trách nhiệm; đồng thời tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm tu bổ, nâng cấp, bảo quản, phát triển các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên địa bàn thành phố hiện có 27 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật bị xuống cấp và xâm hại. Trong đó sự xuống cấp phải kể đến: đình Thông Tây Hội ở quận Gò Vấp, chùa Giác Viên (quận 11),...; đối với sự xâm hại như: chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở quận Gò Vấp, lò gốm Hưng Lợi (quận 8)... và nặng nề nhất là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Phụng Sơn Tự (Chùa Gò) ở quận 11. Tình trạng "tân trang" di tích, lấy cắp cổ vật trong di tích, làm mới di tích sai quy trình, quy định của pháp luật... vẫn còn diễn ra.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Vũ Kim Anh cho biết, hằng năm, các bảo tàng tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm được sưu tầm như: 11 con dấu thời Lê - Tây Sơn - Nguyễn (thế kỷ 15 -16) và các ấn chương thời kỳ phong kiến liên quan sự hình thành và phát triển của đất Sài Gòn - Gia Ðịnh (Bảo tàng thành phố); bộ sưu tập gốc 72 tác phẩm tranh phác thảo của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Bảo tàng Mỹ thuật); đặc biệt, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã sưu tầm được hơn 1.300 hiện vật gốc có giá trị cao về Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các đợt thi thuyết minh viên trong bảo tàng, di tích (toàn thành phố có 143 công trình, địa điểm được xếp hạng và 168 công trình đang lập hồ sơ đề nghị xếp hạng), thi vẽ tranh danh nhân, thi tìm hiểu về di tích lịch sử - văn hóa và xuất bản các ấn phẩm như Hành trình đến với di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh... để lồng ghép tuyên truyền, đi vào chiều sâu và được duy trì thường xuyên. Các cuộc triển lãm di động cũng thường xuyên được tổ chức để tuyên truyền các cổ vật, giá trị văn hóa đến mọi người dân.

Qua ba năm (2007 - 2009), với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngành đã tiến hành tổng điều tra văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn thành phố và bước đầu đưa ra những dự báo, đề xuất đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của thành phố như: Các phong tục, tập quán, lễ hội tiêu biểu có nguy cơ bị mai một; chế độ ưu đãi đối với các nghệ nhân; xây dựng hệ thống phát triển thông tin về địa lý (GIS) về di sản văn hóa phi vật thể của thành phố; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; bồi dưỡng kiến thức về quản lý văn hóa phi vật thể cho cán bộ quản lý... Ðặc biệt là công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục truyền thống của các dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố, điển hình là ba dân tộc Chăm, Khmer và Hoa. Trong hai lễ hội tiêu biểu là lễ hội Nghinh Ông ở huyện Cần Giờ và lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn,  thành phố đã và đang tiến hành lập hồ sơ lễ hội Nghinh Ông trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đưa vào phát triển du lịch thông qua tuần lễ văn hóa tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, thành phố cũng quan tâm, duy trì đối với các lễ hội đình; loại hình diễn xướng dân gian, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống cải lương (toàn thành phố có 97 câu lạc bộ đờn ca tài tử với tổng số hơn 1.000 thành viên, chiếm tỷ lệ cao nhất là độ tuổi từ 36 đến 50 tuổi). Hiện thành phố đang phối hợp Viện Âm nhạc Việt Nam và 23 tỉnh, thành phố khu vực phía nam tổng hợp, hoàn tất hồ sơ về loại hình nghệ thuật truyền thống "đờn ca tài tử" đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; lập hồ sơ công nhận và hỗ trợ cho mười nghệ nhân thuộc các lĩnh vực của thành phố như: Ðờn ca tài tử, nhạc lễ, đờn tranh, thư pháp và tranh thủy mặc, diều nghệ thuật, lân sư rồng, trưng chế mâm quả.

Thời gian qua, các bảo tàng trên địa bàn thành phố đã thu hút hơn 2,7 triệu lượt khách tham quan (trong đó khách nước ngoài chiếm 26%). Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh Vũ Kim Anh, ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh vẫn cần tập trung đầu tư, giải quyết triệt để các vụ việc xâm hại di tích; bằng nhiều hình thức hấp dẫn để tạo sự cuốn hút giới trẻ đến với môn lịch sử trong nước; đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý di sản văn hóa, nâng cấp, tu bổ xếp hạng di tích... Ðặc biệt, nếu ngành thực hiện thành công bốn vấn đề then chốt trong việc nâng cao chất lượng hoạt động như: Chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa hoạt động; đào tạo nhân lực chất lượng cao; kết nối cộng đồng và tạo được nhiều nguồn thu để tái đầu tư. Ðây sẽ là điều kiện "cần và đủ" để nâng cao chất lượng quản lý và phát huy những giá trị di sản văn hóa của thành phố.

                                                                                               Theo : Nhân Dân - Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.497.010
Tổng truy cập: