VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Duyên gốm Thanh Hà
(Ngày đăng: 08/10/2012   Lượt xem: 541)

Những gì còn lại ở làng gốm hơn 500 tuổi này là minh chứng sống động về một nghề thủ công đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ tại Hội An.

Làng gốm Thanh Hà nằm bên sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An 3 km về phía Tây (thuộc phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Gốm Thanh Hà - Hội An có nguồn gốc từ Thanh Hóa, được hình thành từ cuối Thế kỷ XV; tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng và đã phát triển rực rỡ vào Thế kỷ XVI, XVII cùng đô thị Hội An.

Gốm Thanh Hà từng là mặt hàng được mua bán trao đổi khắp các tỉnh miền Trung. Làng gốm Thanh Hà cùng với các làng nghề khác như làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế… tạo thành một hệ thống vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế thương mại của đô thị và cảng thị Hội An.

Gốm Thanh Hà nguyên gốc có đặc điểm là gốm mộc, không phủ men; đây là một nét riêng, nét duyên của gốm Thanh Hà. Các sản phẩm truyền thống của Thanh Hà đa phần là để phục vụ đời sống như chum, vại, nồi niêu, bình, lọ… và gạch ngói sử dụng trong xây dựng. Về sau, khi đô thị Hội An suy thoái, không còn là thương cảng chính của miền trung nữa thì làng gốm Thanh Hà cũng bị ảnh hưởng, nghề gốm cũng mai một dần.

Trong xu hướng phục hồi để bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch, gốm Thanh Hà hướng tới các sản phẩm mỹ nghệ - lưu niệm. Cùng với các sản phẩm cũ như nồi, niêu, chén, bát, bình, hũ… những người làm gốm ở Thanh Hà sản xuất các loại tượng mỹ nghệ, phù điêu, con giống, đồ trang trí…

Hiện nay ở Thanh Hà có khoảng 20 hộ làm gốm nhưng thực ra chỉ có 4 hộ sản xuất có tính quy mô kinh doanh, có lò nung lớn; các hộ còn lại chỉ có lò nung nhỏ, cho ra đời các đồ gốm mỹ nghệ lưu niệm rất nhỏ như các con giống đồ chơi.

Dẫu đã có nhiều đổi thay, nhưng những gì còn lại ở làng gốm hơn 500 tuổi này vẫn là minh chứng sống động về một nghề thủ công đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ ở Hội An. Vẫn còn đó những bàn tay điêu luyện, tài hoa của những nghệ nhân gốm, vẫn còn đó cách thức sản xuất của thời xa xưa, và vẫn còn mãi nét duyên - mộc mạc của gốm Thanh Hà...

Một góc làng gốm Thanh Hà

Miếu thờ Thành Hoàng làng gốm Thanh Hà.
Gốm Thanh Hà trên xứ Quảng, có nguồn gốc từ Thanh Hóa đã có trên 500 năm tuổi.

Phương thức sản xuất thủ công truyền thống 500 năm qua 
vẫn không thay đổi.

Và lò nung gốm cũng vẫn được đốt bằng củi như Thế kỷ 15.

Đất làm gốm Thanh Hà được lấy từ huyện Điện Bàn. Để nhào 1m3 đất sét làm gốm, một người đàn ông làm phải mất 2 ngày đêm. 

Những người làm gốm Thanh Hà hay kết hợp thành một cặp trong quá trình sản xuất. Một người ngồi chuốt gốm trên bàn xoay, người kia đứng, tay nhào đất và chân đạp bàn xoay.

Chuốt gốm - tạo dáng. Đây là nghệ thuật làm gốm, là tinh hoa và linh hồn của gốm Thanh Hà.

Những sản phẩm gốm sau khi chuốt xong được phơi khô trước khi đưa vào lò nung.
Sản phẩm chính của gốm Thanh Hà truyền thống là những đồ gia dụng như chén, bát, nồi, chum, vại, bình, lọ…

Anh Hoàng Thành Truyền (cơ sở gốm Lê Quốc Tuấn) đang tạo mẫu trên chất liệu thạch cao.

Một bộ khuôn thạch cao mẫu Chùa Cầu, sau khi dỡ khuôn được vệ sinh và phơi.

Phù điêu mới được dỡ khuôn.

Chùa Cầu, một trong những sản phẩm lưu niệm phổ biến ở làng gốm Thanh Hà

Chị Nguyễn Thị Hậu (Cơ sở gốm Ngụy Trung)
đang làm gốm theo phương thức điêu khắc.

Đèn gốm mỹ nghệ phục vụ cho các công trình nhà hàng, khách sạn, quán xá…

Một tác phẩm gốm mỹ nghệ làm theo lối điêu khắc.

Nhiều cửa hàng bán đồ gốm mỹ nghệ ở Thanh Hà có bày sẵn bàn xoay gốm để biểu diễn và để du khách “thử sức” với nghề gốm.

Hai bạn trẻ là sinh viên đi du lịch đang tự làm sản phẩm kỷ niệm..

Con sông Thu Bồn chảy qua Thanh Hà xưa kia tấp nập tàu thuyền, giờ đây tĩnh lặng.

Góc đường này bên làng gốm  sẽ có một công trình trong tương lai…

Đó là: Công viên văn hóa đất nung Thanh Hà, với nhiều hạng mục như: bảo tàng gốm, khu mô hình đất nung, nhà trưng bày, trại sáng tác… (ảnh chụp phối cảnh dự án).


Theo vov
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.489.844
Tổng truy cập: