VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Thoi thóp làng nghề Đan Giáp
(Ngày đăng: 27/09/2012   Lượt xem: 1591)

Vài năm trở lại đây, do thu nhập từ nghề thấp, các loại rá nhựa, rổ nhựa, i-nốc tràn lan trên thị trường nên việc duy trì làng nghề ngày càng khó khăn...

watermarked-dan tre 1.jpg

Ông Bùi Văn Giang ở đội 4, thôn Đan Giáp chỉ còn thu nhập 20 nghìn đồng/ngày từ nghề đan thúng

Với đôi tay thoăn thoắt, ông Bùi Văn Giang (63 tuổi) ở đội 14 thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) vừa pha thanh tre, chẻ nan để đan thúng vừa cho biết, gia đình ông đã theo nghề đan từ 6 - 7 đời nay, cha truyền con nối. Gia đình chủ yếu đan thúng, rổ, rá… bán tại các chợ trong và ngoài huyện. Những năm trước, nghề đan còn thịnh hành, cứ đến phiên chợ, người mua hàng tấp nập, cả gia đình ông cùng làm nghề. Một vài năm trở lại đây, người dân không còn sử dụng nhiều đến các loại thúng, rổ, rá mà quen dùng đồ bằng nhựa… nên việc tiêu thụ hàng cũng giảm mạnh. Con cái ông bà không còn theo nghề truyền thống của gia đình nữa mà đi xây, đi làm ở các công ty may trong và ngoài huyện. Ở nhà chỉ có 2 ông bà, ngoài làm nông nghiệp, lúc nhàn rỗi vẫn tranh thủ đan thúng mang ra chợ bán. Trung bình một ngày, ông bà đan được 2 đôi thúng, mỗi đôi trừ chi phí được lãi 20 nghìn đồng. Như vậy, thu nhập một người chỉ được khoảng 20 nghìn đồng/ngày. Ông Giang cho biết: "Tôi theo nghề này từ nhỏ, nhà lại có nhiều đời gắn bó với việc đan nát, bỏ đi thì không đành nên lúc nhàn rỗi cứ mua tre về làm. Nhưng việc tiêu thụ cứ ngày một giảm sút thì cũng không biết duy trì như thế nào?".

Cũng là một trong những gia đình có nghề đan tre lâu đời, gia đình ông Nguyễn Thành Xoan ở đội 13, thôn Đan Giáp lại bám trụ với nghề theo hướng khác. Những năm trước, gia đình ông cũng đan rổ, rá, thúng… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do hàng bán không chạy nên hơn chục năm nay, gia đình ông chuyển hẳn sang đan thúng cho thương lái ở Quảng Ninh dùng để vận chuyển than tại các lò. Gia đình ông thu mua các loại mê thúng của bà con trong thôn với giá 5.000 đồng/chiếc, sau đó thuê nhân công cạp, nức và bán lại cho các thương lái. Tuy nhiên, thời gian đầu còn khả quan, giải quyết việc làm thường xuyên có từ 7 - 8 lao động, nhưng gần đây, việc tiêu thụ cũng giảm dần. Chỉ có kênh tiêu thụ duy nhất là ở Quảng Ninh, nên khi họ không thu mua thì hàng hóa sẽ bị ngừng trệ. Ngoài ra, ngoài việc vận chuyển than bằng thúng tre còn xuất

hiện các loại làm bằng cao su nên ảnh hưởng đến việc xuất hàng. Những năm trước, trung bình 1 tháng, gia đình tiêu thụ được khoảng 9.000 chiếc nhưng năm nay chỉ còn khoảng 6.000 chiếc, thậm chí thấp hơn.  
 
Làng nghề đan tre ở Đan Giáp được hình thành từ khoảng thế kỷ XVII và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ tháng 9-2004. Ông Nguyễn Thanh Mùi, Trưởng thôn Đan Giáp cho biết: “Những năm 1999-2003, thôn tôi lúc nào cũng nhộn nhịp, lách cách cạp, nức… 100% số hộ làm nghề, thu hút tới 80% số lao động tham gia. Các cháu bé 5 - 6 tuổi cũng đã biết ngồi đan. Nhiều gia đình xây dựng nhà cao tầng cũng từ việc đan nát. Nhưng vài năm trở lại đây, do thu nhập từ nghề thấp, các loại rá nhựa, rổ nhựa, i-nốc tràn lan trên thị trường nên việc duy trì làng nghề ngày càng khó khăn”. 

Thôn Đan Giáp hiện có 522 hộ với trên 1.800 nhân khẩu, nhưng chỉ còn chưa đầy 200 hộ là vẫn theo nghề truyền thống. Làng nghề gặp nhiều khó khăn, từ việc thiếu nguyên liệu do xây dựng kiến thiết, chặt phá tre, đến tìm đầu ra cho sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường… Người trẻ không còn tha thiết học nghề, giữ nghề. Trong làng chỉ còn những người già cố giữ nghề truyền thống.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện và xã đều quan tâm tới việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, làng nghề Đan Giáp rất cần có chính sách duy trì, tìm hướng đi mới cho các sản phẩm để đứng vững và phát triển.

Theo báo hải dương

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.500.952
Tổng truy cập: