VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mùa Trung thu: Khắc khoải làng nghề truyền thống
(Ngày đăng: 27/09/2012   Lượt xem: 741)

Tết Trung thu đang đến rất gần. Trên mọi nẻo đường, ngõ phố Hà Nội tràn ngập sắc màu rực rỡ của những đồ chơi Trung thu vô cùng hấp dẫn. Nhưng đa phần trong số ấy là đồ chơi Trung Quốc. Sự quay lưng với đồ chơi truyền thống của các "thượng đế” đã khiến những làng nghề chuyên sản xuất đồ chơi dân gian ngày một ít dần. Những nghệ nhân cao tuổi, những người còn tâm huyết với nghề thì luôn đau đáu nỗi lo thất truyền.

2012_271_8_a6.jpg

Những ông tiến sỹ giấy do chính tay cô Nguyễn Thị Tuyến làm

 Đau đáu nghề truyền thống

 Khác hẳn với tưởng tượng, làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) xưa kia nổi tiếng với nghề làm ông tiến sĩ giấy, dù đã cận kề Tết Trung thu, nhưng cả làng vẫn yên ắng lạ thường.

Chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Tuyến - một gia đình chuyên sản xuất đồ chơi và nổi tiếng với món đồ chơi ông tiến sĩ giấy. Bên quán trà đá nho nhỏ, cô Tuyến vừa bán hàng vừa thoăn thoắt chuốt nan tre. Những chiếc nan trẻ mỏng manh, dẻo dai được đan với nhau, chỉ vài phút đã định hình được phần xương của con giống, đèn ông sao… Cô Tuyến cho biết: năm nay cô đã 52 tuổi, nhưng cũng có tới hơn 40 năm tuổi nghề. Giờ đây, nghề sản xuất đồ chơi truyền thống không còn đem lại nhiều giá trị kinh tế, nhưng đối với gia đình cô, nó lại là một niềm vui không thể thiếu. Cô bảo: làm nghề không phải để kinh doanh mà làm vì yêu, làm cho đỡ nhớ nghề, đồng thời muốn lưu giữ lại một nét văn hóa truyền thống, nghề của cha ông để lại.

Giọng bồi hồi nhưng xen lẫn trong đó vẫn có chút gì khắc khoải, cô Tuyến cho hay: cả làng Hậu Ái chỉ còn mỗi nhà cô làm ra những ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao, con giống… để phục vụ các em nhỏ đón Rằm Trung thu. Từ năm 10 tuổi, những đứa trẻ con nhà nghề như cô Tuyến đã biết làm những chiếc quần ông tiến sĩ, xâu tay chân, điểm màu trang trí cho món đồ chơi thật đẹp mắt. Làm mãi thành quen nên nghề đã trở thành một phần máu thịt. Cho dù đồ chơi truyền thống không còn cao giá nữa, nhưng cô vẫn cặm cụi, chăm chút cho từng sản phẩm.

2012_271_8_a7.jpg

Bác Vũ Văn Sinh đang hoàn tất chiếc đèn kéo quân của mình

Về ý nghĩa của món đồ chơi ông tiến sĩ giấy, cô Tuyến giảng giải một cách cặn kẽ: "Ông tiến sĩ giấy đủ bộ thì phải có 3 ông, một ông chính ngồi giữa có ghế và lọng, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy để bảo vệ ông ngồi giữa. Ông tiến sĩ giấy để bày mâm ngũ quả cho trẻ vào Rằm tháng 8, đúng vào dịp đầu năm học. Ông tiến sĩ tượng trưng cho việc giáo dục trẻ nhỏ chăm ngoan để cuối năm học nhận nhiều bằng khen và đỗ đạt”. Nói rồi, cô Tuyến chợt thở dài, giọng chùng hẳn xuống, đầy hoài niệm: "Ngày xưa, mỗi dịp Tết Trung thu về, cả làng náo nhiệt, nhộn nhịp lắm. Đơn đặt hàng nhiều không kể xiết, chỉ sợ không có sức để làm. Nay thì khác xưa nhiều lắm rồi. Ngay cả trẻ con trong làng cũng háo hức với những món đồ chơi hiện đại… Những món đồ chơi truyền thống làm ra rồi cứ lặng lẽ treo ở đó. Cô Tuyến luôn lo sợ trước sự áp đảo của đồ chơi nhập ngoại từ Trung Quốc, chỉ một vài năm nữa thôi, những làng sản xuất đồ chơi truyền thống sẽ chỉ còn trong dĩ vãng.

Tết Trung thu của nhiều năm trở lại đây, lũ trẻ không còn mấy thích thú với những món đồ chơi truyền thống nữa. Chúng thích siêu nhân, thích đèn lấp lánh nhiều màu của Trung Quốc, chúng thích đồ chơi bằng pin, bằng điện… một phần do chúng không hiểu ý nghĩa của những món đồ truyền thống. Và còn điều này nữa, có lẽ người lớn cũng ít có thời giờ để giảng giải cho con trẻ ý nghĩa của những món đồ chơi dân gian, gắn với làng nghề như Hậu Ái đã từ hơn nửa thế kỷ nay.

 Giữ lửa, truyền nghề

Giống như cô Tuyến ở làng Hậu Ái, bác Vũ Văn Sinh ở làng Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng được coi là một trong những người cuối cùng của làng còn say sưa với việc giữ nghề làm đèn kéo quân truyền thống.

 Những ngày giáp Tết Trung thu, bác mới bắt tay vào sản xuất những chiếc đèn được đặt sẵn. Theo lời bác Sinh, Trung thu năm nay các quán cà phê đặt hàng bác khoảng gần 100 chiếc đèn kéo quân lớn, những chiếc đèn kéo quân nhỏ dành cho trẻ con không được chuộng nhiều. Đèn kéo quân cũng kén người chơi. Những người chơi đèn kéo quân đa số là những người yêu nghệ thuật, và những quán đặt làm đèn cỡ lớn để trang hoàng cho không gian của quán.

2012_271_8_a8.jpg

 Đám trẻ vẫn thích thú với những món đồ chơi dân gian

Khi nghề làm đèn kéo quân truyền thống không đủ để nuôi sống gia đình, thì điều tất yếu người làm nghề có yêu nghề đến mấy cũng phải bỏ. Đau đáu với những đồ chơi truyền thống dần bị mai một, cứ mỗi độ vào mùa, bác Sinh lại tập hợp con cháu, thanh niên trong làng đến nhà, dạy cách làm đèn. Bác Sinh tâm sự: "Cứ đến mùa Trung thu tôi lại tổ chức những lớp học, và đầu tư cho các cháu trong làng sản xuất ra những chiếc đèn Trung thu. Nhiều đứa trẻ thích tham gia lớp học của tôi lắm. Vì thế mà ở làng này, thanh niên nào cũng biết cách làm đèn kéo quân”.

Nhìn những đứa trẻ đang mải mê gấp, cắt những chiếc quạt gió bằng giấy, tôi hiểu rằng nghệ thuật truyền thống và những giá trị của nó luôn tồn tại trong tâm hồn mỗi con người Việt. Những đồ chơi truyền thống và giá trị nhân văn ẩn chứa trong đó vẫn thu hút được lũ trẻ, thú chơi truyền thống bị mai một đi, một là do các bậc cha mẹ quá bận rộn mà lãng quên giá trị giáo dục của những món đồ truyền thống. Hay chí ít những suy nghĩ chọn mua gì của người lớn cũng phủ lấp đi tâm tư của các bé. Hoặc họ quên mất rằng việc chọn đồ chơi gì và chơi cùng trẻ thế nào cũng sẽ có những tác động rất lớn đến tâm hồn con trẻ

Theo đại đoàn kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.501.188
Tổng truy cập: