VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Xem 'con đĩ' quẩy rộn sân đình
(Ngày đăng: 20/03/2019   Lượt xem: 310)
Lả lơi, õng ẹo, thướt tha, lụa là theo từng động tác liếc mắt đưa tình dễ khiến người đối diện… tan chảy, những chàng trai Hào Nam hóa thân thành “gái đĩ” trong vũ điệu dân gian “Con đĩ đánh bồng” khiến mỗi mùa hội đình lại hơn một lần hoan hỉ.

Hào Nam là ngôi đình thuộc phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nơi tôn thờ Linh Lang Đại Vương – một trong bốn vị thần bảo hộ, trấn giữ cho kinh thành (Thăng Long Tứ Trấn). Đình Hào Nam nay trên đường Vũ Thạnh, thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Hội đình hàng năm thường diễn ra vào dịp trung tuần tháng 2 (Âm lịch) để người làng Hào Nam tưởng nhớ công ơn vị phúc thần Linh Lang xưa đã có công dẹp giặc ngoại xâm, bảo hộ cho đời sống dân lành. 

Các bô lão Hào Nam trong nghi thức chui qua kiệu thánh để cầu mong linh thần phù hộ. Ảnh: Thiên An.

Người dân xếp hàng bày tỏ lòng tôn kính trước kiệu thánh Linh Lang trong lễ hội đình. Ảnh: Thiên An.

Theo thần phả đình Hào Nam do Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn, xưa kia khi vua Lý Thánh Tông ngự chơi ngoài kinh thành đã gặp người nữ là Hào Hương, dung nghi đẹp đẽ, công dung ngôn hạnh, khuê các đông đài, người Đan Phượng, Hà Tây. Vua lập làm cung phi thứ chín. Năm 1055, cung phi hạ sinh một con trai khôi ngô tuấn tú, trên lưng có 28 nốt hồng  như vẩy lân, trước ngực có 7 điểm như hạt châu.

Đội múa đình Hào Nam trước ban thờ chính của đình. Ảnh: Thiên An.

Sinh được 7 ngày, vua đặt tên là Hoằng Chân. Đến năm 1077, trong một trận chiến với quân nhà Tống, hoàng tử Hoằng Chân đã anh dũng hy sinh. Vua Lý Nhân Tông vô cùng thương xót, ban cho mỹ tự Linh Lang Đại Vương thượng đẳng tối linh thần, truyền cho 269 làng trại xây dựng miếu thờ, làm thành hoàng làng. Đình Hào Nam hiện là một trong số các địa danh còn lưu truyền tục thờ Linh Lang Đại Vương, với câu liễn ca ngợi uy danh công đức còn lưu rằng:

“Sinh vi tướng, hóa vi thần, uy trấn nam bang đệ nhất

Công tại triều, danh tại sử, lưu truyền bắc hải vô song”. 

Nghi thức đưa bát nhang (hương) thờ Linh Lang Đại Vương từ kiệu về lại ban thờ chính ở đình Hào Nam. Ảnh: Thiên An.

Màn trình diễn của các cụ cao niên, gợi về chiến công hiển hách của Linh Lang Đại Vương khi xưa. Ảnh: Thiên An.

Lễ hội hàng năm luôn diễn ra long trọng, vui tươi với đội rước kiệu, bát bửu, đội múa sênh tiền, múa lân sư rồng, nhưng nét văn hóa đặc sắc và hấp dẫn nhiều người hơn cả chính là hình ảnh “con đĩ” lẳng lơ chốn sân đình.

Đội múa sênh tiền trong hội đình Hào Nam. Ảnh: Thiên An.

Múa lân mừng hội đình Hào Nam. Ảnh: Thiên An.

Vũ điệu dân gian “Con đĩ đánh bồng”, tương truyền xưa làng trại nào đất kinh thành Thăng Long cũng lưu giữ, dần dà bóng dáng “đĩ” mai một, chỉ còn lại làng cổ Triều Khúc – nổi tiếng về nghề dệt vải làm quai nón quai thao, với “Ai làm ra nón quai thao, để cho anh thấy cô nào cũng xinh” - còn lưu truyền.

Các “con đĩ” – trai giả gái, đọ nhan sắc với gái xịn ở hội đình Hào Nam. Ảnh: Thiên An.

Các cụ kể lại, Hào Nam xưa cũng từng có đội “đĩ” múa rất dẻo, nhưng rồi thất truyền, phần vì “đĩ” nghe có gì đó hơi bất nhã, nhất lại là dịp lễ hội nơi thâm nghiêm miếu đình, thêm chuyện vũ công phải trong trang phục giả gái, õng ẹo, lườm nguýt, khiến trai làng chẳng ai mặn mà nhập cuộc.

Đúng 10 năm trước, nhờ các nhà nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam – hội sở tại đình Hào Nam, cùng các cụ cao niên ở đình làng kế cận như Thủ Lệ… những lả lướt buông lơi của “Con đĩ đánh bồng” đã được khôi phục tại mỗi dịp lễ hội đình Hào Nam.

 

Hình ảnh thướt tha với “đĩ rời – đĩ rụng” trong vũ điệu dân gian “Con đĩ đánh bồng” trong hội đình Hào Nam. Ảnh: Thiên An.

 

Xem “đĩ” múa nơi sân đình Hào Nam, người xem thích thú đến ngẩn ngơ khi “Con đĩ đánh bồng”. Một điệu múa mang đậm tính giải trí, nhưng diễn ra chốn tâm linh, thế nên các cử chỉ, điệu bộ vừa vui tươi, nhưng cũng phải chừng mực, khéo léo, nhìn vào điệu múa khiến người xem hoan hỉ, vui theo từng động tác và chi tiết rất nhỏ khi “đĩ đánh bồng”. Nhưng để đạt cái thần sắc ấy, là cả công phu khổ luyện cộng theo niềm đam mê của những “con đĩ” mới thành.

Đường nét của vũ đạo, cùng những cử chỉ điệu bộ từ các chàng trai giả gái, tạo nên nét duyên khi “đĩ đánh bồng”. Ảnh: Thiên An.

Những lứa “đĩ” đầu tiên với Lâm, Tú, Mạnh qua sự tuyển chọn đầy công phu từ đội hình trai tráng Hào Nam cùng nghệ sĩ Trọng Hạp đã góp công phục hồi vũ điệu dân gian đặc sắc này. Tính đến nay đã tròn chục năm, và trong mỗi mùa hội đình Hào Nam giờ đây, bóng dáng các chàng trai trong “đĩ đánh bồng” đã là nét đẹp văn hóa không thể thiếu.

                                                                                                      Theo: thegioitiepthi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.501.946
Tổng truy cập: