VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Phục chế tranh quý: Vẫn trông chờ vào chuyên gia nước ngoài
(Ngày đăng: 17/09/2012   Lượt xem: 499)

Sau gần 8 năm, tác phẩm "Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn được một nhà phục chế người Úc thực hiện và "Tan ca, mời chị em ra họp thi thợ giỏi” của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung được phục chế tại Đức, mới đây, 3 tác phẩm tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được các chuyên gia Nhật Bản phục chế thành công. Điều này vừa đáng mừng nhưng cũng thật đáng lo ngại, bởi theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, lâu nay công việc phục chế tranh ở Việt Nam đang trông chờ chủ yếu vào các chuyên gia nước ngoài.



Tác phẩm "Em Thúy” được chuyên gia người Úc phục chế năm 2004

Nhiều tranh quý bị hư hại

Những bức "Em Thúy” , "Tan ca, mời chị em ra họp thi thợ giỏi” và mới đây nhất 3 bức tranh lụa: "Hun Thuyền,” "Đốn củi,” "Cô gái cưỡi bò qua sông” (của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh) chỉ là 5 trong hàng trăm tác phẩm nổi tiếng của các danh họa Việt Nam bị thời gian tàn phá, nhưng đã may mắn được phục chế thành công. Tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, cho đến giờ trên hệ thống trưng bày người ta vẫn đặt các tác phẩm nghệ thuật có chất liệu và nhu cầu bảo quản khác nhau cùng trong một phòng. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, ở nước ngoài, để nâng cao "tuổi thọ” các tác phẩm mỹ thuật ngoài việc lên một lý lịch tỉ mỉ cho từng bức tranh, người ta bao giờ cũng rất cẩn trọng khi đo nhiệt độ, ánh sáng, thống kê lượng khách đến phòng trưng bày... nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu những tác động xấu lên tác phẩm.

Theo công bố của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong tổng số hàng ngàn tranh đang lưu giữ tại bảo tàng có 54 bức tranh quý trong tình trạng bị hư hại, gồm 19 bức sơn dầu, 28 lụa và giấy, 7 sơn mài. Những bức này mặt bị bong rộp, màu tróc do tác dụng kết dính giữa toan và sơn không ăn hoặc bị hỏng mặt giấy. Đặc biệt, sự xuống cấp của dòng tranh lụa. Ông Phan Văn Tiến, Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận: "Chất liệu lụa không bền vững như sơn dầu và một số chất liệu khác. Đặc biệt với khí hậu ẩm ướt như Việt Nam, chất liệu lụa có sự chịu đựng không tốt, sự xâm hại của khí hậu tác động cộng với kỹ thuật bảo quản chưa tốt dẫn tới sự xuống cấp của dòng tranh lụa là rất lớn”.

Như vậy, có thể nói rằng theo thời gian tình trạng của các bức tranh đang ngày càng xấu đi, cho dù nó đã được bảo quản tại một nơi rất chuyên nghiệp là Bảo tàng mỹ thuật. Nhưng, đáng tiếc là việc phục chế vẫn chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, do các tổ chức tư nhân tài trợ hay một cá nhân nào đó đặc biệt có cảm tình với tác giả, sau đó đề xuất bỏ "tiền túi” ra phục chế. Mà 3 bức của danh họa Nguyễn Phan Chánh vừa được ông Nakamura Tsutomu người Nhật Bản tài trợ phục chế là một ví dụ điển hình.

Phục chế tốt phải đi kèm với bảo quản tốt

Trong khi phần lớn người Việt thờ ơ với dòng tranh trước năm 1975, thì lại có những người nước ngoài ý thức được việc gìn giữ kho báu này một cách sâu sắc. Như ông Nakamura Tsutomu, Chủ tịch dự án khôi phục tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông nói: "Từ năm 1997, tôi đã đến Việt Nam để tìm hiểu Mỹ thuật Việt Nam. Tôi thấy ngạc nhiên, rung động vì các bạn có rất nhiều bức tranh đẹp và giá trị. Đồng thời tôi nhận thấy trong đó nhiều bức bị hư hại. Điều mà tôi nhận thấy là dòng tranh lụa bị hỏng, bị nát nhiều nhất. Tôi rất lo lắng làm sao gìn giữ được những tác phẩm đó. Với khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng giúp cho dự án để làm sao Việt Nam bảo tồn được những bức tranh quý đó. Những bức tranh được phục chế là do bàn tay của bà Iwai Kikuko - một nhà phục chế nổi tiếng thực hiện, đó là điều đáng quý. Nhưng đáng lo ngại, phục chế tốt đến đâu đi chăng nữa, việc bảo quản không tốt cũng trở thành vô nghĩa”.

Cùng với câu chuyện này, một cơ hội cho việc phục chế và bảo tồn tranh Việt Nam là vừa qua đã có cuộc gặp gỡ giữa đoàn chuyên gia Nhật phục chế tranh Nguyễn Phan Chánh và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn và đại diện gia đình danh họa Nguyễn Phan Chánh - nhà văn Nguyệt Tú, con gái danh họa. Sau khi giúp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phục chế 3 bức tranh lụa này, bà Iwai Kikuko sẽ tiếp tục giúp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phục chế tất cả các bức tranh lụa bị hư tổn qua thời gian mà hiện bảo tàng đang lưu giữ.

Theo: Đại Đoàn Kết   - Tuấn Kiệt
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.503.115
Tổng truy cập: