VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nét độc đáo trong nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của người M’nông
(Ngày đăng: 17/09/2012   Lượt xem: 956)

Cũng như các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, người M’nông có vốn văn hóa phong phú và đa dạng. Đó là các nét văn hóa giao tiếp, mẫu hệ, nhà dài trệt, rượu cần, sử thi (Ot Ndrông), truyện cổ, ẩm thực, cồng chiêng, lễ hội… Trong đó, cồng chiêng là loại hình văn hóa truyền thống độc đáo trong bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc M’nông

jsksfg.jpg 

Cồng chiêng có một vị trí rất đặc biệt trong đời sống cộng đồng của người M’nông. Cồng chiêng không những được sử dụng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, đón khách quý mà còn được sử dụng trong tín ngưỡng dân gian. Khi có trẻ mới sinh (làm lễ), cúng rẫy, làm lễ trưởng thành người M’nông đều mang cồng chiêng ra diễn tấu. Tuy nhiên, cách diễn tấu cồng chiêng của người M’nông khác với các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Nếu như người Ê đê, người Jarai, người Bana và các dân tộc khác ở Tây Nguyên chỉ có nam giới được sử dụng cồng chiêng thì người M’nông lại khác. Nét độc đáo của nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng trước hết được thể hiện ở người sử dụng chiêng. Mỗi một người dân M’nông đều có thể sử dụng cồng chiêng, không phân biệt già trẻ, gái trai, giới tính. Đặc biệt, người phụ nữ M’nông cũng có thể tham gia đánh chiêng miễn sao họ thuộc các bản chiêng và trình diễn hay. Khi diễn tấu cồng chiêng, các nghệ nhân người M’nông thường mắc dây đeo chiếc chiêng vào vai trái, đứng ở tư thế khom lưng mặt thường cúi xuống lòng chiêng. Tùy từng bản chiêng khác nhau mà người nghệ nhân thể hiện, gửi gắm tình cảm vào đó. Mỗi bản nhạc chiêng được diễn tấu thể hiện sắc thái tình cảm rõ rệt. Khi diễn tấu các bài chiêng như nao ting (nhịp chiêng vui) hoặc thơt rưn (vui được mùa), ntô kliêng (tiếng sáo diều)… thì người nghệ nhân thể hiện thái độ niềm nở, vui tươi. Khi biểu diễn các bản chiêng như chiêng ngăn (chiêng nghi lễ), nau tir (khóc người qua đời), pep con jun (con nai kêu), ntau nah bu noong (dệt thổ cẩm)… được các nghệ nhân thể hiện một trạng thái tình cảm trầm tư, sâu lắng. Một nét độc đáo nữa của nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng người M’nông là dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để đánh chiêng. Người M’nông không dùng dùi để đánh chiêng như các dân tộc khác để tạo nên tiếng vang của chiêng. Trái lại, họ dùng tay để đánh chiêng. Đây là một hiện tượng hợp logíc với việc họ đeo chiêng ở vai trái như đã nói ở trên. Rõ ràng, khi biểu diễn cồng chiêng muốn thể hiện tâm tư tình cảm của mình, người M’nông đã dùng tay đánh chiêng. Họ đánh chiêng bằng nắm tay phải. Khi muốn thể hiện các sắc thái khác nhau của từng bản chiêng, bài chiêng, họ nắm nhẹ bàn tay phải và đánh nhẹ vào chiêng. Tiếng chiêng của người M’nông ngân lên không giòn giã, rền vang, thúc giục từng hồi như tiếng chiêng của người Êđê mà tiếng chiêng được đánh bằng nắm tay nên êm dịu, đều đặn, trầm bổng, truyền cảm. Bàn tay phải của người nghệ nhân đánh chiêng được sử dụng một cách khéo léo và điêu luyện ở trình độ diễn tấu cao. Bàn tay trái như một đội múa, đội nhảy phụ họa cho bài hát thêm sinh động và thêm hay. Bàn tay trái được để ở phía sau mặt chiêng, khi tay phải đánh vào chiêng, bàn tay trái được lật ngửa “chặn” bằng ức sát cổ tay, có khi “ụp” (úp) cả bàn tay vào chiêng phía sau, lúc “bung” thả bàn tay ra. Cũng có khi người nghệ nhân dùng ngón tay “day” nhấn vào chiêng tùy từng bản chiêng mà sử dụng đôi bàn tay để đánh chiêng. Ngoài ra, người nghệ nhân còn đeo một chiếc vòng đồng vào tay trái (chỉ có một vị trí duy nhất trong đội chiêng được đeo vòng) để khi đánh “chặn, ụp, bung” tạo nên âm thanh phụ họa cho bản chiêng được hay hơn. Sự phối hợp của đôi bàn tay phía trước và phía sau mặt chiêng khi đánh đã tạo cho các bản chiêng mang nhiều tiết tấu khác nhau, khi trầm khi bổng, lúc suy tư, sâu lắng. Mặt khác, sự kết hợp này tạo nên được sự mềm mại, độc đáo của bản chiêng M’nông. Người M’nông đã đạt đến trình độ kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng cao nhờ sự kết hợp khéo léo, mềm mại, linh hoạt của đôi bàn tay. Nghệ thuật đánh chiêng này đã làm tăng thêm tính phong phú và đa dạng cho cồng chiêng Tây Nguyên.

Nguồn:ĐăkNong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.503.001
Tổng truy cập: