VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Những người thầm lặng giữ tinh hoa làng nghề đúc đồng Phước Kiều
(Ngày đăng: 17/09/2012   Lượt xem: 636)

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (tỉnh Quảng Nam) tồn tại và phát triển gần 400 năm qua. Làng nghề đã góp phần tạo nên "không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và hàng ngàn sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong cả nước.

Cùng với tâm nguyện giữ gìn, phát huy nghề đúc đồng, những con người có tâm huyết đang thầm lặng cố níu giữ tinh hoa văn hóa của làng nghề giàu truyền thống này.

Thương hiệu lâu đời


Làng đúc Phước Kiều thuộc thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn là một làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Làng có lịch sử hình thành từ khi Dinh trấn Quảng Nam (dưới thời chúa Nguyễn Hoàng) đặt tại đất Thanh Chiêm vào đầu thế kỷ 17, tồn tại và phát triển gần 400 năm qua. Sản phẩm của làng nghề vào giai đoạn sơ khai chủ yếu phục vụ cho chỉnh thể và các sinh hoạt lễ nghi,  phong tục tập quán như: Lư đèn thờ, chuông chiêng, súng đạn... lẫn đồ gia dụng như: nồi niêu, xanh, chảo…

Dưới thời chúa Nguyễn (và triều Nguyễn) những nghệ nhân của làng nghề được triều đình gọi ra Phú Xuân tham gia đúc đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín. Một số nghệ nhân đã được phong "Cửu phẩm đội trưởng" như cụ Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên). Trong quá trình đến Phú Xuân tham gia đúc đồng, các bậc tiền bối của làng Phước Kiều cũng đã hội nhập với phường đúc Huế để làm nghề, lập gia đình và tạo nên một tộc họ lớn ở đây, đó là tộc Nguyễn Phước Kiều.

Sau khi có sự thông thương giữa miền xuôi và miền ngược (Cửa ngõ La Bảo thông thương từ Cửa Việt đến Ai Lao và cửa An Khê từ Bình Định lên Tây Nguyên) đã mở ra cho làng Phước Kiều một thị trường mới: Đó là khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, và sản phẩm chủ yếu là các loại nhạc cụ dùng trong sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Và cũng nhờ vào loại sản phẩm đặc thù này, các nghệ nhân nhiều thế hệ của làng đã tạo được thương hiệu để cùng sánh vai với các làng nghề thủ công trong cả nước, đó là làng đúc cồng chiêng Phước Kiều.

Ngoài lượng cồng chiêng làng Phước Kiều cung cấp phục vụ cho những sinh hoạt lễ nghi của người Kinh, tính riêng khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên (hay còn gọi là vùng văn hóa cồng chiêng) suốt gần 200 năm qua ước trên 35.000 bộ các loại (tương đương với 200.000 chiếc, chiếm khoảng 3/4 lượng cồng chiêng trong toàn khu vực). Điều đó có thể nói rằng làng Phước Kiều đã góp phần trong kho tàng di sản phi vật thể của nhân loại: "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên".

123133.JPG

Ông Dương Ngọc Tiển đang chia sẻ với du khách về lịch sử làng nghề.    Ảnh: PV

Gặp người chép sử cho làng...

Trong chuyến công tác dẫn đoàn tham quan của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận về với làng nghề Phước Kiều, chúng tôi được nghệ nhân Dương Ngọc Tiển (SN 1962) đón tiếp khi vừa mới xuống xe. Theo hướng dẫn của anh Tiển, chúng tôi có dịp được tận mắt chứng kiến những sản phẩm hết sức độc đáo, đầy kiểu dáng được trưng bày tại nhà truyền thống của làng.

Anh Tiển chia sẻ: Anh đã đặt chân đến rất nhiều nơi: Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phan Rang... Đi và ghi chép, đối chiếu, cộng với những câu chuyện truyền miệng từ nhỏ ở Phước Kiều, anh có thể ước đoán số lượng cồng chiêng Phước Kiều làm ra cung cấp cho vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Giai đoạn 1930-1945, làng có 20 lò, bình quân mỗi ngày một lò làm ra một đơn vị cồng chiêng thì đã có hơn 100.000 sản phẩm bán ra Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, Sông Bé, Đồng Nai... Giai đoạn cực thịnh 1955-1961, khi "nhà nhà làm cồng chiêng, người người làm cồng chiêng, cả làng đi buôn cồng chiêng", anh Tiển làm một phép tính: 6 năm, 72 tháng, hơn 15.000 bộ cồng chiêng Phước Kiều đã đưa lên vùng Tây Nguyên!

Dương Ngọc Tiển nhiều lần bảo với chúng tôi rằng, anh chỉ ghi chép sơ lược lịch sử làng nghề vì niềm yêu mến riêng, còn đi sâu nghiên cứu là chuyện của các nhà chuyên môn. Nhưng xem ra những chuyến đi xa, dài ngày của anh từ nhiều năm nay vừa để nắm bắt số lượng cồng chiêng ở từng dân tộc thiểu số, vừa mục kích tại chỗ cách so hàng âm các bộ cồng chiêng và nhận ra "có đến 3/4 cồng chiêng Tây Nguyên là của Phước Kiều vì sản phẩm của Phước Kiều có những đặc điểm riêng như đường ren để lại từ khuôn đúc.

Anh Tiển cũng chia sẻ dự định, sắp tới anh sẽ mở một lớp đào tạo về chế tác cồng chiêng ngay tại làng nghề, đồng thời thành lập một đội cồng chiêng tại đây để người dân và du khách có thể nghe tiếng cồng chiêng giữa làng nghề Phước Kiều, đưa làng nghề phát triển theo hướng bền vững và du lịch văn hóa.

1231312.JPG

Nghệ nhân Dương Ngọc Sang đang biểu diễn các công đoạn đúc đồng.

... và nghệ nhân thẩm âm Dương Ngọc Sang

Sinh ra ở làng nghề Phước Kiều trong một gia đình nhiều đời theo nghề đúc đồng nên ngay từ nhỏ, nghệ nhân Dương Ngọc Sang đã dính "hơi đồng". Khi còn là một thiếu niên, ông đã nhiều lần theo cha mình băng rừng đi hàng tháng trời vào tận các bản làng hẻo lánh để chỉnh sửa âm thanh cho các bộ chiêng, thanh la cũ.

Đi nhiều thành quen, làm nhiều thành thạo, nghe nhiều nên tinh, ông đã tích lũy cho mình được bí quyết độc đáo về nghề thẩm âm. Ông bảo: "Tiếng chiêng phát ra không hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh cơ bắp của người cầm dùi mà còn phụ thuộc một phần vào vật liệu làm dùi, vào vị trí được gõ của bề mặt nhạc cụ...". Cũng theo ông, có người cả đời đúc chiêng nhưng không thể tự mình lấy được âm thanh chuẩn. Để có thể lấy tiếng cho chiêng, thanh la, ngoài khả năng thẩm thấu âm thanh, người thợ cần phải có tố chất của người nghệ sĩ. Bởi "tiếng đồng" không chỉ có hai tầng âm thanh đục - trong mà chúng có rất nhiều cung âm. Nếu kể thêm những "phong cách âm thanh" của các cộng đồng dân tộc khác nhau, cung âm của tiếng đồng còn nhiều hơn nữa. Vì thế mà thẩm âm, lấy tiếng là một công việc rất kén người.

Ở làng đúc đồng Phước Kiều danh tiếng, người có kỹ năng thẩm âm, biết lấy tiếng cho chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay như anh ruột của ông Sang - lão nghệ nhân Dương Nhi tiếng tăm về tài đúc đồng vang lừng là vậy, nhưng về nghề thẩm âm lại gần như là người ngoại đạo.

Hi vọng cho làng nghề du lịch


Nằm trên trục tam giác Hội An - Điện Bàn - Duy Xuyên là nơi tụ hội văn hóa làng nghề của xứ Quảng. Vì thế đến với làng đúc đồng Phước Kiều, ngoài việc mua sắm các vật dụng, hàng lưu niệm du khách còn có cơ hội được trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất của nghề đúc đồng và được xem các nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng do chính mình khai sinh ra và đặc biệt, du khách còn được lắng nghe những âm thanh tuyệt vời phát ra từ những dụng cụ này. Âm thanh làm nên cái hồn của tiếng chiêng Phước Kiều.

Chính những đặc sắc của làng nghề nơi đây, tháng 10-2006 làng nghề đúc đồng Phước Kiều đã được Tổng cục Du lịch chọn làm điểm tham quan của các Bộ trưởng Du lịch tham dự Hội nghị APEC 2006. Ngày nay, vào những ngày lễ hội, nhất là những tháng cận Tết cổ truyền, nhiều bạn hàng phải đặt cọc trước cả tháng trời may ra mới có sản phẩm. Đồng bào Tây Nguyên không quản ngại đường sá xa xôi, qua đèo, lội suối xuôi về làng Phước Kiều chờ đợi để có được những bộ nhạc cụ cồng chiêng ưng ý.

Trước thực tế, nhu cầu mua cồng chiêng để phục dựng văn hóa dân tộc của nhiều địa phương ngày càng tăng. Với những chính sách, các dự án phát triển làng nghề gắn liền với các lễ hội văn hóa, du lịch, làng nghề đúc đồng Phước Kiều hy vọng sẽ mở ra những hướng đi mới, trở thành làng nghề du lịch, Văn hóa trong tương lai không xa.

Theo pháp luật

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.502.406
Tổng truy cập: