VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Trăn trở nghề thêu truyền thống
(Ngày đăng: 07/09/2012   Lượt xem: 663)

Nếu ai đã từng có dịp đi trên tuyến quốc lộ 12, đoạn qua khu vực địa phận 2 xã Sa Lông và Huổi Lèng của huyện Mường Chà, hẳn không thể quên hình ảnh phụ nữ Mông ngồi dọc đường bán hàng, đôi tay thoăn thoắt với những đường kim, mũi chỉ. Điểm đặc biệt khiến nhiều du khách quan tâm và dừng chân ghé lại không chỉ là nông sản được bày bán mà chính là những miếng thổ cẩm sặc sỡ sắc màu do chính bàn tay của phụ nữ dân tộc Mông làm ra.

Theo chân chị Giàng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà), chúng tôi đến một gia đình có 4 phụ nữ được đánh giá là có đôi bàn tay vàng của xã. Ngày nào cũng vậy, ngoài giờ lên nương và làm việc nhà, bà Thào Thị Chứ và 3 cô con gái lại miệt mài với đường kim, mũi chỉ để làm ra những bộ váy, áo cho các thành viên trong gia đình. Bà Chứ, tâm sự: Bà biết thêu từ năm lên 6 tuổi. Ngày xưa, con gái Mông mà không biết dệt vải, thêu thùa thì không có ai yêu, không lấy được chồng. Cứ đến tuổi là phải học thêu, phải tự làm ra trang phục cho mình, để sau này còn làm cho chồng, cho con. Công việc thêu thùa có từ bao giờ bà cũng không nhớ, chỉ biết phụ nữ Mông ngàn đời nay vẫn gắn bó với nó. “Dệt vải và thêu váy áo đã gắn liền với cuộc sống người Mông mình. Giờ vải nhiều nên phụ nữ Mông không còn làm vải nữa, nhưng mà nghề thêu thì vẫn phải giữ. Người Mông phải mặc trang phục mình làm ra”. Giờ đây, dù đã ngoài 60 tuổi, mắt không còn tinh như trước nhưng đôi bàn tay vẫn còn khéo léo, bà Chứ không cho phép mình nghỉ. Bà lý giải: “Ngày xưa mình còn trẻ, còn khỏe thì phải đi làm nương, làm việc nhà nên có ít thời gian để thêu. Giờ già rồi, không phải làm gì cả, có nhiều thời gian thì phải thêu cho con cháu nó học”. Chính vì đã gắn bó từ lâu nên bà Chứ yêu cái công việc thêu thùa này lúc nào không hay, và giờ đây bà truyền lại tình yêu đó cho con, cháu.

truyendaycac.jpg

Bà Thào Thị Chứ truyền dạy cách thêu cho cháu.

Được biết, Hội Phụ nữ xã Huổi Lèng hiện có trên 400 hội viên sinh hoạt thường xuyên và 100% chị em đều biết thêu thùa. Vì công việc và cuộc sống mưu sinh hàng ngày nên chị em không thêu thường xuyên mà làm tranh thủ, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu khi có thời gian rảnh rỗi. Những trường hợp như bà Chứ không phải là hiếm. Trong xã còn nhiều các bà, các cụ đã ngoài 70 - 80 tuổi, mắt không còn tinh, nhưng vẫn bắt con cháu mua bằng được kính lão về để thêu.

Những sản phẩm thêu của phụ nữ Mông Huổi Lèng không chỉ là thế mạnh để phát triển kinh tế của địa phương mà sẽ là cơ hội để phát triển du lịch tỉnh nhà, nếu biết cách khai thác và có quy hoạch cụ thể. Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng và duy trì một làng nghề truyền thống ở đây.

Khi trao đổi với Chủ tịch UBND xã Hạng Sáy Dua về vấn đề này, anh không ngần ngại bày tỏ trăn trở: “Hiện nay, huyện chưa có hướng nào để chúng tôi phát triển và gìn giữ nghề này. Nếu để tự bản thân xã thì rất khó vì thiếu vốn và quan trọng là khâu tổ chức. Từ trước tới nay chị em vẫn “mạnh ai nấy làm”, vì vậy sản phẩm làm ra cũng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Chúng tôi rất lo lắng nghề thêu thùa sẽ mai một dần, vì thực tế hiện nay đã ở trong giai đoạn “nửa nọ, nửa kia” rồi!”.  

Trước kia, nghề thêu gắn liền với dệt vải. Phụ nữ Mông tự lên rừng, kiếm vỏ cây linh về làm sợi, dệt vải rồi ngâm lá cơm xôi, cây chàm, củ nghệ... để nhuộm màu sắc theo ý muốn. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn làm vải thì mới tiến hành thêu. Váy Mông phải được thêu hoàn toàn trên một mảnh vải màu đen hoặc trắng. Để hoàn thành một bộ trang phục Mông phải mất vài ba tháng, người nào thêu nhanh cũng phải 1 tháng mới xong. Điều này lý giải vì sao phụ nữ Mông ở đây thêu quanh năm mà cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình.

Ngày nay, vải thêu có sẵn nên phụ nữ Mông ở đây đã bỏ hẳn nghề dệt, song vẫn giữ được nguyên vẹn những đường nét, họa tiết hoa văn truyền thống trong cách thêu. Tuy nhiên, phải mất thời gian khá dài và sự kỳ công, tỉ mỉ để hoàn thành một bộ trang phục, nên chỉ có các bà, các mẹ là còn gắn bó với công việc này. Ông Hạng Sáy Dua cho biết: Hiện nay, các bé gái người Mông khoảng từ 20 tuổi trở xuống gần như không biết và cũng không quan tâm đến công việc thêu thùa. Ngoài lý do vất vả và kỳ công, còn nguyên nhân quan trọng nữa đó là do ảnh hưởng của sự phát triển và hội nhập. Những bộ trang phục Mông được cho là phức tạp đã không còn phù hợp với giới trẻ. “Ngày thường không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đã đành, giờ ngay cả dịp lễ, tết, bọn trẻ cũng không còn mặc nữa. Cũng bởi vậy mà chúng chẳng quan tâm đến việc làm ra bộ trang phục ấy như thế nào. Nếu cứ đà này, khi các bà, các mẹ mất đi thì nghề thêu cũng theo đó mà mất dần thôi!”  ông Dua than thở...

Với thực tế đang diễn ra ở Huổi Lèng thì việc giữ gìn và phát triển nghề thêu của dân tộc Mông nói chung, đồng bào Mông xã Huổi Lèng nói riêng, vẫn đang là điều trăn trở của những người tâm huyết với nghề thêu truyền thống...

Theo báo điện biên phủ

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.503.005
Tổng truy cập: