VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Làng giấy, làng hoa, làng quan họ
(Ngày đăng: 07/09/2012   Lượt xem: 865)

3366542070.jpg

Vườn lan hồ điệp của gia đình anh Nguyễn Ngọc Huy tại làng hoa Giới Tế, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Mới đây, anh bạn đồng nghiệp là người nghiên cứu sử học quê gốc Bắc Ninh đề nghị: "Qua vụ gặt về Phú Lâm ăn cơm mới, nghe chuyện làng". Anh thuyết phục mọi người: Phú Lâm nay trở thành điểm du lịch. Du khách về đây đều rất thú vị khi được giao tiếp cùng những nông dân, nghệ sĩ đồng quê trong không gian độc đáo của vùng đất Kinh Bắc.

Xã Phú Lâm thuộc huyện Tiên Du (Bắc Ninh) có năm thôn, tên trùng với tên làng từ thủa xưa là Ân Phú, Giới Tế, Vĩnh Phục, Ðông Phù, Tam Tảo. Ðây  là vùng đất cổ có những sinh hoạt truyền thống rất đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc. Làng Tam Tảo có tên gọi là Trang Tam Tảo từ thời Hùng Vương, là một trong 49 làng quan họ cổ. Tam Tảo trước đây còn có tên làng Rừng, vì nơi đây ngập nước, lau sậy, cây cối mọc um tùm, đi lại trong mùa nước đều bằng thuyền, bởi thế dân gian có câu "Gạo Hồi Quan, thuyền nan Tam Tảo". Nhà sử học sưu tầm, lưu giữ được nhiều tư liệu về tên làng, xã gắn với vùng đất này:  Làng Ðông Phù xưa từng giúp Cao Lỗ đánh Triệu Ðà. Làng Giới Tế có dấu tích bụi tre ngà do Thánh Gióng đánh giặc Ân rơi xuống. Làng Ân Phú lưu truyền chuyện ngài Minh Nhược, con thứ 16 Vua Hùng, về đây hướng dẫn nhân dân dựng làng, dựng xóm, sinh cơ lập nghiệp. Làng Vĩnh Phục xưa có tên Phúc Trang Trại, có Mộc Lang sức học tinh thông, võ nghệ tài giỏi, theo Hai Bà Trưng đánh quân Nam Hán.

Con sông Ngũ Huyện Khê chảy dọc qua năm làng, tạo nên "sân chơi" quan họ rất đậm bản sắc vùng Kinh Bắc. Các sinh hoạt quan họ sân đình, trên thuyền, tại nhà đều rất sống động. Nơi đây là quê hương các liền anh, liền chị quan họ nổi danh. Nghệ nhân có các cụ ông Nguyễn Hữu Biên, Nguyễn Thiện Tích, Nguyễn Quang Cống, Nguyễn Văn Thềm... các cụ bà  Hai Thắm, Tám Pháo, Ngô Thị Hối, Mốt Nhàn... Nói như nhạc sĩ Nguyễn Trung, Phú Lâm rất giàu hồn cốt quan họ, là chốn lui về của rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhà nghiên cứu văn hóa.

Cánh đồng Phú Lâm, những thảm lúa vàng đang dần khép vạt. Con đường bên dòng sông quê, chạy quanh ngõ xóm trải vàng rơm rạ. Với giống lúa mới, thêm một năm đất này được mùa, năng suất tới hơn 70 tạ/ha/vụ. Lão nông Nguyễn Cần gom đon lúa cuối cùng ở xứ đồng Sau Cầu, gặp khách hồ hởi: "Cái đận đầu vụ rét đậm, rét hại, giữa vụ gặp phải tình trạng khô hạn cục bộ, nhờ cái anh giống mới mà diện tích lúa xuân của nhà vẫn bội thu". Ông nói thân tình: "Ðã  về đây, ở lại chơi đôi ngày thăm làng mới, ăn cơm mới, đêm ở làng nghe canh quan họ...".

Ði bộ cùng tôi về làng trên con đường rợp bóng cây xanh, Bí thư Ðảng ủy xã Phú Lâm Nguyễn Hữu Thi cho biết: "Phú Lâm có hai làng nghề mới là làng nghề giấy và làng nghề trồng hoa, tạo cây thế. Ðiều thú vị là cả hai làng nghề do người Phú Lâm mới tạo dựng cũng đều từ cái duyên quan họ".    

Bữa cơm ngày mùa ở làng Ân Phú thật đậm đà tình quê. Các bậc cao niên hứng khởi kể câu chuyện về làng nghề mới, bấy lâu bà con tâm đắc: Vài  chục năm trước, Phú Lâm có hai cán bộ Ðoàn làm giỏi, hát tốt là Nguyễn Ðình Bình và Nguyễn Nhân Phượng. Là liền anh quan họ thường thích "xê dịch" và giao lưu. Hai anh mua chung chiếc xe máy để cùng đi gặp bạn hát trong vùng. Anh Nguyễn Nhân Phượng, nay là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh, kể: Trong một lần sang Yên Phong dự canh hát, được nghe chuyện làm giấy, cả hai cùng mê. Ðêm ở lại nghĩ cảnh quê mình bao đời nay làm ruộng, sống thêm với nghề đan mành, rèm hay nghề đan nón lá. Làng Tam Tảo thì theo nghề bắt cua, lươn... mãi đà này khó mà khá lên. Vậy là cả hai quyết theo học nghề làm giấy của bạn hát huyện Yên Phong. Khi đã học được nghề nhưng thiếu vốn, họ bán chiếc xe máy rồi chung nhau mở xưởng. Từ đó đất này có thêm nghề sản xuất, chế biến giấy. Người biết nghề trước thì truyền nghề cho bà con chưa biết, cùng giúp nhau phát triển sản xuất. Làng nghề giấy có hơn 300 hộ, lại có cả Cụm công nghiệp nghề giấy rộng tới 50 ha có tới 21 doanh nghiệp sản xuất, thu hút hàng nghìn lao động. Nguyễn Ðình Bình nay là Giám đốc công ty giấy Bình Minh. Nghề giấy phát triển, Phú Lâm thành lập Hiệp hội nghề giấy do anh Ngô Xuân Lợi làm chủ tịch. Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất giấy tập trung chủ yếu ở làng Tam Tảo. Anh Lợi cho biết, các doanh nghiệp ở xã nhận 68 cháu là con em thương binh, liệt sĩ trong xã vào làm việc. Người quan họ trọng nghĩa, trọng tình, cũng như nhiều đoàn thể ở địa phương, mỗi năm Hiệp hội nghề giấy của xã  đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện. Mới đây, Hiệp hội trích quỹ một trăm triệu đồng làm công tác "đền ơn, đáp nghĩa", xây nhà cho bà Lê Thị Bốn là mẹ liệt sĩ.

Câu chuyện hình thành làng hoa cây cảnh Giới Tế, cũng thú vị. Vài chục năm trước, trai làng Giới Tế hát cũng giỏi mà chơi cờ bạc cũng hay. Một thời nhiều trai làng Giới Tế bán lúa non, lợn "cắp nách" chơi bạc, gá bạc là thường. Ðến thời chủ tịch xã là ông Ðỗ Khắc Dĩnh, có  người bạn trồng cây cảnh ở làng hoa Nghi Tàm, Hà Nội. Xã có việc, ông chọn mấy trai làng hát hay đi mua cây cảnh. Mấy anh lên gặp nghệ nhân cây cảnh đất Nghi Tàm là người  mê nghe hát quan họ. Thầy trò gặp nhau, trò hát, còn thầy truyền nghề tạo cây làm cảnh. Người Phú Lâm sắc sảo và tài hoa nên sớm tiếp thu và làm được nghề. Làng nghề trồng hoa, cây thế Giới Tế tuy mới hình thành nhưng đã có gần ba trăm hộ làm nghề. Hiện nay,  hơn một trăm ha đất ruộng được chuyển sang trồng hoa, làm  cây cảnh ở Giới Tế cho doanh thu bình quân hơn 300 triệu đồng/ha. Giới Tế được biết đến với các vườn hoa lan. Anh Nguyễn Ngọc Huy, đi tiên phong kỳ công trồng hoa lan. Anh bỏ nhiều tỷ đồng đầu tư xây dựng hai khu nhà hơn 2.000 m2 trồng hoa lan công nghệ sinh học. Nay riêng lan Hồ Ðiệp anh đã có hơn ba vạn chậu. Sản phẩm của gia đình được các đại lý ở Hà Nội và Hải Phòng bao tiêu. Với hàng trăm khu vườn cây cảnh, cây thế có giá trị ở đây, khu vườn của anh Nguyễn Ðức Long, Phạm Sơn hay Ðỗ Khắc Nô chúng tôi đến là cỡ "xoàng xoàng bậc trung" nhưng cũng có đến chục gốc cây thế trị giá tiền tỷ. Trong khu vườn của anh Nô có vài cây giá trị dăm ba tỷ. Anh có gốc lộc vừng quý chuyển từ miền trung ra nay có người trả chục tỷ chưa bán. Ở làng hoa Giới Tế, mỗi cây thế độc đáo ở chỗ được đưa vào không gian mô phỏng kiến trúc làng quê Bắc Bộ xưa như mái đình, chùa, ao làng, núi sông thu nhỏ thật kỳ tài. Những vườn cây ở Giới Tế là những không gian nghệ thuật sinh động, tươi đẹp.   

Nhiều năm nay, người dân Phú Lâm cũng góp công, góp của tôn tạo, nâng cấp quần thể, đình, chùa của làng xã. Nhiều ngôi đình, chùa ở đây với kiến trúc độc đáo, như chùa Bà Ðanh, Phúc Lâm Tự, Chùa Tam Tảo... là di tích lịch sử văn hóa đã được tôn tạo làm cảnh quê trữ tình.

Với ý nguyện bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống và phục vụ du khách, cả năm thôn của Phú Lâm đều có câu lạc bộ quan họ. Một năm qua dân ca Quan họ chính thức được đưa vào giảng dạy ở các nhà trường tại Bắc Ninh một cách chính quy. Các bậc học của Phú Lâm cũng trong số đó, điều này tạo niềm hứng khởi với bà con trong toàn xã. Có tín hiệu vui là đến nay có đủ ba thế hệ với tổng số 218 hội viên tham gia các câu lạc bộ quan họ ở xã. Trong lần gặp mới đây, khi chúng tôi băn khoăn về nội dung chương trình giảng dạy dân ca Quan họ, nhưng nhạc sĩ Trọng Tĩnh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, Chủ tịch Hội đồng biên soạn Tài liệu giảng dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh cho biết: Dựa trên những căn cứ về tâm sinh lý và nhận thức ở từng bậc học, Hội đồng biên soạn đã xây dựng hình thức, cấu trúc, khối lượng kiến thức nâng cao dần theo mức độ từ bậc mầm non đến THPT. Ở bậc tiểu học, thể hiện phần lý thuyết thông qua các câu chuyện kể nhỏ, súc tích, ngắn gọn về các nghệ nhân, nghệ sĩ Quan họ được hành văn theo từng lứa tuổi và lựa chọn năm bài, có giai điệu âm nhạc đơn giản, tươi vui, trong sáng, lời ca ngắn gọn, ít những từ đệm lót, giúp học sinh dễ học, dễ hát, dễ thuộc. Ðối với học sinh THCS yêu cầu hiểu biết cao hơn ở cấp độ "thưởng thức Quan họ" nên những câu chuyện sẽ là những giai thoại về Thủy tổ, nguồn gốc, lề lối sinh hoạt, tục kết chạ, hình thức canh hát Quan họ, Hội đồng biên soạn tài liệu đã chọn những bài Quan họ cổ được phổ biến rộng rãi trong các hình thức diễn xướng Quan họ. Ở bậc THPT, giáo trình giảng dạy sẽ tập trung giới thiệu những nét đẹp độc đáo qua các mặt hoạt động của văn hóa Quan họ là đặc điểm lời ca, ngôn ngữ giao tiếp của người Quan họ, nghệ thuật diễn xướng, đồng thời chọn lựa ba  bài Quan họ cổ tiêu biểu thuộc các hệ thống giọng: Cái ả (giọng Lề lối), Lúng liếng (giọng Vặt) và Chia rẽ đôi nơi (giọng Giã bạn)...

Từ Phú Lâm chúng tôi cảm nhận một sự khởi động mới, bảo đảm cho giá trị, sức sống lâu bền của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Theo nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.502.342
Tổng truy cập: