VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Một cây thiêng giữa hai xã, không ai dám chặt phá
(Ngày đăng: 24/08/2012   Lượt xem: 604)

(PL&XH) -Trên cánh đồng trống trải nằm giữa hai xã Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2 ( huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) có một cây đa mấy trăm năm tuổi. Người dân nơi đây thường đồn đại sự linh thiêng của gốc đa cổ thụ và những câu chuyện lạ kỳ xung quanh nó…

Chuyện truyền miệng về gốc đa

Gốc đa ấy nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" với đất trời đã bao nhiêu năm nay, mà kể cũng lạ, giữa cánh đồng rộng lớn trống trải lại nổi lên một gốc đa, nằm bên con đường liên xã nối hai xã Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2. Mỗi buổi chiều khi ánh hoàng hôn phủ xuống, hính dáng cây đa giữa đồng lại càng hiện rõ lên, to lớn dị thường. Và nhiều câu chuyện đồn thổi xung quanh gốc đa này đã được thêu dệt đầy ly kỳ.

Khác với những cây đa sum suê thường thấy tại nhiều vùng quê, cây đa mọc trên cánh đồng này sừng sững, tuy chỉ cao chừng hơn 30m, nhưng lại có mấy cạnh chìa ra xung quanh nên gốc cây rất đồ sộ mười người ôm không hết. "Mỗi cạnh gỗ xẻ ra có thể làm mặt bàn ăn cơm!", ông Phạm Văn Lớn, một người dân thấy chúng tôi đứng nhìn gốc đa liền nói vậy. Rồi ông Lớn cũng thuận miệng kể với chúng tôi những câu chuyện về gốc đa này.

Ông bảo rằng cây đa thiêng lắm. Thiêng giống như ngôi đình cổ. Giặc đã nhiều lần dội bom đạn nhưng cây thiêng vẫn không hề hấn gì. Chúng tôi cùng ông Lớn ngồi hóng mát dưới gốc cây, dân làng đi làm đồng về ghé ngang qua cũng góp đôi lời vào câu chuyện, nhưng một điều tuyệt nhiên là ai cũng khẳng định cây đa này linh thiêng lắm. Ở đây người ta gọi cây đa cổ thụ là "cụ đa" như để tỏ lòng thành kính. "Những đêm tối trời, từ trong làng nhìn ra, thấy "cụ đa" đứng sừng sững, thỉnh thoảng nhiều đám lửa từ ngọn cây đổ xuống, khiến bà con ai cũng sợ không dám đến gần...", bà Nguyễn Thị Nam (59 tuổi, thôn 1 xã Quế Xuân 2) kể.

Ông Huỳnh Văn Thạnh (71 tuổi, ở xã Quế Xuân 1) cũng kể lại câu chuyện. Từ cuộc chiến chống Pháp, rồi đến cuộc chiến chống Mỹ, Quế Xuân cũng như bao làng quê khác ở Quảng Nam bị bom đạn cày xới biến thành vùng đất trắng. Nhưng điều kỳ lạ là cây đa vẫn đứng hiên ngang giữa trời.

Đặc biệt trong những năm chiến tranh ác liệt, cây đa có đôi lần cũng bị gãy cành khi mảnh pháo, mảnh bom xớt qua. Nhưng chưa có một quả bom hay quả đạn pháo nào hạ gục được cây. Những năm 1968 - 1971, cây đa cổ thụ này nằm trong tầm đạn pháo bắn tới tấp. Nhưng chưa một lần đạn bom rơi trúng cây đa. "Đã hai lần tui chứng kiến cảnh đạn pháo phạt ngang làm nhánh lớn của cây  đổ xuống. Nhưng sau đó những chồi non mọc lên tươi tốt sum suê hơn...", ông Thạnh cho biết. Những năm chiến tranh ác liệt, chính cây đa là nơi lực lượng du kích địa phương làm đài quan sát cảnh giới quân Mỹ đi càn. Bởi chỉ cần leo lên ngọn cây là có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn.

Cứ thế, những chuyện về cây đa được truyền đi, đến nỗi có cả một câu chuyện ly kỳ về cây đa này. Người dân nơi đây nói rằng đó là giang sơn riêng của một vị thần rất thiêng, hễ dân làng hay người đi qua mà tỏ ra bất kính, hoặc khi tế lễ có điều sơ suất là thần giáng họa ốm đau, nặng có thể chết. Người trong các làng thường xuyên quyên góp tiền bạc, dựng bên gốc đa những cái am nhỏ với rất nhiều bát hương, phía trước có che cặp lọng vàng và cử người sớm hôm hương khói.

Có câu chuyện đồn đại rằng, cách đây mười mấy năm, có hai anh em ở xóm trong ra chơi, thấy có con rắn xanh bò ra nên họ đứng từ xa nhặt đá ném chơi, tối về cả hai anh em chân tay đều bị… chuột rút cứng đờ, phải ra xin ngài tha lỗi, mãi sau mới khỏi. Rồi chuyện có con khỉ hoang từ trên cành đa nhảy xuống sân đình, anh Tuấn (người thôn 2, xã Quế Xuân 1) đuổi con khỉ chạy quanh gốc đa. Thế là tối về bỗng dưng bị đổ bệnh, nửa đêm cứ ra gốc cây đa này mà chắp tay vừa lạy vừa nói: "Tôi xin lỗi!…".

Những hang hốc trên thân cây có nhiều tổ sáo, nhưng trẻ con không dám trèo lên bắt. Ở trong xóm có một anh thợ mộc, đã mang cưa đến đốn cành cây. Thế rồi, không hiểu sao, sau đó, đêm về anh bỗng dưng bị phát bệnh thần kinh, cứ luôn mồm nói "Không phải tôi, không phải tôi!". Người nhà đem hương đèn ra cúng dưới gốc đa thì bệnh của anh mới thuyên giảm. Rồi có một người đàn ông khác trong thôn 2 vốn có tiếng là khỏe mạnh, làm ăn rất khá vì giỏi tính toán nhưng bỗng một dạo anh cứ ra ôm gốc cây đa. Vợ anh kéo về nhưng đến nửa đêm, anh lại mò ra, ngồi cả đêm dưới trời mưa rét.

Có một chuyện mà ai cũng khẳng định là có thật, đó là chuyện nhiều người quyết định phải hạ bằng được cây đa này vì nhiều lời đồn đại quá. Hôm đó, sau khi chặt được một số cành lớn, người ta điều xe tải đến chở gỗ, khi gỗ được đưa lên xe tải, xe vừa chuyển bánh thì một cơn giông kéo đến, chiếc xe bị lật nhào xuống sông. Người thì bị thương tích, còn gỗ trôi ra lòng sông, làm dầu máy tràn váng mặt nước. Dưới trời mưa tầm tã hôm đó, cả toán thợ hãi hùng… bỏ chạy. Nói về sự linh thiêng của cây đa, người dân quanh khu vực ai cũng kể lại sự kiện trên và cho rằng những người đó đã bị thần cây(?) trừng phạt vì tự tiện đến chặt, chưa xin phép ngài.


Cây đa giữa làng với nhiều am nhỏ và bát hương thờ cúng tồn tại cùng những câu chuyện huyễn hoặc.

Là mảnh hồn làng

Cây đa này giờ là nơi trú ngụ duy nhất của những đàn chim mỏi cánh khi bay về núi. Tuy nhiên, đó chỉ là những giá trị mà người dân thường nhìn thấy. Còn những giá trị của thời gian thì thật khó đong đếm. Một cụ già cho biết: "Bao nhiêu năm tháng nó mới có thể được như vậy. Biết bao nhiêu đời người của dân làng vẫn lấy bóng mát của nó làm nơi tiếp nguồn sống cho những ngày hè. Rồi thì, những năm chiến tranh, bóng cây cổ thụ không chỉ vây quân thù mà còn là nơi chở che cho người dân nương náu đạn bom của kẻ thù." Quả thật, những năm đất nước chiến tranh, mỗi khi quân giặc dội bom trút đạn thì gốc đa là nơi ẩn náu của cả xã Quế Xuân (cũ). Thời bình cây đa là nơi nghỉ ngơi của người dân khi làm đồng nắng cháy. Bởi gốc đa ở giữa cánh đồng, vì vậy nơi đây có thể như một sân đình của dân làng vậy.

Ông Bùi Quang Huấn, Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2 cho biết: "Năm 2009, có người trong làng định rủ bà con chặt đem bán, tuy nhiên chính quyền xã đã nhìn thấy ở đây một cơ hội để bảo vệ môi trường nên đã cùng các hộ dân họp bàn với nhau, lập ra một quy ước bảo vệ cây. Cây đa này không những có giá trị về môi trường, mà nó còn là chứng tích lịch sử của làng của xã. Những câu chuyện ly kỳ về cây đa mà người dân kể lại cứ "5 hư 3 thực" thế nào thì chưa được kiểm chứng. Nhưng muốn nói sao thì nói, muốn mường tượng đến ma mãnh hay quỷ quái gì thì mường tượng, còn sự thật cây đa vẫn sừng sững giữa trời đúng theo quy luật của thiên nhiên”.


Hữu Cường
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.498.062
Tổng truy cập: