VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại
(Ngày đăng: 16/07/2012   Lượt xem: 731)
Đây là tên cuộc triển lãm khai mạc ngày 12.7 tại các điểm di tích trong Phố cổ Hà Nội. Người xem sẽ được chứng kiến sự kết hợp giữa trống, đàn, quạt, nón của các làng nghề thể hiện qua ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt. PV Báo ĐBND đã có cuộc trao đổi với HỌA SỸ NGUYỄN MẠNH ĐỨC, Tổng đạo diễn triển lãm.
- Ý tưởng về việc kết hợp giữa nghệ thuật đương đại và nghề truyền thống bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Ý tưởng này manh nha từ lần tôi có dịp đi công tác với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội về các làng nghề. Tôi nhận thấy, đời sống ở các làng nghề rất nghèo và ảm đạm. Chúng như bị co cụm, yếm thế và có phần xa rời trước sự phát triển của xã hội hiện đại đầy sôi động. Trong khi đó, nghệ thuật đương đại cũng còn xa lạ với đời sống. Vì vậy, Ban Quản lý và tôi đã bàn bạc và đưa ra ý tưởng thực hiện triển lãm về nghề truyền thống và thể hiện bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt.

Tôi đã mời 4 nghệ sỹ đại diện cho các nền nghệ thuật đương đại hiện nay. Lúc đầu các nghệ sỹ còn băn khoăn bởi cách làm này tương đối mới, trước đó họ nghĩ rằng làm tác phẩm phải mang tính cá nhân để hoàn thiện hơn giá trị tác phẩm của mình. Tuy nhiên, khi tôi trao đổi cụ thể, các nghệ sỹ đã rất hào hứng. Đây là dịp để họ thâm nhập vào đời sống làng nghề ở nông thôn hiện nay, từ đó, sẽ thấy một cuộc sống chân thực với những khó khăn của các làng nghề là như thế nào. Đây cũng là dịp đưa nghệ thuật đương đại đến gần công chúng hơn và ngược lại nghệ thuật truyền thống cũng có hội tiếp cận với nghệ thuật, đời sống đương đại.


- Điều đó có nghĩa mỗi không gian triển lãm sẽ thể hiện một cái nhìn, cảm nhận của nghệ sỹ về nghề đó thưa ông?

- Đúng vậy! Tôi lấy ví dụ như tại không gian trưng bày nón làng Chuông. Đó là cảm xúc về một cái chợ nón của làng nghề này, có thể cũng sầm uất nhưng phảng phất sự nghèo nàn. Bên cạnh đó, người ta còn thấy nón vẫn có vị trí trong đời sống xã hội hiện nay, vẫn đi theo con người, chở che cho họ. Ngoài ra, các nghệ sỹ còn trình bày cả các chất liệu để tạo ra cái nhìn khá toàn diện về nghề làm nón của làng Chuông. Không gian trưng bày quạt là cảm xúc về một bà già cặm cụi trong căn phòng tối, thấp, ngồi châm kim tạo hình nghệ thuật lên những chiếc quạt. Không gian trầm buồn, chật chội nhưng xung quanh chất đầy chất liệu và khối lượng công việc bà thực hiện rất lớn… Từ đây, người nghệ sỹ đã đưa hình ảnh châm kim thành tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc và hết sức quyến rũ.

 Ở mỗi làng nghề chúng tôi đều mời nghệ nhân tham gia. Đây là dịp để tôn vinh họ.

- Trong quá trình thực hiện, nhóm có gặp khó khăn, thuận lợi gì?

- Để thực hiện cuộc triển lãm này chúng tôi chuẩn bị lâu mất khoảng gần 2 tháng, trong quá trình thực hiện rất thuận lợi. Chỉ có điều, triển lãm thực hiện ở phố cổ cho nên khá chật chội. Chúng tôi phải cố gắng sắp đặt để hoạt động này không ảnh hưởng đến lịch trình sinh hoạt của các điểm di tích trong phố cổ.

Các nghệ nhân rất thích thú vì họ được quan tâm, hoặc ít nhất cũng gửi được hình ảnh làng nghề đến với đông đảo công chúng, được nói, được kể về công việc mà mình vốn gắn bó bao nhiêu năm.  Tôi nghĩ qua đó chúng ta sẽ giúp họ tin yêu, tự hào về nghề truyền thống của người mình. Và cũng để công chúng tri ân, biết ơn những người đã làm ra những sản phẩm có giá trị.

- Sau một thời gian thâm nhập với làng nghề Hà Nội, ông nhận định như thế nào về sức sống của nó hiện nay trong đời sống nông thôn?

- Làng nghề khó chết, bởi trong sâu thẳm của người Việt, nếu không có nó thì người ta lại muốn tìm đến nó. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta chưa biết cách tạo cho làng nghề một hình ảnh vừa đẹp vừa bền vững để biến nó thành những sản phẩm trang trí mang tính nghệ thuật cao.

Bên cạnh đó, sản phẩm ngày càng rơi rụng, tôi nghĩ chúng ta cần có chính sách khuyến khích để người dân tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm thực sự chất lượng, có giá trị nghệ thuật. Đơn cử như có thể nuôi dưỡng nghệ nhân giỏi để họ chuyên tâm làm những sản phẩm có nguy cơ bị mất đi. Với nghề quạt chẳng hạn, tôi nghĩ rằng khi bà cụ ngồi châm quạt mất đi sẽ không còn ai thay thế. Bởi thực tế, đây là công đoạn cần sự tỷ mỷ, sáng tạo nhưng thu nhập rất thấp nên không ai theo nghề.

- Điều tâm đắc nhất của họa sỹ về triển lãm này là gì?

- Tôi cho rằng, qua triển lãm này sẽ tạo được một không khí, cảm xúc về làng nghề đối với các nghệ sỹ trẻ. Và cũng là dịp người dân trong thành phố tiếp cận với loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ. Người ta cần hiểu nghệ thuật sắp đặt dù mới nhưng vẫn có thể phục vụ thị hiếu chung của xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.501.362
Tổng truy cập: