VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nghề tân trang hàng hiệu tại Trung Quốc
(Ngày đăng: 29/06/2012   Lượt xem: 689)

Tại Trung Quốc, nhiều người dễ dàng kiếm bộn nhờ "ăn theo" cơn sốt hàng hiệu, bằng cách sửa chữa, bảo dưỡng những món đồ xa xỉ nhưng đã cũ.

Nhân viên văn phòng Candy Xie mới gửi chiếc ví hiệu Gucci của mình tới một cửa hiệu nhỏ gần Tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tại Bắc Kinh để tẩy vết mực bẩn với giá 300 nhân dân tệ (47,1 USD). “Tôi phải gửi tới cửa hàng này bởi chi nhánh của Gucci từ chối làm dịch vụ này”, cô nói. Xie chỉ là một trong hàng trăm triệu khách hàng sử dụng hàng hiệu tại Trung Quốc gặp phải vấn đề trong việc bảo dưỡng các món đồ của mình.

Các hãng sản xuất đồ xa xỉ thường không chịu trách nhiệm trong việc làm sạch hay sửa chữa các món đồ bị hư hại. Nếu có thì việc sửa chữa cũng mất rất nhiều thời gian bởi có rất ít hãng xa xỉ có nhà máy bảo dưỡng tại Trung Quốc. Do đó, thông thường, các món đồ bị hỏng phải được gửi tới trụ sở chính ở nước ngoài. Chính sự thiếu sót này đã tạo cơ hội kiếm tiền cho nhiều doanh nhân Trung Quốc.

Công ty Sửa chữa và Bảo dưỡng Đồ da Bắc Kinh là một công ty nhỏ với một cửa hàng duy nhất hoạt động từ năm 2010. Doanh nghiệp này chuyên sửa chữa các mặt hàng xa xỉ làm bằng da với lợi nhuận hàng tháng là trên 150.000 nhân dân tệ (hơn 23.500 USD), Wang Ruilin, Giám đốc marketing của công ty cho biết.

Chi phí khách hàng phải trả tùy thuộc vào loại dịch vụ, nhưng nhìn chung dao động từ 250 đến 500 nhân dân tệ. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách hàng phải trả hàng nghìn nhân dân tệ bởi các món hàng xa xỉ của họ cần đến nhiều công đoạn để phục chế như ban đầu.

Ngành dịch vụ sửa chữa hàng xa xỉ đang ngày càng phát triển tại Trung Quốc.

Ngoài sửa chữa và bảo dưỡng, một số khách hàng cũng yêu cầu thay thế các chi tiết bởi sản phẩm hàng hiệu nguyên bản không phù hợp với người Trung Quốc. "Phần lớn món hàng đem đến yêu cầu thay thế tại hiệu của chúng tôi là thắt lưng”, ông Wang cho biết, “Các hãng thời trang xa xỉ trên thế giới thường làm thắt lưng quá dài và khách hàng Trung Quốc phải cắt đi 6-8 cm”.

Tất nhiên mảng dịch vụ này của các doanh nhân Trung Quốc sẽ gặp khó nếu các hãng thời trang xa xỉ tự mình cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng các món đồ cho khách hàng của mình. Tuy vậy, nhiều doanh nhân trong lĩnh vực này vẫn tỏ ra tự tin vào tương lai. “Chúng tôi có thể hợp tác với các hãng thời trang xa xỉ nếu họ muốn”, Li Rixue, Giám đốc Công ty Secoo China chuyên bán sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng và sửa chữa, bảo dưỡng.

Các hãng sản xuất hàng xa xỉ sẽ không xây những cửa hàng bảo dưỡng mới hoàn toàn tại Trung Quốc bởi chi phí sẽ rất lớn. Thay vào đó, việc hợp tác với các công ty đã có sẵn trên thị trường này là cách làm tốt nhất, ông Li nói.

Trong tháng 5 vừa rồi, Công ty Secoo đã nhận được khoản đầu tư 30 triệu USD, phần lớn trong số này rót vào cửa hàng bảo dưỡng hàng xa xỉ rộng 2.800 m2 của công ty tại Bắc Kinh. Dự kiến, cửa hàng này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6.

“Tôi có niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho mảng sửa chữa hàng xa xỉ mặc dù đây không phải là ngành kinh doanh của công ty chúng tôi”, ông Li nói. Secoo cũng sửa chữa hàng miễn phí cho khách hàng mua đồ xa xỉ đã qua sử dụng của công ty.

Trước đây, khi người Trung Quốc chưa có thói quen mua hàng hiệu thì ngành nghề này hoàn toàn không có. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc mua các sản phẩm xa xỉ và nhu cầu cho dịch vụ bảo dưỡng mặt hàng này cũng tăng lên.

Theo một báo của của Công ty tư vấn Boston Consulting Group mới đây, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2015 với mức tăng trưởng hàng năm lên tới 22%.

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2015.

Chính vì triển vọng lớn như vậy, thậm chí những cửa hiệu nhỏ chuyên đánh giày tại Trung Quốc giờ đây cũng mở thêm dịch vụ sửa chữa hàng xa xỉ. Bà Wang, người điều hành một cửa hiệu thuộc chuỗi cửa hàng đánh giày tại Bắc Kinh, cho biết gần đây bà mở thêm dịch vụ làm sạch túi hàng hiệu. Do quy mô cửa hiệu quá nhỏ nên bà thường nhận hàng từ khách và gửi tới các cửa hàng lớn hơn thuộc chuỗi này. “Đây là một cơ hội kinh doanh mới cho chúng tôi và có thể chúng tôi sẽ tự cung cấp dịch vụ này trong tương lai”, bà Wang chia sẻ.

Tuy nhiên, các doanh nhân trên thị trường mới này vẫn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là về công nghệ. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp các cửa hàng sửa chữa làm hỏng đồ của khách. Các món đồ xa xỉ thường được làm thủ công và cần được xử lý hết sức cẩn thận.

“Chúng tôi thường cũng nhận được các món đồ bị các cửa hàng sửa chữa khác làm hỏng”, ông Wang Ruilin, Giám đốc marketing tại Công ty Sửa chữa và Bảo dưỡng Đồ da Bắc Kinh cho biết.

Những kỹ thuật viên làm trong lĩnh vực này cần có nhiều kinh nghiệm bên cạnh kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, một số người chỉ học một khóa đào tạo kéo dài 1-2 tháng và bắt đầu làm việc luôn. "Những kỹ thuật viên như vậy không thể xử lý những hỏng hóc phức tạp của mỗi loại hàng xa xỉ” ông Wang chia sẻ.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đang kêu gọi việc đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể về hành nghề và điều hành các cửa hàng sửa chữa hàng xa xỉ. Việc thiếu các quy định liên quan tới công nghệ và quy trình thống nhất trong lĩnh vực này đã khiến chất lượng của các cửa hàng không đồng bộ, ông Ren Guoqiang, một đối tác của công ty tư vấn Đức Roland Berger Strategy Consultants nhận định.

theo Chinadaily

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.489.269
Tổng truy cập: