VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nhớ thời hoa lửa
(Ngày đăng: 29/06/2012   Lượt xem: 1083)
Gần 40 năm đã qua đi nhưng trong tâm trí những cựu binh năm xưa, ký ức về cuộc chiến đấu ác liệt 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị vẫn vẹn nguyên. Đây không chỉ là nơi đồng đội của họ đã anh dũng hy sinh cho độc lập dân tộc, nơi họ gửi lại tuổi thanh xuân và một phần máu thịt, mà với họ nơi đây đã thực sự trở thành quê hương thứ hai.

Lễ mừng thọ các cựu chiến binh từng chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, được tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) ngoài ý nghĩa tôn vinh những cựu chiến binh cao tuổi còn như một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và xúc động giữa những người đồng đội. Đã gần 40 năm qua đi, các cựu binh thành cổ năm xưa giờ mái tóc đã pha sương nhưng ký ức về cuộc chiến đấu ác liệt 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm nào vẫn vẹn nguyên. Vào chiến trường Quảng Trị khi vừa tròn 25 tuổi, Trung tướng Bùi Xuân Chủ - Chính trị viên Đại đội 6, thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 bồi hồi nhớ lại: trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, chúng tôi tham gia chiến đấu đợt cuối cùng, một trong những đợt ác liệt nhất của cuộc chiến. Tất cả anh em trong đại đội trước khi vào trận địa đều viết sẵn một bức thư gửi thăm hỏi, dặn dò người thân, gia đình, trong thư cũng xác định rõ tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Là chính trị viên đại đội, được đọc những bức thư ấy tôi đã không giấu được xúc động. Cuộc chiến ác liệt kéo dài gần ba tháng ròng ấy có biết bao kỷ niệm, nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là vào buổi chiều ngày 13.9.1972. Sau những đợt oanh kích ác liệt hết đợt này đến đợt khác của địch, mặt đất bị bom đạn bằm nát như ruộng cày. Tổ ba người chúng tôi trực tiếp cầm súng chiến đấu trong một căn hầm giữa trận địa. Bỗng một chiến sỹ hô lên: Đạn pháo. Thủ trưởng nằm xuống. Rồi cậu ấy nằm trùm lên lấy thân mình che cho tôi. Đạn nổ, tôi bị thương ở chân. Hai chiến sỹ một người hy sinh, một người bị thương nặng. Sau trận chiến ác liệt 81 ngày đêm ấy, gần 30 chiến sỹ dũng cảm của Đại đội 6 năm ấy, ngoài tôi và anh Phạm Văn Tiến, quê ở Đô Lương, Nghệ An, không còn ai trở về... Hòa bình lập lại, hàng năm tôi thường xuyên vào thăm lại Quảng Trị và đến thăm anh Tiến. Tuy nhiên, do bị quá nhiều vết thương hiểm ác nên anh Tiến đã mất năm 2009. Với chúng tôi, những người lính từng chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị thì Quảng Trị như là quê hương thứ hai. Chính nơi đây đồng đội của chúng tôi đã gửi lại tuổi xuân, gửi lại máu xương cho đất nước được hòa bình, thống nhất. 
Những người chiến thắng

Năm nay đã ở tuổi 70 nhưng Trung tá Nguyễn Chí Thiện vẫn nhớ như in những ngày học sinh, sinh viên xếp bút nghiên lên đường đánh giặc đầy khí thế. Nhập ngũ năm 1965, thời kỳ đầu ông phục vụ quân đội ở đơn vị Tên lửa Phòng không, bảo vệ Hà Nội. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, đơn vị của ông tiến sâu vào miền Nam làm nhiệm vụ giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng... “Chúng tôi khi ấy vào mặt trận theo tiếng gọi của Tổ quốc, theo những câu thơ hừng hực lửa cách mạng của anh hùng Lê Mã Lương: Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường xa giục giã bước hành quân. Những câu thơ ấy như thúc giục tuổi trẻ chúng tôi hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đồng đội tôi nhiều người có giấy gọi vào đại học nhưng vẫn viết đơn bằng máu để xin ra mặt trận, dẫu biết rằng ra mặt trận là ác liệt, là bom đạn, là hy sinh, là không hẹn ngày về... Chúng tôi đều có chung một suy nghĩ: Đánh Mỹ xong sẽ trở lại giảng đường”. Lúc ấy ông Thiện là chính trị viên Đại đội 1, thuộc Tiểu đoàn 35, Trung đoàn 528 Phòng không. Nhiệm vụ của đơn vị ông là bắn máy bay địch, giữ đất, giữ những nơi đã được giải phóng đồng thời chi viện cho mặt trận bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, nhiều đồng đội đã ngã xuống, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng thật lạ là tất cả ai cũng quyết tâm một mất, một còn với kẻ địch. Kết thúc chiến tranh, Tiểu đoàn 35 đã bắn rơi 36 máy bay, riêng Đại đội 1 của ông Thiện bắn rơi 5 chiếc, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của toàn chiến dịch. Những năm gần đây ông Thiện và đồng đội thường tổ chức về thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội, cùng chia sẻ khó khăn hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống...

Xúc động, mừng vui khi gặp lại đồng đội, cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa lửa nhưng trong lòng Anh hùng Quân đội, Thiếu tướng Lê Mã Lương vẫn canh cánh một nỗi niềm: “những năm qua chúng ta đã làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tổ chức trọng thể các ngày lễ kỷ niệm chiến thắng, tuy nhiên chúng ta mới chỉ làm tốt việc kỷ niệm, tôn vinh các sự kiện. Đồng đội của chúng tôi, những cựu chiến binh, thương binh sau hơn mấy chục năm trở về từ chiến trường cuộc sống vẫn rất khó khăn. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo hơn nữa đến cuộc sống của chính những con người đã làm nên những sự kiện, chiến thắng vĩ đại ấy”.
Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.488.683
Tổng truy cập: