VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Những chiếc chiêng đồng cổ nhất
(Ngày đăng: 28/06/2012   Lượt xem: 776)

Tại Hòa Bình vừa diễn ra Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa cồng chiêng Mường.

Cả các bố mế Mường vẫn say sưa cồng chiêng trong lễ hội Khai Hạ hàng năm
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân đã tham dự với những tham luận và đề xuất với các cơ quan chuyên ngành quản lý Văn hóa Du lịch lịch sử, giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường nhằm phát huy di sản quý báu này của dân tộc Mường – một trong số những dân tộc cổ truyền và chiếm số lượng lớn ở nước ta. Nhân dịp này, Tamnhin.net xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Chiêng thuộc loại hình nhạc cụ bằng kim loại phát ra âm thanh nhờ việc “gõ” bởi một vật khác (dùi hoặc tay) vào phần mặt phẳng kim loại tròn. Khi gõ, thanh âm từ màng rung kim loại đó lan ra phần vành, bị chặn lại bởi một băng viền vành sẽ dội ngược trở lại, tạo ra âm rung vang vọng rền lâu. Với tư cách là một nhạc cụ gõ trên mặt phẳng kim loại tròn, chiêng có phần nào giống với trống đồng. Tuy nhiên, so với trống đồng, phần viền của chiêng thu ngắn hơn rất nhiều, tạo hình dáng gọn nhẹ và thường bản mặt đặt ở tư thế dựng đứng, thuận tiện cho một người sử dụng với một tay cầm dây quai chiêng, tay kia gõ thẳng hoặc cầm dùi gõ. Dạng nhạc cụ gõ như kiểu cồng chiêng hiện nay có thể phân thành hai loại hình khác nhau : Chiêng và Thanh la. Chiêng có núm nổi cao ở giữa, khi gõ chủ yếu tác động vào phần núm đó. Trái lại, Thanh la mặt gõ phẳng.


Với định danh như vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những chiêng đồng cổ nhất ở Việt Nam có thể là nắp của những chiếc thạp đồng Đông Sơn. Cùng một suy nghĩ như vậy, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cùng đã từng gọi những “nắp thạp” như vậy bằng thuật danh “gong” – ghi âm bằng chữ latin từ âm “cồng” của tiếng Việt. Trong thực tế, những nắp thạp đồng Đông Sơn đều phồng cong và ở chính giữa có mặt trời và các vành trang trí không khác lắm so với mặt trống đồng. Hai bên vành nắp thạp luôn có quai, tương ứng với đôi quai ở thân thạp, vốn dùng để buộc phần nắp với phần thân. Nhưng cặp quai đó có thể sử dụng để buộc dây làm thành quai cầm dựng đứng nắp thạp khi gõ nó như một chiếc chiêng. Ở một nắp thạp dạng Đông Sơn như vậy đào được ở Vân Nam (Trung Quốc), người ta thấy rõ một tai vành khuyên gắn ở viền ngoài nắp thạp. Bên cạnh trống đồng Ngọc Lũ nổi tiếng, nhóm thợ đào đất ở làng Như Trác xưa cũng tìm thấy một nắp thạp lớn, được các học giả Pháp mô tả như một chiếc “gong”. Có lẽ sẽ dễ hiểu điều này, khi mà vào cuối thời kỳ Văn hóa Đông Sơn xuất hiện loại hình nhạc cụ gõ hình dáng giống như một chiếc chậu úp, phần đáy chổng lên trên, chính giữa bao giờ cũng có phần núm gõ hình mặt trời nhiều tia. Nhạc cụ này được gõ ở tư thế úp xuống hay dựng đứng như chiêng đều được.


Với những chứng cứ khảo cổ học nói trên, chúng ta có thể tin rằng nguồn gốc của những chiếc chiêng đồng chuyên biệt sau này đã xuất hiện sớm nhất từ thời Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2500 năm.


Những chiếc chiêng Mường cổ gần ngàn năm tuổi trong nhà một người sưu tầm cổ vật

Khi nói đến hệ thống chiêng gắn với người Mường, chúng ta hoàn toàn có thể coi những nhạc cụ gõ bằng đồng hình mâm tròn có núm ở giữa, có hai hoặc ba quai ở viền vành thường đào được ở vùng đất Mường cùng thời với gốm thời Hoa Lư, Lý – Trần và trống đồng Mường, là tiền thân trực tiếp của các chiêng Mường hiện nay. Loại hình chiêng này trông khá giống với những chiếc “thanh la” ngày nay. Mặt gõ phẳng không có núm cao, vành viền cuốn nhẹ, ngắn như viền của một chiếc đĩa. Một vài chiếc “chiêng” thời này trang trí mặt trời nhiều cánh, còn lại đa phần chỉ là một núm tròn nhỏ ở chính giữa. Đáng chú ý là hệ thống hai hoặc ba quai ở vành ngoài không cân đối, chứng tỏ khi sử dụng chiêng được mắc quai và cầm một tay như chiêng hiện nay. Khác với những “nắp thạp” hay “trống chậu” thời Đông Sơn, các “thanh la” sớm này đa phần được gò chứ không phải đúc bằng khuôn ba mang.

Kiểu chiêng như chúng ta thường thấy hiện nay có lẽ mới chỉ xuất hiện vài ba trăm năm nay thôi. Khá hiếm trường hợp đào được loại chiêng này từ trong các ngôi mộ. Sự khác biệt rõ nét so với các loại hình “chiêng” tiền thân là ở phần núm to, nổi cao ở chính giữa mặt chiêng. Kiểu chiêng núm này phổ biến rộng gần khắp các nước Đông Nam Á. Khác biệt thường chỉ ở độ cao thấp của phần vành viền chiêng mà thôi. Chiêng loại này ở Phillipin, Malaysia, Indonesia có phần vành viền cao hơn chiêng Việt Nam. Tôi cho rằng sự hiện diện chiêng núm to ở Đông Nam Á là cùng một nhịp và cùng nguồn gốc.



Chiêc "gong" Đông Sơn thuộc loại sớm nhất với hơn 2000 năm tuổi

Truyền thống cồng chiêng Tây Nguyên, về logic, có thể gắn với sự tồn tại khá sớm của các trống đồng Đông Sơn ở trong vùng (khoảng 2000 năm trước đây). Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy các nắp thạp hay chậu trống ở vùng này. Thêm nữa, trong các mộ táng Tây Nguyên chúng ta cũng chưa thấy hiện tượng chôn theo các chiêng kiểu “thanh la” đồng như ở đất Mường (Thanh Hóa, Hòa Bình). Vì thế, tôi ngờ rằng thói quen sử dụng rượu cần đi kèm với cồng chiêng của người Tây Nguyên gắn với làn sóng di chuyển của những khối cư dân Nam Á từ vùng Bắc Việt Nam, trong đó đợt di chuyển lớn và gần nhất chính là cuộc nam tiến, tây tiến của các đời chúa Nguyễn. Ở đây xin nhấn mạnh những yếu tố văn hóa Mường in đậm trong văn hóa cung đình Huế mà Giáo sư Từ Chi đã nhiều lần giới thiệu. Ví dụ, chiếc vạc lớn trong cung đình Huế là kiểu vạc Mường. Nhiều món ăn cung đình rất giống món ăn trong các nghi lễ Mường. Người Tây Nguyên đều mua hoặc đặt làm chiêng, thanh la đồng từ những thợ Huế, Quảng Nam có nguồn gốc từ phía Bắc di cư theo chúa Nguyễn.

Xét về giai điệu thì cồng chiêng Mường đã đi xa hơn cồng chiêng Tây Nguyên rất nhiều. Cồng chiêng Mường mà thực chất là cồng chiêng “Nhà Lang” ít nhiều đã mang tính chất cồng chiêng “cung đình” với nhiều cấp thanh điệu kết hợp các loại âm vực chiêng khác nhau tạo ra “bài” cụ thể : “đón khách”, “đưa khách”, “gọi hồn”, “đưa hồn”…Trong khi đó, nhìn chung cồng chiêng Tây Nguyên mới chỉ dừng ở những giai điệu mang tính làm nhịp cho những điệu nhảy múa, di chuyển theo chu kỳ khá đơn giản.


Chúng ta mừng rằng UNESCO đã công nhận di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng chúng ta cần biết hơn đến một nguồn cội cồng chiêng sâu xa từ hàng ngàn năm trước của truyền thống cồng chiêng Việt Mường, trong đó, chính cư dân Mường là người đã liên tục duy trì truyền thống cồng chiêng và đã đưa nghệ thuật cồng chiêng tới mực phát triển cao nhất.



Chi tiết một chiếc chiêng Mường cổ gần ngàn năm tuổi




Chiêng đồng có núm trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Philippin


Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương chụp ảnh chung với đội cồng chiêng nghiệp dư xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nhân dịp đến thăm và làm việc với Trạm nghiên cứu Hòa Bình của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á


Nhạc cụ gõ hình Chậu của văn hóa Đông Sơn cũng được coi như một dạng tiền thân của cồng chiêng sau này


Chiếc thạp đồng thời Đông Sơn có phần nắp có thể dùng như một chiếc chiêng

Theo tamnhin

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.489.043
Tổng truy cập: