VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Sự chuyển động có nhịp điệu của các hòa sắc trong tranh Nguyễn Chính
(Ngày đăng: 28/06/2012   Lượt xem: 1049)

Bức tranh mang tên "Thổ cẩm" của họa sĩ Nguyễn Chính.

"Hoa lá lung linh trên tranh anh. Có những cụm đốm vàng rộn rã trong lá xanh như cánh bướm tíu tít trên cánh đồng bình yên..." - Thái Bá Vân.


Họa sĩ Nguyễn Chính sinh năm 1953 tại Nghệ An, nhưng cả đời sống và sáng tác tại thủ đô. Mùa xuân này, ông bước vào tuổi 60, tròn một hội tuổi, hội chơi với đất trời sông núi. 

Vào những năm 80, 90 của thế kỷ XX, nhắc đến bột màu, đến tĩnh vật  là nhắc đến Nguyễn Chính. 
Để có chỗ đứng nào đó trong làng mỹ thuật, một tên gọi gắn với chất liệu, đề tài như lụa Nguyễn Phan Chánh, gốm Nguyễn Văn Y, phố Bùi Xuân Phái…; thì đó không chỉ là tài năng, là sự phấn đấu mà còn là một may mắn.

Tôi không dám so sánh Nguyễn Chính với các vị tiền bối đó. Nhưng chắc chắn, anh đã có nỗ lực rất lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, một sự phấn đấu gian khổ không chỉ vì cái đẹp mà còn cả vì mưu sinh. Và anh cũng có cả may mắn khi tên anh được gắn cho không chỉ một mà cho cả ba: Chính bột màu, Chính tĩnh vật, Acrylic Nguyễn Chính. Tranh của anh không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn có mặt trong một số bảo tàng nước ngoài.

Họa sĩ Nguyễn Chính.

Trên nền chung, mỗi người nghệ sĩ đều có một quan niệm thẩm mỹ, một phong cách nghệ thuật riêng. Nguyễn Chính quan niệm rằng, cái đẹp là sự bình dị; nhìn bề ngoài có thể im lặng, khiêm nhường, nhưng bên trong là lửa nóng, là sự chuyển động không ngừng. Cái đẹp, đơn giản hơn, mỗi bức tranh được vẽ ra, nhằm ghi lại bằng hồn mình một phần cái đẹp khi hiển lộ, khi ẩn giấu của cuộc sống  để làm người ta yêu cuộc sống này hơn.   

Để làm người ta yêu cuộc sống, trước hết chính người nghệ sĩ phải trân trọng, nâng niu cuộc sống này. Không nói tới những năm “Tất cả vì tiền tuyến”, những năm làm việc trong cơ quan nhà nước thời bao cấp, phần vì con người phải thực hiện bộn bề những “bổn phận” của mình, phần vì không có điều kiện; thì nhiều năm gần đây, họa sĩ  Nguyễn Chính thường cùng người bạn đời của mình, chị Lê Bích Hà, rong ruổi khắp mọi nẻo đường đất nước hàng tháng trời, khi Tây Bắc, khi Tây Nguyên…; khi mùa hoa, khi mùa lúa chín; đặng ghi lấy vào mắt, vào tranh những nét đẹp của đời. 

Chọn “Tĩnh vật” (Nature morte) hẳn Nguyễn Chính cũng biết rằng, có thời phương tây xếp loại tranh này thấp nhất trong thang bậc các loại tranh mà đứng đầu là tranh lịch sử. 

Nhưng hơn nhiều loại hình khác, “tĩnh vật” được ra đời sớm cùng với bình minh nhân loại và hầu như họa sĩ nào, người thưởng ngoạn nào, thời kỳ nào cũng dành một sự quan tâm thích đáng cho tranh tĩnh vật.  Lịch sử hội họa ghi nhận, sự ghi nhận theo truyền thuyết rằng, họa sĩ Hy-lạp Zeuxis sống ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã vẽ một chùm nho giống đến nỗi chim chóc nhầm nho thật nên đến mổ  ăn. Sau đó, người ta tìm thấy các bức bích họa về những lẵng hoa quý ở các bức tường của thành phố Pompei. Các bức tranh về chim chóc, hoa lá (hoa điểu) của Phương Đông từ xa xưa cũng có thể coi là những bức tranh tĩnh vật, dù thuật ngữ này đến thế kỷ XVIII mới xuất hiện ở châu Âu.

Họa sĩ Chính với những tác phẩm trừu tượng mới.

Nói đến tĩnh vật là nói đến sự đứng im, sự yên lặng của sự vật. Triết học Phương Đông đề cao cái tĩnh, coi cái tĩnh là tuyệt đối, là bất biến. Phương Tây coi sự vận động là tuyệt đối. Thật ra, đó là hai mặt cùng tuyệt đối và bất biến của sự vật, của thế giới. Xét cho cùng, thì không chỉ tranh tĩnh vật mà mọi sự vật trong mọi loại tranh  đều là tĩnh. Cái động nằm trong ánh mắt và sự tưởng tượng của người xem, nhưng trước hết phải có trong người vẽ. Trong tranh Nguyễn Chính, có lẽ trên cơ sở nhận thức ấy, đã thể hiện một cách sáng tạo, lý thú giữa tĩnhđộng. Cái tĩnh mênh mông, bất biến; mà cái động cũng bao trùm, được nhìn thấy ở mọi góc tranh, mọi hình, nét và chuyển biến có nhịp điệu của các sắc màu. Tâm hồn họa sĩ, tâm hồn người xem chuyển động và được bồi, lắng theo nhịp điệu của các hòa sắc. Dường như nhẹ mà sâu, dường như vui, như rực rỡ mà man mác… đó là cảm xúc thường cùng đến khi xem tranh Nguyễn Chính.

Về lý thuyết, chúng ta có thể thừa nhận với nhau rằng, tranh tĩnh vật được vẽ để ca ngợi sự sống, kêu gọi hưởng thụ những cái đẹp gần gũi và thực tế  như hoa quả, rượu trà, không gian sống tự nhiên. Nó làm rực rỡ cái bình thường xung quanh. Sâu xa, đó là cảm thức, là sự lo lắng và kinh sợ trước sự ngắn ngủi của đời người giữa cái đẹp vô tận của tự nhiên. Thí dụ, các họa sĩ thời kỳ đầu Phục hưng đã vẽ cái đầu lâu đặt giữa các món ăn ngon. Trong tranh tĩnh vật, ngoài tả thực, vẫn có đất rộng cho các bút pháp khác.

Tranh nói chung, Tranh tĩnh vật của Nguyễn Chính có gì khác?

Vẫn là những điều cơ bản ấy nhưng hoa lá của anh là hoa lá Việt Nam, cái nhìn của anh là cái nhìn của một người Việt Nam yêu đời, yêu người, làm chủ được chất liệu (bột màu, sơn dầu, acrylic). Đặc biệt, trong cái rất thực, thực như thật của anh, lại rất biến ảo. Biến ảo đến huyền ảo nhưng vẫn giản dị, không hề có vẻ gì cầu kỳ, bí hiểm. Xem tranh Nguyễn Chính, người ta không có cảm giác choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của một thiên tài. Nhưng ở nhiều bức tranh, như Người bán khèn, người ta bị mê hoặc ngay bởi vẻ đẹp lộng lẫy của người con gái Mông với váy áo rực rỡ của muôn sắc hoa rừng, của tuổi dậy thì. Cái khèn chỉ còn là vật tượng trưng, còn bản nhạc cất lên từ màu sắc, ánh sáng, từ những đường cong nổi và nhòa, ẩn và hiện; nhất là từ đôi mắt đang cháy. Đôi mắt ấy sắc và lạ, thậm chí không hiền, nhưng lại thể hiện thành công khát vọng, về sự chờ đợi  những cái gì thật sâu hơn, xa hơn, khác thường hơn cuộc sống của cô.

Bức tranh "Hoa đỏ".

Vẽ về thiếu nữ, Nguyễn Chính còn có Nắng mềm, Quả chín…Tôi yêu bức Quả chín vì nó còn mềm hơn cả nắng mềm. Có gì đó cầm được, liên tưởng được và có gì đó đang bay.

Ở bức Hoa đỏ,dường như ánh sáng đang ríu rít nở hoa. Còn các cánh hoa thì đang bay, đang  “căng ” hết mình ra để sống hết một đời hoa, để cuốn theo chiều gió, dù đó là gió từ chiều nào thổi tới. Và bản thân cái bình,thông thường chỉ là cái chứa đựng, cũng không cam phận làm cái chứa đựng. Nó đang chuyển về màu, chuyển về hình để sống đời sống của hoa, chỉ gửi lại cái bóng của mình cho hiện tại.
Sự chuyển động mạnh và tinh tế là đặc điểm nổi bật trong tranh Nguyễn Chính. Ở đó thấy chiều của lực, thấy chuyển động của vật, thấy sự sắp xếp, bổ sung của các yếu tố tượng trưng, thấy chuyển động quang học và thấy chuyển động của chính ta.

Tất cả được thổi từ hồn Nguyễn Chính, tâm hồn của một nghệ sĩ rất lãng mạn, rất yêu đời, nhưng cũng rất hiện thực, rất cơ bản và vững vàng nghề nghiệp.

Bức tranh "Người bán khèn".
 
Nhận xét về tranh Nguyễn Chính, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân - một tài năng hiếm có trong lĩnh vực này đã viết: “Hoa lá lung linh trên tranh anh. Có những cụm đốm vàng rộn rã trong lá xanh như cánh bướm tíu tít trên cánh đồng bình yên. Có những chùm hoa dại bâng khuâng màu tím, mà độ đậm nhạt vừa đủ để thấy chúng lay động bởi cơn gió nằm chính trong con mắt chúng ta”.

Còn Nguyễn Chính thì tâm sự: “Tôi làm nghệ thuật không phải để nổi tiếng. Mục đích của tôi là làm cho mọi người yêu cuộc sống này hơn”!

Bức tranh "Thổ cẩm".

Với người có mục đích như vậy, cũng khó bàn thêm về tranh của họ. Tôi bỗng nhớ tới tuyên ngôn của Kadinsky, họa sĩ Nga, một chủ soái của phái trừu tượng: "Chúng tôi không chủ tâm truyền bá một hình thái cụ thể nào. Mục đích của chúng tôi là muốn trình bày qua những hình thức đa dạng để đưa ra cái khát vọng của người nghệ sĩ là được thể hiện nội tâm của mình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau”.

Nội tâm, hay cách gọi khác là “tất yếu nội tại” (Necessite’ Interieure) - cách gọi của nhà thơ Pháp Paul Eluard. Tôi nghĩ Nguyễn Chính đã đạt đến, đã  thể hiện thành công cái necessite’ interieure của mình./.
Theo dvt
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.488.528
Tổng truy cập: