VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Biếm họa - vũ khí sắc bén
(Ngày đăng: 28/06/2012   Lượt xem: 698)
Theo HỌA SỸ LÝ TRỰC DŨNG, biếm họa như một thứ vũ khí sắc bén góp phần tích cực chống lại sự trì trệ của xã hội. Biếm họa không bao giờ ca ngợi cái xấu, cái ác mà chỉ đấu tranh cho những gì chưa hoàn thiện, chưa hoàn mỹ, những gì còn tồn tại và nó là một sự cảnh tỉnh đối với hệ thống xã hội.

Biếm họa của Lý Trực Dũng

- Biếm họa xuất hiện ở nước ta khá sớm và khẳng định được thế mạnh của một loại hình nghệ thuật độc đáo. Theo ông, biếm họa có vai trò như thế nào trong đời sống xã hội hiện nay?

- Trước đây trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chúng ta đã sử dụng biếm họa và trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới chúng ta cũng sử dụng biếm họa rất tốt. Biếm họa như một thứ vũ khí sắc bén góp phần chống lại sự trì trệ của xã hội. Nếu bây giờ biếm họa được khuyến khích để chống nạn tham ô, hối lộ, tham nhũng… chắc biếm họa cũng sẽ phát huy tốt thế mạnh của mình. Bởi biếm họa là hình ảnh, mà hình ảnh nó đến với mọi người nhanh hơn rất nhiều so với đọc.

Biếm họa không bao giờ ca ngợi cái xấu, cái ác mà chỉ đấu tranh cho những gì chưa hoàn thiện, chưa hoàn mỹ, những gì còn tồn tại và nó là một sự cảnh tỉnh đối với hệ thống xã hội. Hiện nay biếm họa phát triển rất nhanh và mạnh, không ai hay thế lực nào có thể ngăn cản, đặc biệt là trong thời đại thế giới phẳng của internet. Vấn đề ở chỗ phải sử dụng biếm họa thế nào tốt nhất để hướng cho biếm họa đấu tranh chống cái ác, cái xấu. Muốn làm được như vậy, phải hiểu bản chất của biếm họa để sử dụng nó tốt hơn.

Chúng ta có thể thấy rằng, hiện nay thông tin không hẳn là quan trọng nhất mà quan trọng hơn là những đánh giá về thông tin ấy như thế nào, biếm họa làm được điều đó. Ví như vấn đề giáo dục, biếm họa cho chúng ta thấy rằng cải cách giáo dục là cần thiết nhưng phải cách một cách tích cực, hướng thiện, làm thế nào để các em tự tin hơn, học hành giỏi hơn. Tôi thấy trẻ em Việt Nam ra nước ngoài học rất giỏi thế nhưng học ở trong nước xong khi ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, điều đó cho thấy đào tạo của mình vẫn còn yếu kém.

Theo tôi, không có gì phải sợ biếm họa, biếm họa chính là xây dựng, được định hướng tốt nó sẽ giúp ích cho mọi người, cho xã hội nhiều hơn. Như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lúc đầu khi bị phê phán bà ấy cũng nổi khùng lên nhưng sau đó lại nói rằng, rất may là người ta nói cho tôi những thiếu sót mà bản thân tôi không bao giờ biết được.

- Những tác phẩm biếm họa có hiệu ứng đặc biệt với xã hội, thể hiện tầm nhìn có chiều sâu về nhiều lĩnh vực của đời sống, vậy một họa sỹ biếm họa cần có tố chất gì?

- Đa số họa sỹ vẽ tranh biếm họa nổi tiếng trên thế giới và trong nước mà tôi biết thì họ không phải họa sỹ được học trong các trường mỹ thuật. Họ là những người rất bình thường, làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều nghề khác nhau như: kỹ sư, bác sỹ, kiến trúc sư, giáo viên... Họ được đánh giá là những người thuộc giới trí thức, có tầm nhìn và khả năng phản biện xã hội, đó là yếu tố quan trọng nhất để làm nên một họa sỹ biếm họa.

- Có người nhận xét rằng, các họa sỹ biếm họa, nhất là các họa sỹ biếm họa chính trị, cuộc đời họ đều ít nhiều có bi kịch. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Tôi cũng thấy không ít họa sỹ biếm họa trên thế giới đã mắc vào vòng lao lý bởi chính tác phẩm của họ. Có người bị chết vì những tác phẩm biếm họa của mình như một họa sỹ nổi tiếng người Đức vẽ tranh chống Hitler bị bắt, tuyên án tử hình và ông đã tự vẫn trong tù. Có họa sỹ còn bị dọa giết, bị truy đuổi nhiều năm ròng mà đến bây giờ vẫn đang phải trốn chạy.

- Vừa được mời làm giám khảo một cuộc thi tranh biếm, ông thấy các họa sỹ trẻ hiện nay có mặn mà với biếm họa không?

- Đây quả thật là vấn đề chúng tôi rất lo lắng. Tranh biếm hiện nay không lôi cuốn được giới họa sỹ trẻ. Có nhiều lý do như nhuận bút tranh biếm ngày càng thấp. Nếu ngày trước nhuận bút tranh được một bát phở thì giờ chỉ được cốc cà phê. Thù lao bèo bọt quá nên họ không muốn bỏ tâm sức ra làm. Sáng tác biếm họa hiện nay vừa ít tiền, vừa không thỏa mãn được đam mê nên ít người theo cũng đúng thôi. Tuy vậy, tôi biết có những họa sỹ vẫn đam mê vẽ tranh biếm và họ không chỉ đăng báo mà đăng cả trên blog, đây là một hướng đi mới và nên được khuyến khích.

- Xin cám ơn họa sỹ!

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.488.612
Tổng truy cập: