Từ thủa khai thiên lập
địa, nước mình đâu có thiếu gì những bậc anh hùng, những con người tài năng.
Mình dự định làm một bộ tượng về các vị anh hùng lịch sử từ thời Hùng Vương đến
nay nhưng chưa có thời gian và nguồn lực cũng chưa đủ. Chắc phải một hai năm
nữa mới dám thực hiện.
Quay trở lại làng
Bát Tràng vào một buổi chiều cuối tháng tư, khi cái nắng đầu hạ đã bắt đầu tắt,
con đường chính và các con ngõ dần chứa đầy bóng tối. Lần theo những con ngõ
sâu hun hút và lắt léo, đi qua những ngôi nhà được xây dựng trên nền những lò
nung gốm than đã cũ, phủ đầy rêu vàng úa, chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân
trẻ Trần Nam Tước.
Cách đây khoảng 2
năm, khi theo một người bạn quê ở làng Bát Tràng về dự triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng, cổ truyền và hiện đại”,
nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi thấy nhiều du khách đứng quanh
một bức tượng gốm cao gần 2m, bên cạnh là một bảng chú thích màu vàng. Một vị
khách đọc to những chữ trên thân tượng “Hoàng nhi xuất thế. Tinh túy
thần long - Quốc gia hữu vĩnh. Sơn hà
cố”, sau đó thì tấm tắc, gật gù nói
“lời ít mà ý nhiều”. Trò chuyện với vị khách, tôi được biết, bức tượng đó là
của nghệ nhân Trần Nam Tước, có tên là Người
con của rồng và hai câu chữ Hán trên thân tượng chính là nói về nguồn gốc,
xuất xứ ý tưởng của tác giả về tác phẩm của mình. Bức tượng có
sự biến đổi màu đến kỳ ảo dưới men (sau khi đã nung chảy qua lửa) của hàm rồng,
vây rồng đã tôn lên vẻ tráng lệ, thông minh và tài hoa của vị Phật hoàng lúc
còn trẻ đang ngồi trong miệng rồng như báo hiệu cho một nhân tài xuất chúng của
đất nước mà sau này lịch sử đã từng trang minh chứng.

Tác phẩm lấy cảm hứng từ truyền thuyết Cha Rồng Mẹ
Tiên. Tổng thể tác phẩm là một hình tượng đầu rồng vững chãi . Phía trên đầu
Rồng ở vị trí trang trọng nhất là hình ảnh Bồ Tát thiêng liêng. Trong hàm Rồng
là hình tượng Phật hoàng Lý Công Uẩn lúc sinh thời gần gũi ấm áp. Vị trí an tọa
trong hàm rồng của Phật hoàng là ẩn ý của tác giả khẳng định đất Thăng Long
1000 năm đã qua và mai sau, nơi đây mãi mãi là đất “Địa linh sinh nhân kiệt”
…Tìm đến tư gia của
nghệ nhân Trần Nam Tước, anh niềm nở đón chúng tôi tại cửa nhà và vui vẻ dẫn
chúng tôi đi tham quan khu xưởng vẽ và ngôi nhà của mình. Xưởng gốm của anh nằm
ngay dưới tầng 1 ngôi nhà, không rộng nhưng khắp nơi là những tượng gốm. Trong
một góc phòng, tôi thấy hai con nghê được nặn vuốt cầu kỳ nhưng chưa tráng men.
Anh cười nói “Gốm là một chất liệu đặc
biệt và nó cần phải được kiểm định bằng thời gian. Muốn có màu men đẹp thì
trước khi tráng men, sản phẩm thô cần có thời gian để đất chuyển hóa hết những
tinh túy của nó. Mẫu đôi nghê ấy, mình đã làm từ lâu lắm rồi nhưng vẫn còn chờ
để đổ men”.


Nghệ nhân Trần Nam Tước đang
tạo mẫu nghê
Rời xưởng gốm,
chúng tôi đến với bảo tàng gốm thu nhỏ của anh – đây cũng là phòng khách. Ngay
ở cửa phía bên tay phải là bức tượng Bồ
đề đạt ma men nâu, đầu đội mũ, tay cầm tràng hạt, lông mày lưỡi mác rất
sống động và có thần. Ngoài ra khắp nơi trong phòng là một số các tác phẩm
tượng nhỏ như tượng các vị danh sư nổi tiếng, Linh cóc cầu mưa, các ấm, chóe, bình…Mắt tôi dừng lại ở tác phẩm Người con của rồng được anh nâng niu đặt
trên một cái bệ và bên cạnh là tượng vua Lý Công Uẩn lúc còn là một tiểu đồng
trong chùa.


Bảo tàng gốm của nghệ nhân
Trần Nam Tước

Tượng Vua Lý Công Uẩn thủa thiếu thời với bộ áo cà sa,
tay cầm mõ. Khuôn mặt an nhiên, tự tại. Mắt nhắm mà lòng mở đến bốn phương.
“Viết sử bằng tượng gốm”
Nâng chén rượu Làng
Gạo, anh Tước chậm rãi kể về con đường đến với cái “nghiệp gốm” của mình. Trần Nam Tước sinh
ra và lớn lên ở quê hương của lúa – Thái Bình.
Trước khi đến với nghề gốm, anh đã trải qua khá nhiều nghề từ thu mua
phế liệu, phụ hồ, khai thác gỗ, làm mộc, lái xe rồi cả dịch vụ đám cưới, chơi
nhạc, chụp ảnh… sau đó mới đến Bát Tràng học nghề. Ngày xưa các cụ dạy “ phi sư
bất thành tài”. Với sự dìu dắt, giúp đỡ của các bậc tiền bối, các bác, chú
trong làng cùng với tài năng bẩm sinh, anh đã nhanh chóng làm chủ được những kỹ
thuật làm gốm như nặn, vuốt, đổ men… và trở thành một thợ giỏi trong làng.
Nói về các tác phẩm
làm gốm của mình, anh Tước chia sẻ “Ngày
nay, rất ít người chịu tìm hiểu sâu về lịch sử cũng như truyền thuyết Việt, nên
không hiểu hết những giá trị và những mã lịch sử và mã văn hóa ẩn sâu dưới
những lớp truyền thuyết hay những câu chuyện kể. Mình làm tượng lịch sử thì
phải đọc nhiều sử để nắm được cái thần nhân vật.”
Tôi nhìn ngắm những
bức tượng của anh, thấy ở trên cái bàn nhỏ có một bức tượng sư khá lớn. Tôi hỏi
anh “ Thần thái của vị sư này trông rất
lạ. Thường các vị sư có khuôn mặt từ bi hỉ xả, tượng vị sư này có khuôn mặt
nghiêm trang, cứng rắn quyết đoán với nhiều tâm tư thể hiện sự duy lý, nét
thông tuệ của một con người có nhiều mưu sách.”
Anh cười và bảo, bức
tượng ấy là anh tạc Phật Hoàng Trần Thủ Độ - là người không chỉ có mưu lược trong việc dựng nước và giữ
nước mà còn là người có đầu óc tổ chức, phát triển kinh tế. Dù ông có xuất gia
đi tu thì những nét tài ba xuất chúng của một con người đầy trí tuệ và cả sự
lạnh lùng của một vị tướng mà người đời còn nhiều tranh cãi cũng không thể mờ
phai được.

Trong lịch sử Việt Nam,
Trần Thủ Độ là một người để lại quá nhiều đánh giá khác biệt. "Bất độc bất
anh hùng”. Nhưng đằng sau những mưu sách đảm lược của một Thủ Độ- cột trụ chống
trời còn là một Thủ Độ đầy tâm tư.
Để tạo nên được một sản phẩm
gốm đẹp đã khó nhưng việc phải chuyển tải được đươc hết cái hồn cốt của các
nhân vật sao cho đúng với lịch sử để người xem có thể cảm nhận được là điều mà
không phải nghệ nhân nào cũng làm được.
- “Dường như anh định viết
sử bằng tượng gốm?”
- “ Từ thủa khai thiên lập
địa, nước mình đâu có thiếu gì những bậc anh hùng, những con người tài năng.
Mình dự định làm một bộ tượng về các vị anh hùng lịch sử từ thời Hùng Vương đến
nay nhưng chưa có thời gian và nguồn lực cũng chưa đủ. Chắc phải một hai năm
nữa mới dám thực hiện”.
Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ (Anh
Tước sinh năm 1974) và không được qua trường lớp đào tạo nào nhưng anh Tước lại
có được một khối lượng tri thức khổng lồ về những kiến thức lịch sử và triết lý tôn giáo. Bằng
chất giọng mộc mạc, anh cuốn tôi vào những câu chuyện về đời sống văn hóa, tâm
linh của người Việt với những phân tích sâu sắc về thời kỳ “tam giáo đồng
nguyên” và những ảnh hưởng mà thời kỳ cực thịnh của tam giáo để lại trong những
phong tục tín ngưỡng của người Việt còn tồn tại cho đến ngày nay. Sự am hiểu đó
đã được anh đưa vào những tác phẩm của mình, tạo nên một cái gì đó rất đậm chất
Việt.

Trong dự định công việc sắp tới,
để tri ân với quê hương, Trần Nam Tước sẽ tiến hành thi một bức tranh cổ động
về cuộc khởi nghĩa Thiên Hưng – Thái Bình trước năm 1930 Bức tranh lấy ý tưởng
từ hình ảnh đoàn thuyền ra khơi và hình ảnh cánh chim bồ câu với đôi mắt là họa
tiết ngôi sao năm cánh. Đuôi chim là biểu tượng hoa sen cách điệu, các họa tiết
trên mặt trống đồng và hoa văn tượng trưng cho văn hóa nhà Trần. Bức tranh được
xây dựng trên nền gồm ba tầng tiêu biểu cho ba giai cấp ở Việt Nam là
Công – Nông – Thương.

Bản thiết kế mẫu tượng đài
ở Thái Bình
Nếu như các tác phẩm gốm cần
thời gian và lửa để biến “đất thành vàng” thì đối với các nghệ nhân cũng cần
phải có “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng
tạo đến khôn cùng, người nghệ nhân trẻ Trần Nam Tước đã tạo ra những tác phẩm
từ đất mang cả hồn người.
Mai Hà