Tin tức nổi bật
(29)- Bản giao hưởng về tình mẫu tử
(Ngày đăng: 08/03/2024   Lượt xem: 18)

Triển lãm ảnh 'Mẹ yêu con' đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được ví như bản giao hưởng về tình mẫu tử. Nghệ sĩ nhiếp ảnh LÊ BÍCH chia sẻ, gần 20 năm thực hiện các tác phẩm cũng là hành trình anh lưu giữ những khoảnh khắc đời thường ấm áp giữa mẹ và con, để cùng nhiếp ảnh chạm đến trái tim khán giả, để chúng ta thêm yêu mẹ…
Tác phẩm “Ấp áp tình mẹ”. Người phụ nữ trong ảnh là lái đò ở chùa Hương, sau mỗi lần đò được nghỉ chờ khách kế tiếp chị tranh thủ về chăm sóc các con.

Tác phẩm “Ấp áp tình mẹ”. Người phụ nữ trong ảnh là lái đò ở chùa Hương, sau mỗi lần đò được nghỉ chờ khách kế tiếp chị tranh thủ về chăm sóc các con.

Những cung bậc cảm xúc về tình mẫu tử

- Ý tưởng và cảm hứng cho triển lãm "Mẹ yêu con" của anh bắt đầu như thế nào?

- Năm 2005, khi thực hiện bức ảnh Trên lưng mẹ, tôi đã có cảm xúc đặc biệt về tình mẫu tử. Hình ảnh em bé dân tộc Mông ngủ ngon trên lưng người mẹ đang bán hàng tại phiên chợ Bắc Hà, Sa Pa, Lào Cai, đã chạm đến trái tim của tôi một cách mạnh mẽ. Khi ấy, tôi chợt nhớ đến ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm: Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng… (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ) và quyết định sẽ bắt đầu hành trình khám phá những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình mẫu tử.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích

- Tại sao phải đợi đến gần 20 năm sau, anh mới quyết định chia sẻ những cung bậc xúc cảm ấy tới công chúng?

- Trở thành nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, tôi nhận thấy mình phải tư duy có chiều sâu hơn, phải nâng tầm các tác phẩm, vì nghệ thuật không thể dễ dãi. Nếu tôi chỉ đi chụp như một người khách du lịch thì chưa đi sâu và không thể chạm đến người xem. Hơn nữa, sở trường của tôi vẫn là các di sản văn hóa Việt Nam. Nhưng trong suốt 20 năm qua, đi dọc các tỉnh miền núi phía Bắc cho đến các tỉnh miền Trung, tôi vẫn gặp gỡ, trò chuyện và “chớp” những phút giây đầy cảm xúc chân thực về câu chuyện bình dị của mẹ và con. Mặc dù chụp nhiều nhưng với triển lãm Mẹ yêu con, tôi gói gọn trong 30 bức ảnh, mỗi bức ảnh là một câu chuyện.

- Bức ảnh nào khiến anh có ấn tượng mạnh mẽ nhất không và câu chuyện đằng sau đó là gì?

- Tôi được chị Mai Anh mời làm phụ trách hình ảnh cho Quỹ Thiện Nhân và những người bạn (phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em) và nhận thấy ở đó, tình mẫu tử được thể hiện một cách mạnh mẽ và đậm nét. Trong triển lãm lần này, tôi chọn bức ảnh Con đau một, mẹ đau mười. Đó là khoảnh khắc người mẹ nhìn con sau ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng. Người mẹ lúc ấy dường như không thấy tôi ở đấy nữa, chỉ chú ý đến con như muốn đau thay cho nỗi đau của con… Đó cũng là lúc nhiếp ảnh và cảm xúc đời thực hòa làm một…

Hoặc bức ảnh Bên mẹ trọn đời, tôi chụp ở làng Chuông - một làng nghề làm nón thủ công truyền thống. Bà mẹ 98 tuổi hàng ngày ngồi khâu nón bên con gái 78 tuổi. Hai mẹ con họ đã ngồi đó gần như cả cuộc đời vì người con gái bị mù nên phải nương nhờ mẹ. Bà lần mò tự khâu nón và nhờ đến mẹ khi cần xâu kim hoặc xử lý việc khó. Hình ảnh ấy đối với tôi không chỉ đẹp mà còn toát lên biết bao yêu thương, tình người trắc ẩn và ấm áp.

Nguồn năng lượng tích cực

- Anh nghĩ sao về việc thể hiện tình mẫu tử qua nghệ thuật nhiếp ảnh, so với chụp ảnh về di sản văn hóa thì đề tài này dễ hay khó hơn?

- Tôi nghĩ cả hai. Dễ vì ai cũng thấy nhưng khó là chụp làm sao có được ngôn ngữ nhiếp ảnh riêng, không lặp lại, chạm được vào cảm xúc của người xem. Ví dụ cứ chụp đi chụp lại hình ảnh mẹ địu con trên nương thì rất dễ bị nhàm chán. Tôi suy tư nhiều và chọn cách kể bao quát từ miền núi, miền biển, miền đồng bằng và thành phố, từ người Mông, Thái, Nùng, đến Lô Lô đen và người Kinh. Tuy khác vùng miền, dân tộc song việc thể hiện tình cảm với những đứa con yêu thương của mình cũng rất tự nhiên dù trong giây phút lao động, vui chơi, nghỉ ngơi hay trao truyền tri thức…

Tác phẩm "Trên cồn cát". Hai mẹ con ngồi chờ khách thuê làm mẫu chụp ảnh tại đồi cát Phan Thiết, Bình Thuận

- Khi chụp ảnh về tình mẫu tử, anh thấy mình nhận được gì?

- Điều đầu tiên mà bản thân tôi nhận thấy là mình cũng thay đổi. Để chụp ảnh, tôi quan sát khá kỹ và đi vào những câu chuyện chiều sâu, vì thế, khi về nhà tôi yêu mẹ nhiều hơn, cảm giác mình có những lúc chưa phải, chưa dành nhiều thời gian và tình yêu cho mẹ. Giá trị thứ hai mà tôi nhận được là hạnh phúc khi thấy bức ảnh của mình được ghi nhận hay đem lại niềm vui cho ai đó. Ví dụ, ảnh chụp mẹ Mai Anh nhìn bé Thiện Nhân lần đầu đi xe đạp, được chọn là một trong 100 khoảnh khắc bất tử của phụ nữ Việt Nam, trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đó là thành quả rất đáng khích lệ đối với tôi, vì tác phẩm của mình góp phần đem đến một nguồn năng lượng tích cực cho nhiều bà mẹ khác.

Hay có nhân vật trong ảnh là bạn của tôi. Bạn mua một chiếc đèn kéo quân để con khám phá sự lung linh cổ tích của Trung thu truyền thống. Tôi đã chụp được khoảnh khắc ấy. Đến giờ, bức ảnh được phóng to và để trang trọng trong gia đình bạn như một kỷ niệm đẹp giữa hai mẹ con...

- Trong thời đại nghe nhìn hiện nay, khi những thước phim ngắn liên tục đập vào mắt người xem, anh có nghĩ rằng khán giả sẽ lắng lại để xem một bức ảnh nghệ thuật hay không? Và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người?

- Thực ra ý bạn hỏi cũng là điều mà tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Chưa kể, bây giờ còn có cả AI (trí tuệ nhân tạo) nữa, bạn chỉ cần khai báo từ khóa là có ngay một bức ảnh đẹp. Nhưng điều tôi tâm niệm là hãy cứ làm hết sức có thể, xuất phát từ đam mê và tình cảm chân thành. Sự miệt mài lao động sẽ được đền đáp xứng đáng khi từng khoảnh khắc qua ống kính chạm được cảm xúc của người xem. Dù sao, ngôn ngữ nhiếp ảnh truyền thống vẫn có tính xác thực, tạo ra xúc cảm mạnh hơn là những gì được tạo ra từ máy móc.

- Xin cảm ơn anh!

                                           Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.489.177
Tổng truy cập: