Tin tức nổi bật
Giữ gìn bản sắc di tích
(Ngày đăng: 09/01/2018   Lượt xem: 690)

Giới thiệu các mẫu linh vật Việt tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: NHẬT BẮC

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thành phố đã có nhiều nỗ lực loại bỏ linh vật ngoại lai. Đến nay, hầu hết các di tích trên địa bàn đã không còn đặt những linh vật này, trả lại vẻ đẹp vốn có của di tích.

Nâng cao ý thức người dân

Những năm gần đây, trào lưu "cung tiến" hiện vật vào các di tích diễn ra hết sức mạnh mẽ. Trong khi đó, những người quản lý trực tiếp đình, chùa, đền, miếu lại thiếu kiến thức để phân biệt đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật mang bản sắc Việt. Công tác quản lý công đức hiện vật chưa được tổ chức chặt chẽ. Điều này dẫn đến thực trạng dưới những mái đình, mái chùa Việt, xuất hiện hiện vật lai căng, nhiều nhất là sư tử đá theo mô-típ ngoại, không phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam. Tại Hà Nội, một số di tích điển hình như: đình Yên Phụ (quận Tây Hồ), chùa Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng), chùa Gia Quất (quận Long Biên), chùa Một Cột (quận Ba Đình)... có những linh vật ngoại lai kích cỡ lớn được bày đặt khắp nơi. Riêng chùa Mộ Lao (quận Hà Đông) có đến sáu con sư tử đá dữ tợn. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày (8-8-2014), trên địa bàn thành phố có 426 hiện vật ngoại lai các loại, chủ yếu là sư tử đá kiểu dáng nước ngoài.

Hiện vật ngoại lai tại các di tích đều gắn với yếu tố tâm linh. Bởi vậy, dù mong muốn loại bỏ, nhưng các cấp chính quyền và ngành văn hóa không thể dùng biện pháp cưỡng chế, mà tập trung vận động, tuyên truyền. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã tổ chức bốn đợt tập huấn về bài trí truyền thống tại di tích và nhận diện các linh vật phù hợp với di tích của Việt Nam. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã cũng có những chương trình tuyên truyền riêng dành cho cán bộ phường, xã, các vị thủ nhang, trụ trì di tích... Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, nhất là Ban Quản lý di tích ở các địa phương tiến hành di dời các hiện vật không phù hợp. Trong năm 2014, thành phố di chuyển được 172 hiện vật, trong đó có 146 sư tử. Công tác này tiếp tục được đẩy mạnh trong các năm tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trương Minh Tiến cho biết: Nhân dân nhiều địa phương đã tự giác di dời hiện vật. Việc kiên trì vận động di chuyển "hiện vật lạ" tại nhiều địa phương có kết quả tốt như quận Long Biên, quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì, huyện Đông Anh... Sau khi di dời, các quận, huyện, thị xã tích cực kiểm tra, hướng dẫn địa phương tiếp nhận công đức, cho nên không phát sinh thêm trường hợp đưa linh vật, đồ thờ không đúng với truyền thống của người Việt vào di tích.

Lấy xây để chống

Cùng với loại trừ linh vật ngoại lai, thành phố Hà Nội chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng linh vật truyền thống. Ngành văn hóa đã phối hợp các nhà nghiên cứu phổ biến, đưa vào sử dụng mẫu linh vật nghê. Điển hình là đình làng thôn Trạch Xá (huyện Ứng Hòa). Sau khi di dời sư tử đá, với sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu, nghệ nhân, nhân dân địa phương đã đặt cặp nghê phục dựng theo mẫu nghê thế kỷ 17 vào thế chỗ đôi sư tử ngoại lai. Trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (ngày 23-11-2016), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp các nhà nghiên cứu, nhóm Đình làng Việt và các nghệ nhân tổ chức triển lãm chuyên đề "Linh vật Việt" tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm giới thiệu hơn 200 hình ảnh linh vật gồm: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc, chó, rùa, cá… được nghiên cứu, sưu tầm tại các di tích, kết hợp với hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm phục dựng linh vật, do nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện. Triển lãm giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về kiểu dáng của linh vật Việt, ý nghĩa, cách bài trí cũng như tạo hình nghệ thuật để phù hợp hơn với không gian di tích, với từng giai đoạn lịch sử. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, kế thừa, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, nhận diện những giá trị mỹ thuật, giá trị biểu tượng của linh vật và đưa linh vật Việt xích lại gần hơn với công chúng.

Tháng 12-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sơ kết ba năm thực hiện Công văn số 2662 (ngày 8-8-2014) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt việc trả lại vẻ đẹp bản sắc Việt cho các di tích. Hiện trên địa bàn hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến mới, bày đặt, sử dụng đồ thờ và các vật phẩm lạ không phù hợp truyền thống trong các di tích ở Thủ đô. Mặc dù vậy, vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa của các ban, ngành, chính quyền địa phương. Theo các chuyên gia: Những linh vật ngoại lai đã đưa vào di tích khoảng hơn 20 năm thuộc diện khó di dời, khi đã ít nhiều trở nên quen thuộc với người dân. Việc xử lý sau khi di dời vẫn chưa có biện pháp thật sự thuyết phục. Để các linh vật ngoại lai không "tái xâm chiếm" di tích, cùng với quản lý, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, cũng như những người trực tiếp tham gia Ban Quản lý các di tích.

                                                                              Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.499.108
Tổng truy cập: