Tin tức nổi bật
Ông già điếc 40 năm giữ nghề làm trống bỏi cho mùa Trung thu
(Ngày đăng: 26/09/2017   Lượt xem: 730)
Mặc dù đôi tai không thể nghe rõ âm thanh nhưng suốt 40 năm qua, ông Vũ Đắc Dùng (làng Hảo, Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) vẫn miệt mài với những tiếng tùng cắc của trống bỏi mỗi dịp Trung thu.

Ông Vũ Đắc Dùng (làng Hảo, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) là một nghệ nhân đặc biệt nhất trong những hộ làm trống bỏi tại ngôi làng trung thu này. Đôi tai không nghe được gì nhưng ông Dùng vẫn cần mẫn hàng ngày làm nên những chiếc trống bỏi - thứ đồ chơi Trung thu truyền thống đã gắn liền với bao thế hệ trẻ em.
Mặc dù đôi tai bị điếc nhưng ông Dùng cũng đã gắn bó với nghề này hơn 40 năm nay. Chỉ từ những dụng cụ thô sơ, dưới đôi bàn tay thoăn thoắt, người nghệ nhân đã hô biến thành một chiếc trống hoàn thiện âm kêu vang rõ.
Để bù lại cho khiếm khuyết của đôi tai, ông Dùng có cách để thử trống hết sức đặc biệt đó là sử dụng khuỷu tay và thanh gỗ để kiểm tra độ căng của mặt trống. Theo ông Dùng, mặt trống càng căng thì âm thanh sẽ càng rõ và vang nên chỉ cần dựa vào yếu tố này cũng đủ để ông kiểm tra được chất lượng của chiếc trống bỏi mình làm ra.
Đã quen tay suốt 40 năm nay nên ông Dùng không mất nhiều thời gian để hoàn thành một chiếc trống. Theo đó, mỗi chiếc trống qua các công đoạn móc da, căng da, thử trống, dập ghim... ông Dùng chỉ bỏ ra khoảng thời gian 15 phút. Trên thị trường, mỗi chiếc trống bỏi có giá khoảng 10.000 -15.000 đồng.

Ông Dùng chia sẻ, do một sự cố từ ngày còn trẻ nên đôi tai bị điếc từ thời đó. 40 năm gắn bó với nghề làm trống, ông Dùng đã tận mắt chứng kiến từng bước thăng trầm của những món đồ chơi trung thu truyền thống trước làn sóng của đồ chơi ngoại nhập bắt mắt.

"Mấy năm trước, bị hàng Trung Quốc cạnh tranh, nhiều hộ dân trong làng bỏ làm trống nhưng vì không nỡ bỏ nên tôi vẫn cứ theo nghề. Thời gian gần đây, khi các thông tin liên quan tới việc hàng Trung Quốc có chứa chất độc khiến người tiêu dùng hoang mang, nhiều người đã quyết định tìm về với đồ chơi truyền thống" - ông Dùng chia sẻ.

Ông Dùng cho biết thêm, gia đình ông không phải là hộ làm chuyên trống bỏi mà chỉ nhận gia công, hoàn thiện ở các công đoạn cuối. Mỗi ngày, ông Dùng hoàn thành khoảng 50-100 chiếc trống bỏi, nhận công xá chỉ khoảng 2.000 đồng/chiếc.
Đồ nghề làm trống bỏi đơn giản của người nghệ nhân điếc.

Theo chia sẻ của anh Vũ Huy Tự, nguyên liệu quan trọng nhất để làm trống chính là gỗ đề và da trâu. Gỗ đề sau khi mua về được cắt ra thành từng đoạn một, sau đó cho vào máy tiện để tiện thành những hình tròn (thân trống). Da trâu được cạo lớp phôi thật mỏng rồi đem phơi khô. (Trong ảnh: công đoạn tiện và cắt da trâu theo từng kích cỡ).

Bà Vũ Thị Thoàn - một trong những hộ sản xuất lớn nhất tại làng Hảo chia sẻ: cách đây vài năm, khi đồ chơi ngoại nhập lên ngôi, làng Hảo trở nên trầm buồn khi những sản phẩm làm ra không còn được ưa chuộng. Thời điểm đó, nhiều hộ gia đình đã quyết định từ bỏ nghề này để tìm kiếm một công việc khác tốt hơn, có thu nhập ổn định hơn. Hiện nay, cả làng cũng chỉ còn khoảng 15 hộ vẫn còn trụ lại với nghề, trong đó các công đoạn cũng đã được chuyên môn hóa nhiều hơn so với cách làm nhỏ lẻ trước đây, nếu chỉ tính riêng làm trống bỏi thì chỉ còn 5 hộ gia đình.

"So với năm trước thì hộ nhà tôi cũng sản xuất nhiều hơn, tính từ đầu vụ cho đến nay thì nhà tôi cũng đã xuất ra thị trường khoảng 30 vạn sản phẩm đồ chơi các loại. Mỗi năm, nhà tôi lại thay đổi, cải tiến mẫu mã để phù hợp với yêu cầu thị trường" - bà Thoàn chia sẻ.

Ông Vũ Huy Đông (một nghệ nhân đồ chơi) kể: "Gia đình tôi tính đến nay đã gắn bó với nghề 3 đời. Chứng kiến từng giai đoạn hưng thịnh của đồ chơi trung thu. Trước đây, mỗi độ trung thu về là cả làng nhộn nhịp. Nhưng đến bây giờ, đứng trước những áp lực từ thay đổi của xã hội nên giờ cũng không còn nhiều nhà làm như xưa. Vì yêu nghề nên chúng tôi vẫn cố giữ và truyền lại nghề cho con cháu. Ngoài mặt hàng đồ chơi chính là trống bỏi thì nhà tôi còn làm thêm mặt nạ giấy bồi các loại".
Ông Lưu Đình Tuấn - Trưởng ban văn hóa xã Liêu Xá cho biết thêm: "Xã luôn nhấn mạnh các hộ làm nghề luôn phải cố gắng giữ được tính gia truyền của một làng nghề làm đồ trung thu cổ. Trong quá trình sản xuất, nếu thiếu vốn thì chính quyền xã sẽ đề xuất địa phương tìm kiếm nguồn kinh phí ưu đãi nhất để các hộ vay, yên tâm sản xuất các mặt hàng đồ chơi trung thu chất lượng".
Đứng trước những đòi hỏi từ nền kinh tế thị trường, không ít các làng nghề truyền thống giàu bản sắc đã dần mai một. Nhưng ở ngôi làng trăm tuổi này, những tiếng tùng cắc của trống bỏi vẫn vang lên quanh năm bởi đôi bàn tay của những người nghệ nhân yêu và giữ nghề. Rồi đây, khi xu hướng tìm về những giá trị văn hóa cổ xưa đang được phát triển, làng Hảo sẽ là một trong những địa điểm du lịch trải nghiệm thú vị, nhất là đối với trẻ em.
                                                                                             Theo: infonet.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.501.416
Tổng truy cập: