Tin tức nổi bật
Ngổn ngang làng đá Non Nước
(Ngày đăng: 12/10/2014   Lượt xem: 668)
Làng đá mỹ nghệ Non Nước bên núi Ngũ Hành vốn không nằm trong lịch trình, và lẽ ra xe của chúng tôi sẽ chạy thẳng trên đường Trường Sa, ven theo bờ Biển Đông tới khu phố cổ Hội An như đã định. Tất cả thay đổi khi chúng tôi qua một khu dân cư nhỏ nằm khiêm tốn dưới núi Ngũ Hành, cách Đà Nẵng khoảng 15km, mời gọi tha thiết người đi đường bằng cả một thế giới đá điêu khắc bạt ngàn kì thú. 



Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước

Muốn tìm về cội nguồn của làng đá Non Nước có lẽ phải quay ngược thời gian tới gần 4 thế kỉ trước. Ông tổ của làng nghề là Huỳnh Bá Quát từ đất Thanh Hóa xuôi theo hướng Nam tìm tới nơi này, đem theo cả kĩ nghệ làm đá của xứ Thanh truyền cho dân chúng xung quanh. Gọi là kĩ nghệ chứ thực ra lúc ban đầu những người thợ làm đá mới chỉ tạo ra các công cụ sinh hoạt hàng ngày như cối xay xát gạo, đá buộc dây neo thuyền, bia mộ mà thôi. Theo dòng thời gian, chất nghệ nhân thấm vào từng thế hệ người dân làng đá, khiến họ dần nức danh cả vùng, cả nước với các sản phẩm kì công như tượng tứ linh, văn bia, phục vụ cho chùa chiền, miếu mạo, cung đình. Cái danh làng nghề cũng theo đó mà chuyển từ tiếng đồn thành thương hiệu mãi tới bây giờ. Từ cái cối đá tới những lô tượng xuất khẩu hàng chục ngàn USD xét ra cũng là cả một hành trình dài. 

Nói xa xôi như thế để dễ hình dung ra truyền thống của những người thợ làm đá mỹ nghệ nơi đây. Tất thảy những thứ phô bày trước mắt khách tham quan đều là một hoặc nhiều phần tinh túy của cả trăm năm kinh nghiệm tạo tác. Bạt ngàn tượng đá, đủ chủng loại, hình dáng phô bày ra trước mắt người xem. Dưới ánh nắng 30oC của đất miền Trung, không gian sáng bừng lên vì đâu đâu cũng thấy sắc đá trắng toát. Không gì tuyệt hơn một làng nghề điêu khắc, bởi cách mà người ta trưng bày sản phẩm dù các cửa hiệu không ai bảo ai cũng đồng loạt hô ứng để tạo nên một không gian đầy tính thẩm mỹ. Hay nói đúng ra là chỉ cần đặt vào những tủ kính, hàng rào và gắn biển đồng chú thích thì nơi đây nhác chẳng khác nào một viện bảo tàng đá khổng lồ. 

Chất lượng của các bức tượng phản ánh tay nghề của nghệ nhân. Và với một làng nghề có lịch sử ăn với đá, ngủ với đá, giàu nghèo vì đá tới gần 400 năm thì hầu như tất cả các tác phẩm đều đẹp hút hồn người. Liếc mắt qua trái là một cặp lân sóng đôi trên bệ đá, thân hình vuông vắn chắc nịch đầy các hoa văn uốn lượn như mây. Đảo qua phải lại thấy một bức tượng sư tử đá uy nghi trên mỏm núi cao, cầu kì đến từng chi tiết như bộ lông bờm hùng dũng tựa vương miện, miệng há ra như đang gào thét dọa mồi. Ở một góc khác nữa lại thấy tượng đá đại bàng sải cánh trên tầng không, từng cái lông vũ được khắc tạc sinh động tới nỗi như thể chỉ một chớp mắt, con vật bằng đá đã vụt bay trên nền trời xanh thẳm. 

Ngay cả những bức tượng mang sắc thái điêu khắc phương Tây, ít cách điệu, thiên về tả thực với tỉ lệ cơ thể khắt khe cũng không nằm ngoài tầm tay của những nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước. Tượng thiếu nữ mình trần khoe thân hình nuột nà, ngực căng đầy nhựa sống vẫn toát nên vẻ thánh thiện không chỉ ở sắc đá trắng như ngọc, mà còn ở chi tiết dải lụa vắt hờ trên thân nửa kín, nửa hở. Tượng thiếu nữ ôm bình nước, dáng người yểu điệu hàm chứa không biết bao nhiêu đường cong đến từ váy áo, tay chân khiến cho bức tượng tuy ở thế tĩnh mà ẩn chứa một sự chuyển động vô hình. 

Đến làng đá mỹ nghệ Non Nước, người ta không chỉ được ngắm nhìn các thành phẩm, mà còn được tận mắt chứng kiến công cuộc tạo tác của các thợ - nghệ nhân làm đá. Các xưởng chế tác thường tọa lạc ngay sau gian trưng bày, và cũng chỉ ở đó mới bắt gặp được những nguyên sơ nhất của nghề điêu khắc. Hàng loạt các khối đá hoặc là nham nhở, hoặc là hằn những vết khoan song song vứt chỏng chơ. Đá vụn tung tóe, dụng cụ làm đá từ chiếc máy cưa cao bằng cả thân người đến máy mài bé xíu ngổn ngang mỗi nơi một chỗ. Một phong cách bụi bặm mà đầy chất nghệ sĩ. 

Làng nghề nào cũng có những người đứng chiếu trên về tay nghề và danh tiếng. Ở làng đá Mỹ nghệ Non Nước hiện tại có lẽ khó ai qua nổi nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu về sáng tạo trên đá. Anh nổi bật từ cách bài trí các bức tượng đá trong khuôn viên như một phòng trưng bày cho tới dáng điệu nghệ sĩ vừa bụi, vừa hiền lành. Nếu nói làng đá mỹ nghệ Non Nước là địa linh, thì hẳn nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu phải là "nhân kiệt” xuất thế. 

Trước lúc rời làng đá Ngũ Hành, trong đầu tôi vẫn còn đọng lại những lời của Nguyễn Long Bửu về dự án xây dựng vườn tượng doanh nhân qui mô đầy tham vọng của anh và dự định tái quy hoạch làng đá  của chính quyền nhân dân TP. Đà Nẵng. Chợt tôi tự hỏi không biết đôi ba năm nữa quay lại Đà Nẵng, cái không gian văn hóa nghệ thuật đá nép mình dưới chân Ngũ Hành Sơn này rồi sẽ mênh mông kì vĩ ra sao?
                                                                        Theo : daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.502.357
Tổng truy cập: