Tin tức nổi bật
Làng nghề Hà Nội: Phát triển sản phẩm xuất khẩu
(Ngày đăng: 10/10/2014   Lượt xem: 777)

Hà Nội có rất nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, với bề dày lịch sử văn hóa. Các làng nghề đang sản xuất ra một khối lượng sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ khá lớn, vừa phục vụ nhu cầu nội địa, vừa xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh - huyện Chương Mỹ

Sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh - huyện Chương Mỹ

Trăm nghề hội tụ

Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có lịch sử hàng trăm năm như: gốm sứ Bát Tràng hình thành cách đây 600 năm, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh 400 năm, khảm trai Chuôn Ngọ 1.000 năm, xa hơn nữa là làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã ra đời cách đây 1.200 năm... Tính đến hết năm 2013, đã có 286 làng nghề được UBND TP. Hà Nội cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề.

Được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm gần 59% tổng số làng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã. Thành phố còn có những sản phẩm mang tính riêng biệt, đặc thù như gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Ky, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, tò he Xuân La… Các sản phẩm làng nghề đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, được các nước, tổ chức, cá nhân đánh giá cao cả về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Nghề có nhiều làng nghề nhất phải kể đến mây tre đan với 365 làng, chiếm tới 27,04% số làng nghề, trong đó huyện Chương Mỹ 141 làng, Ứng Hòa 55 làng, Phú Xuyên 25 làng, Thạch Thất 19 làng, Ba Vì 17 làng, Quốc Oai 15 làng, Thanh Oai 15 làng...; chế biến lâm sản có 170 làng, chiếm 12,59%; chế biến nông sản, thực phẩm 159 làng, chiếm 11,78%; dệt may 152 làng, chiếm 11,26%; thêu ren 138 làng, chiếm 10,22%…

Các làng nghề đã thu hút được 739.630 người tham gia sản xuất với 175.889 hộ gia đình, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã và 50 hội, hiệp hội, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động ở nông thôn ngoại thành từ nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, nhiều làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu của Hà Nội đã thu hút trên 70% lao động phi nông nghiệp, hạn chế số lao động di dời từ nông thôn ra thành thị tìm việc, đem lại giá trị sản xuất vượt trội so với nông nghiệp, tổng thu nhập từ làm nghề chiếm tới 70-80% .

Sản phẩm của làng nghề đúc đồng Lưu Xá

Đào Thu Vịnh- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Phát triển sản phẩm xuất khẩu của làng nghề phải gắn với bảo tồn, khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; đồng thời gắn với phát triển du lịch, tạo thành các tour hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với làng nghề, sử dụng sản phẩm và dịch vụ của làng nghề.

Nâng giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu

Việc phát triển các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được Hà Nội đặc biệt chú trọng. Bởi, thủ công mỹ nghệ là mặt hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch cao với nhiều thị trường có sức tiêu thụ lớn. Trong đó, Hoa Kỳ có nhu cầu lớn về hàng gốm sứ nghệ thuật (sẽ chiếm khoảng 20- 25% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội); thị trường EU có nhu cầu lớn về các sản phẩm gỗ (bao gồm cả gỗ dân dụng và gỗ mỹ nghệ); gốm sứ mỹ nghệ, mây tre đan...; Nhật Bản yêu thích sản phẩm gỗ, gốm sứ mỹ nghệ; Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông có nhu cầu lớn về sản phẩm gỗ dân dụng và gỗ mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, mây tre đan. Bên cạnh đó, các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, Nga cũng có nhu cầu lớn về hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội.

Thời gian tới, thành phố sẽ phát triển sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với mục tiêu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hang đạt 0,593 tỷ USD; Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 0,85 tỷ USD; trong đó tập trung vào một số nhóm như: gốm sứ, mây tre đan, thêu ren, sơn mài, khảm trai… Bên cạnh đó, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc…, cần xâm nhập vào các thị trường mới như: Bắc Mỹ, Tây Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh…

Để phát triển các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của làng nghề ở Hà Nội, vấn đề đào tạo tay nghề và nâng cao chất lượng lao động, sử dụng hiệu quả và tôn vinh lao động của làng nghề có ý nghĩa quan trọng. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi và khen thưởng thích đáng đối với các nghệ nhân, động viên họ dạy nghề và truyền nghề cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, khuyến khích đổi mới thiết bị, công nghệ trên cơ sở có những cơ chế, chính sách hỗ trợ mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích các làng nghề hạn chế sử dụng các loại nguyên liệu quý hiếm, không có khả năng tái tạo; tận dụng các nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, dồi dào về số lượng, có thể nuôi trồng, cho sản phẩm nhanh. Hà Nội cũng nên lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nghề thủ công; nghiên cứu cải tạo và nâng cao chất lượng, áp dụng các phương pháp tiên tiến để sơ chế và bảo quản nguyên liệu; đẩy mạnh hỗ trợ các làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là các làng nghề truyền thống.

                                                                                             Theo : baocongthuong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.501.846
Tổng truy cập: